Khổ học thành tài:
Tiếng đàn của cô gái mù
(Dân trí) - Ai đã từng một lần nghe tiếng đàn của Diễm hẳn sẽ se sắt trái tim. Bởi tiếng đàn ngân lên từ nội tâm sâu thẳm, chất chứa nỗi u buồn, sự mặc cảm cố hữu của người con gái khuyết tật, dù cho cô đã cố gắng gấp trăm ngàn lần và giành được những giải thưởng xứng đáng...
Con gặp nạn, bố bỏ rơi
Khi biết tin đứa con đỏ hỏn vừa chào đời không có cơ hội nhìn thấy ánh sáng mặt trời, ông bố tàn nhẫn “trộm” con đem vứt đi. Người vợ trẻ chưa kịp hồi sức sau lần vượt cạn nguy hiểm, biết được âm mưu của nhà chồng, nước mắt ngắn dài, lết đi tìm con. Người đàn bà quê khổ hạnh, ôm chặt đứa trẻ trong lòng mặc cho người chồng vũ phu chửi rủa, doạ dẫm. Hắn doạ sẽ bỏ mặc hai mẹ con nếu như vợ cứ khư khư giữ lại đứa con tật nguyền.
Nước mắt chảy tràn mi, cô gái có cái tên nghe thật buồn – Trương Thị Bích Diễm ở xứ Tân Kỳ, Quảng Nam làm cho không khí cả phòng 203, Kí túc xá Nhạc viện Hà Nội, chùng xuống khi nghe cô kể về hoàn cảnh của mình.
Diễm nói, cô trưởng thành, lớn khôn như ngày hôm nay là nhờ tình thương vô bờ và sự hi sinh lớn lao của mẹ. Mẹ cô chấp nhận để chồng đi theo người đàn bà khác còn mình ở vậy nuôi con. Một mình mẹ Diễm phải nai lưng quần quật ngoài đồng từ sáng đến tối để nuôi bà ngoại cô vốn già yếu, mắc bệnh lãng tai, nuôi Diễm và em Diệu Thi - đứa bé theo Diễm là mẹ cố “tự túc” để sau này còn có người cho cô nương tựa. Bị bệnh tim lại không được kiêng khem, mẹ của Diễm xác xơ như tàu lá. Nhà đã nghèo lại càng thêm nghèo...
Bà con làng xóm nhìn hai chị em Diễm hiền lành, trong sáng đều chẹp miệng, lắc đầu thương cảm cho hoàn cảnh mẹ goá con côi.
Học - mong thoát khỏi cái nghèo
Trương Thị Bích Diễm, sinh năm 1981. Tốt nghiệp cấp 3 trường bán công Trần Phú, Diễm thi đỗ vào trường Nhạc viện Hà Nội. Giờ cô đang là sinh viên năm thứ nhất, khoa đàn thập lục. Năm 1998 Diễm đoạt HCĐ cuộc thi Tài năng trẻ đàn tranh toàn quốc lần thứ 3; năm 2001 đoạt giải khuyến khích toàn quốc về cuộc thi viết thư UPU; Cũng trong năm 2001, Diễm đoạt HCV trong cuộc thi liên hoan nghệ thuật quần chúng Đà Nẵng và HCB cuộc thi tiếng hát từ trái tim người khuyết tật; năm 2002 cô đoạt giải nhì cuộc thi thuyết trình Anh văn toàn TP Đà Nẵng, đoạt 2 HCV tại cuộc thi Văn nghệ – Thể dục thể thao dành cho người khuyết tật tại Huế. |
Mái nhà tranh liêu xiêu, nơi 4 người phụ nữ từ già đến trẻ sinh sống khiến những người qua lại chú ý bởi âm thanh đàn dây và tiếng cười đùa trong trẻo. Người ta tò mò, vào xem một bé gái 5 – 6 tuổi hồn nhiên đánh đàn trên những sợi dây chun được buộc chặt vào nắp xô, chậu. Có người buột miệng khen con bé có khiếu đánh đàn, khuyên mẹ Diễm cho Diễm theo học đánh đàn ở trường Nguyễn Đình Chiểu (Tp Đà Nẵng).
12 tuổi, Diễm vào trường với lòng quyết tâm sẽ học hành cẩn thận. Diễm chăm chỉ, “cày” ngày đêm với cây đàn thập lục. Cây đàn nhiều dây chính là thử thách lớn đối với cô gái không còn đôi mắt. Diễm bảo, khó nhất khi học đàn thập lục là bị nhầm dây. Trước đàn thập lục có 16 dây, giờ được cải biên thành 19, 20 thậm chí 21 dây. Tôi hỏi: “Sao Diễm lại chọn đàn thập lục mà không phải là cây đàn khác?” Diễm trả lời: “Vì em có thể vừa đàn vừa hát trên sân khấu với cây đàn dân tộc ấy” và cô đàn cho tôi nghe 1 bản nhạc Trung Hoa. Tiếng đàn lên bổng xuống trầm, khi réo rắt, thê lương... Tôi thở dài.
Nghe Diễm đánh đàn tôi hiểu vì sao Diễm chọn đàn thập lục. Tiếng đàn giống như tâm trạng của Diễm, buồn, ưu tư và bộc lộ những nỗi niềm dẫu đã được chôn kín. Diễm đàn, Diễm hát, đều buồn: Miền Trung nhớ Bác, Giữa Mạc Tư Khoa nghe câu hò Nghệ Tĩnh, Thăm bến nhà Rồng.v.v...
Nếu có ước muốn trong cuộc đời này…
Ngồi với tôi, Diễm còn có Quý – cô gái quê Phú Thọ, mất một cánh tay năm 16 tuổi do tai nạn lao động. Quý tâm sự: “Em và Diễm mới quen nhau qua Trung tâm Nghệ thuật tình thương của nghệ sĩ nhân dân Tường Vi. Mất cánh tay, em cho là mình bất hạnh nhưng Diễm còn bất hạnh hơn em. Em khâm phục Diễm về khả năng học tập và nghị lực vươn lên trong cuộc sống. Hoàn cảnh gia đình khó khăn, bản thân khiếm thị mà Diễm vẫn thi đỗ vào Nhạc viện, đánh đàn và hát rất hay”.
Hiện tại, ngoài thời gian tập đàn, trả bài ở trường, Quý lại đưa Diễm về Phú Thọ biểu diễn văn nghệ với câu lạc bộ người khuyết tật. Vừa học vừa làm đối với người sáng mắt đã là sự vất vả, với Diễm lại càng vất vả hơn. Trò chuyện với Diễm suốt mấy tiếng đồng hồ tôi thấy cô nhắc nhiều về mẹ, người mẹ bệnh tim, đang sống cùng bà ngoại bị lãng tai, gần 90 tuổi.
Tôi hỏi Diễm về ước mơ và những dự định. Diễm chỉ kể cho tôi nghe một câu chuyện. Cách đây 2 năm, bạn bè khuyên Diễm đi thi Tiếng hát Truyền hình. Diễm xin tham gia nhưng người ta gạt đi vì “người khuyết tật không có phong cách biểu diễn”. Diễm nghĩ mình đã và đang vươn lên hết sức mình nhưng dường như khoảng cách giữa người khuyết tật và người bình thường còn xa lắm...
Hàn Nguyệt