Tiếng đàn hát rộn rã phòng thi

(Dân trí) - Cả một không gian đầy âm nhạc với tiếng những giọng ca hay đến mê hồn và tiếng đàn say đắm. Đó là hình ảnh buổi thi năng khiếu vào Học viện Âm nhạc Huế hôm nay 11/7.

Chìm đắm trong tiếng nhạc khắp nơi, chúng tôi được thầy Bùi Ngọc Phúc, trưởng điểm thi năng khiếu Học viện Âm nhạc Huế, Trưởng Viện nghiên cứu Âm nhạc Huế dẫn đi toàn bộ các phòng thi.

Ở phòng thi Biểu diễn nhạc cụ phương Tây, các thí sinh sẽ chơi bài nhạc yêu thích nhất với các nhạc cụ là đàn phím như piano, guitare), đàn dây như violon, viola và bộ kèn. Ở phòng thi Thanh nhạc, mỗi thí sinh phải hát liên tục 5 bài có giáo viên đệm piano gồm 1 tác phẩm nhạc Việt Nam và các trích đoạn opera trong các vở nhạc kịch nước ngoài.
 

Tiếng đàn hát rộn rã phòng thi  - 1
Buổi thi vào ngành Thanh nhạc ở Học viện Âm nhạc Huế chiều 11/7.

Phòng thi Âm nhạc di sản sẽ thi môn các nhạc cụ dàn nhã nhạc, đàn - ca Huế, hát dân ca Việt Nam. Phòng Nhạc cụ dân tộc, thí sinh sử dụng các loại đàn dân tộc như tỳ, nguyệt, bầu, sáo để liên tiếp chơi một lúc 5 bài gồm 3 bài phong cách (ca Huế, chèo, cải lương) và 2 bài tác phẩm mới trong vòng 30 phút.

Ở các phòng thi vào ngành Sư phạm Âm nhạc - ngành có số thí sinh thi đông nhất vì nhu cầu xã hội đang còn thiếu và hình thức thi không quá khó, thí sinh thi 2 phần là hát theo nhạc đệm và trình diễn đàn organ.

Ngoài các góc sân, trong giảng đường, các thí sinh ít nói chuyện với nhau mà tập trung vào việc chơi lại nhạc cụ hay hát nho nhỏ những bài sẽ dự thi. Trong các em dường như ít có sự vướng bận về vật chất. Đặc biệt, thí sinh dự thi đều rất đẹp từ cách ăn mặc cho đến trang điểm.

Ban giám khảo ngoài các giáo viên thuộc Học viện Âm nhạc Huế còn có sự góp mặt của những nghệ nhân nổi tiếng hay các thầy, cô đã về hưu có chuyên môn cao.

Theo thầy Bùi Ngọc Phúc, chất lượng thí sinh thi vào năm nay là khá cao và chủ yếu là các học sinh đã học qua Trung cấp Âm nhạc. Có một số thí sinh tự do với đam mê âm nhạc cũng thi nhưng chất lượng không được tốt lắm vì không có kiến thức nền cơ bản. Số lượng thí sinh nộp đơn vào trường giảm khoảng 1/3 so với năm 2010 vì các yếu tố: ngành năng khiếu nên khá “kén” thí sinh; xu thế xã hội ngày càng đi theo các khối ngành kinh tế, đầu ra của SV ngành nhạc tương đối khó...

Tuy nhiên, để đào tạo một nhạc công hay một nhạc sĩ, nhà nghiên cứu âm nhạc thì phải “khổ học” trong một thời gian lâu đến cả gần 20 năm. Học sinh phải học từ nhỏ qua các giai đoạn trung cấp ngắn - dài năm rồi mới thi vào hệ đại học âm nhạc với sự đầu tư về vật chất không nhỏ từ phía gia đình.

Dưới đây là những hình ảnh được PV ghi lại trong ngày thi hôm nay 11/7 tại Học viện Âm nhạc Huế:

Tiếng đàn hát rộn rã phòng thi  - 2

Thí sinh thi vào ngành Biểu diễn nhạc cụ phương Tây bộ đàn phím - đàn guitare.
Tiếng đàn hát rộn rã phòng thi  - 3
Một ca khúc opera được thí sinh nữ trình bày tốt với giọng nữ cao Soprano.

Tiếng đàn hát rộn rã phòng thi  - 4

Phần thi đàn organ của ngành Sư phạm Âm nhạc.
Tiếng đàn hát rộn rã phòng thi  - 5

Thí sinh đàn nguyệt với giáo viên đệm đàn trong phòng thi Nhạc cụ dân tộc.
Tiếng đàn hát rộn rã phòng thi  - 6

Hát ca Huế.
Tiếng đàn hát rộn rã phòng thi  - 7

Nghệ nhân ca Huế “lão làng” Nguyễn Thị Kim Vàng đang gõ phách cho thí sinh ca. Bà Vàng cũng là thành viên ban giám khảo.
Tiếng đàn hát rộn rã phòng thi  - 8

Các thí sinh trong lúc chờ đợi đến lượt tranh thủ chơi lại nhạc cụ và đùa giỡn để làm dịu đi không khí căng thẳng.
Tiếng đàn hát rộn rã phòng thi  - 9
Nụ cười rất tươi của 2 thí sinh xinh đẹp dự thi vào chuyên ngành Âm nhạc di sản (Ngành Biểu diễn nhạc cụ truyền thống). Với thí sinh nhạc viện, tinh thần luôn luôn thoải mái.
 

Năm nay, tổng hồ sơ nộp vào thi ở Học viện Âm nhạc Huế hệ chính quy (Đại học) là 336. Số thí sinh dự thi là 265 trên 180 chỉ tiêu lấy vào. Đây cũng là chỉ tiêu tương tự như Nhạc viện TP HCM và Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam.

 

Ngày 15/7 tới, lần đầu tiên diễn ra kỳ thi Tại chức đàn hát dân ca Việt Nam tại Học viện Âm nhạc Huế. TP Huế cũng là địa phương đầu tiên cả nước tổ chức thi tại chức về ngành nhạc này.


Đại Dương