Tiến sĩ Nguyễn Thiện Tống: Tôi là người… gieo hạt trước gió!

(Dân trí) - Mới thôi mà đã một giờ/ Mới thôi mà đã một ngày/ Và mới thôi đã… 40 năm! TS Nguyễn Thiện Tống mở đầu buổi chuyện trò với PV Dân trí vào một ngày đầu năm 2015…

Thoáng đó, kể từ thời điểm năm 1974 - khi còn là một vị tiến sĩ trẻ từ “trời Tây” trở về, với tấm bằng Tiến sĩ Kỹ thuật hàng không trong tay, đến nay đã tròn 40 năm ông “trụ lại” với quê hương. Cũng ngần ấy thời gian, ông đã trải qua công tác giảng dạy, quản lý ở nhiều lĩnh vực khác nhau, cống hiến trong đa dạng các mảng hoạt động, phần lớn liên quan đến giáo dục, đào tạo....

Song, ông lại chỉ gắn liền với duy nhất một nơi: trường Đại học Kỹ thuật (ở Phú Thọ) thuộc Viện Đại học Bách Khoa Thủ Đức, trường đó cũng là tiền thân của trường Đại học Bách khoa TPHCM ngày nay.

Chính ngôi trường này, gần 40 năm ông đã “xoáy” cùng dòng chảy lịch sử của đất nước, để không chỉ chứng kiến mà còn có cả những trải nghiệm buồn vui thậm chí có lúc đắng cay… trên con đường khẳng định năng lực, kiên định bản lãnh của một trí thức.

Tiến sĩ Nguyễn Thiện Tống ở trường Đại học Bách Khoa
Tiến sĩ Nguyễn Thiện Tống ở trường Đại học Bách Khoa

Sài Gòn - TPHCM, qua những “mảnh ghép” hồi tưởng

Buổi Giao thời - trong sự hoang mang của không ít bạn bè, đồng nghiệp và cho đến mãi sau này, nhiều người hỏi tôi: “Tại sao đã chọn Ở LẠI?” - Tôi chỉ cười, vì với tôi đúng hơn phải hỏi tại sao lại TRỞ VỀ? - TS Nguyễn Thiện Tống trầm tư nhớ lại…

Tôi đã chọn TRỞ VỀ quê hương ngay trong thời điểm cuộc chiến đang khốc liệt (giữa năm 1974). Vậy hà cớ gì, chưa đầy một năm sau, khi đất nước được hòa bình, quê hương thu về một mối (năm 1975) tôi lại… RA ĐI (?!) - vị tiến sĩ giải thích thêm: Vào thời điểm những năm 1974, khi sở hữu tấm bằng Tiến sĩ ngành Hàng không của “trường Tây” như ông cũng đồng nghĩa với việc đã cầm trong tay thị thực VISA để có thể sinh sống một cách chính danh, với cuộc sống đầy đủ về vật chất và một tương lai hứa hẹn về nghiên cứu khoa học ở nhiều nước trên thế giới. Thế nhưng, gia đình tôi (lúc đó tôi đã có vợ và một cậu con trai) vẫn chỉ mong muốn trở về quê hương dù khi đó đang còn chiến tranh.

Bởi, suy cho cùng mình vốn là con dân nước Việt. Tôi biết, mình thuộc về đất nước sinh ra mình và không thể tự cướp mình khỏi quê hương để làm kẻ vong thân sống kiếp lưu đầy - dù sống trong sung túc, ở xứ người…

Khi trở về quê hương vào cuối những năm 1974, có khá nhiều cơ hội nghề nghiệp cho tôi chọn lựa. Nhưng tôi đã quyết định ở lại Sài Gòn và chính thức trở thành Phụ tá Khoa trưởng đặc trách nghiên cứu phát triển và sinh viên vụ của Trường Đại học Kỹ Thuật (ở Phú Thọ) của Viện Đại Học Bách Khoa Thủ Đức vào đầu năm 1975.

Chiều 30/4/1975 - tại Sài Gòn, ngay khi những tiếng súng cuối cùng đã ngừng hẳn, tôi đã có mặt tại sân trường ĐH Kỹ Thuật (nay là ĐH Bách khoa TPHCM) với trách nhiệm là một trong hai người lãnh đạo của trường còn ở lại để chuẩn bị cho việc bàn giao cho Ban Quân quản trong những ngày sau. Rồi tôi trở lại công việc giảng dạy cho đến lúc về hưu và thậm chí cho mãi đến bây giờ (trong việc thỉnh giảng) thì tôi hầu như cũng chỉ gắn liền liên tục và duy nhất với ngôi trường này - Có lẽ đó là duyên tiền định! Vị tiến sĩ hóm hỉnh.

Ấn tượng nhất của tôi về trí thức mới chính là hình ảnh tốt bụng, nhân ái của ông Trần Hồng Quân (cựu Bộ trưởng Bộ GD-ĐT) ông từng giữ vị trí Hiệu trưởng của trường Bách Khoa TPHCM trong những năm đầu tiên sau giải phóng. Tôi cũng có ấn tượng đẹp với sự tiếp đón lịch sự và có thể gọi là đúng theo tinh thần “đồng chí, đồng nghiệp” của một số trí thức ở Hà Nội, khi lần đầu tiên vào cuối năm 1975, tôi là một trong 4 gương mặt đại diện trí thức của phía Nam ra Hà Nội công tác. Tôi ấn tượng, bởi điều này hiếm khi được thể hiện ở ngay chính ngôi trường mà tôi gắn bó gần 40 năm trong suốt cuộc đời làm giáo dục và khoa học của mình (!).
 

40 năm làm nghề và những ĐƯỢC - MẤT

Nay, khi Sài Gòn - TPHCM tròn 40 năm tuổi, tôi đã gần cái tuổi “thất thập - cũng đã trải nghiệm qua nhiều thăng trầm trong cuộc sống… - TS Nguyễn Thiện Tống tiếp: Cũng đã có một đồng nghiệp của cô thắc mắc với tôi như điều cô vừa hỏi - “Có bao giờ ông cảm thấy hối tiếc… Và điều gì khiến ông hài lòng nhất trong quyết định trở về và gắn bó với quê hương?” - Xin thưa, có đôi chút ngậm ngùi, có chút buồn nhưng chưa bao giờ hối tiếc về quyết định của mình.

Tôi mạn phép “cải biên” một câu hát của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn (cũng là một người bạn vong niên của tôi) để trả lời câu hỏi này, đó là “Thương cho mình và Tiếc cho đời”. Thương cho mình vì ôm nhiều hoài bão lớn nhưng lại không có cơ hội để đóng góp như mong ước. Còn tiếc cho đời đã không cho mình cơ hội để đóng góp được nhiều hơn.

Đến 90% thời gian trong sự nghiệp của mình, tôi gắn liền với nghiệp “trồng người”. Tôi vẫn tự thấy mình rất giống logo người ta vẫn thường in trên từ điển Pháp, đó là hình ảnh của một cô gái đang đứng gieo hạt trong gió. Còn tôi, tôi đã và đang “gieo hạt” kiến thức, “tiếp lửa đam mê “ và “tiếp sức tài lực” cho các thế hệ sinh viên. Song, trong công việc này tôi cũng có phần ngậm ngùi khi nhận thấy, mình là người “vô sinh” về mặt đào tạo nghiên cứu sinh! Bởi, với trình độ Tiến sĩ từ năm 1974 và học hàm Phó Giáo sư từ 1991, cho đến nay tôi vẫn chỉ tham gia đào tạo ở bậc đại học mà chưa có cơ hội thể hiện năng lực đào tạo các bậc tiến sĩ. Và ẩn sau ngậm ngùi ấy là cả một câu chuyện dài, phần nào chịu ảnh hưởng của lịch sử dân tộc…

Còn hài lòng ư? Tôi hài lòng với quyết định trở về và trụ lại với quê hương. Tôi đã biết tận dụng những cơ hội đó để đóng góp cho quê hương nhiều hơn. Những đóng góp đó rất cụ thể: Tôi là “kiến trúc sư trưởng” là người mở ngành học Kỹ thuật Hàng không, tuyển sinh và đào tạo khóa đầu tiên vào năm 1996, tại Đại học Bách khoa TPHCM. Cùng với việc “thiết kế” ngành học là khoảng thời gian 12 năm tôi làm việc ở vị trí Chủ nhiệm bộ môn (1996-2007). Giai đoạn này tôi hài lòng vì được lãnh đạo công nhận và được thể hiện năng lực bản thân theo đúng lĩnh vực mình đam mê và được đào tạo bài bản.

Với vị trí của mình, tôi đã có cơ hội “tiếp sức, tiếp lửa” thông qua việc giảng dạy trực tiếp đồng thời là người kêu gọi nguồn lực, tài trợ học bổng cho rất nhiều thế hệ sinh viên ngành Kỹ thuật Hàng không được đào tạo tại ĐH Bách khoa TPHCM cũng như tiếp tục được du học ở các nước Âu, Mỹ…

Tiếp đến, điều khiến tôi rất vui, đó chính là tôi luôn là “người mở đường” - Tôi là một trong những người khởi xướng Chương trình Vì ngày mai phát triển của báo Tuổi Trẻ. Tiền thân của chương trình này là Chương trình học bổng do Hội Khoa học Kỹ thuật gia Việt Nam tại Úc tài trợ (thông qua tôi) với 12 suất học bổng đầu tiên dành cho học sinh lớp 12 tại TPHCM (không phân biệt gia cảnh). Và đây chính là Chương trình “Vì ngày mai phát triển” lần thứ nhất. Những năm gần đây từ 2009 đến 2014, tôi đã kêu gọi các bạn bè thân quen cũng như các thế hệ học trò của tôi ở trong nước và ở Úc, Pháp, Mỹ… để tài trợ Chương trình học bổng Tiếp sức đến trường cho tân sinh viên Thừa Thiên Huế, mà riêng năm 2014 số tiền đã trên 450 triệu đồng.

Tiến sĩ Nguyễn Thiện Tống ở Viện Đại học Harvard năm 1994
Tiến sĩ Nguyễn Thiện Tống ở Viện Đại học Harvard năm 1994

Lạc quan với Sài Gòn - TPHCM ở độ tuổi 40 “cái xuân xanh”!

Như quy luật của tạo hóa, của đất trời, mỗi mùa xuân tới vạn vật như tươi xanh hơn, tràn đầy sức sống hơn... Với tôi, mùa xuân này - khi Sài Gòn - TPHCM tròn 40 năm xây dựng và phát triển với khá nhiều những công trình mang dấu ấn, thì tôi cũng sắp bước vào tuổi thất thập. Tuy tuổi đã “xế chiều” nhưng tôi vẫn rất lạc quan và cảm thấy yêu đời hơn mỗi độ Xuân về.

Đặc biệt, với nền giáo dục nước nhà, tôi vẫn mong ước được nhìn thấy những thành quả từ sự đổi mới. Để những đổi mới ấy đến nhanh hơn, gần hơn thì giáo dục cần có “TRIẾT LÝ GIÁO DỤC”. Theo đó, với từng cá thể, giáo dục cần chú trọng đến việc trang bị lý tưởng và khả năng tư duy độc lập của mỗi học sinh, sinh viên… Còn ở tầm vĩ mô, “mấu chốt” thành công của quyết sách giáo dục, hiện không còn nằm ở Ý TƯỞNG nữa, bởi cũng đã có rất nhiều ý kiến đóng góp, đề xuất, chìa khóa thành công của một quyết sách đúng đắn vào thời điểm hiện nay phụ thuộc vào phương cách quản trị nguồn lực sao cho hợp lý. Việc này đòi hỏi tiêu chỉ sử dụng nhân lực của “người cầm trịch” phải cởi mở hơn để có thể quy tập mọi nguồn lực tri thức để biến thành sức mạnh tri thức toàn diện…

Tôi vốn là dân khoa học, nên tôi tin rằng lượng biến sẽ kéo theo chất biến! Và tôi mong những quyết sách của sự nghiệp “trồng người” sẽ thay đổi mạnh mẽ, quyết liệt sẽ giúp nguồn tri thức Việt được khơi dậy và phát triển ấn tượng hơn, góp phần hiệu quả vào công cuộc xây dựng, phát triển cho sự phồn thịnh của đất nước.

Tiến sĩ Nguyễn Thiện Tống là một trong 25 sinh viên Việt Nam nhận học bổng Colombo Plan du học tại Úc vào cuối năm 1965. Ông là người Việt Nam đầu tiên và trẻ nhất, vào năm 1974 đã sở hữu bằng Tiến sĩ ngành Kỹ thuật Hàng ở Viện Đại học Sydney.

• Ông du học Hoa Kỳ với học bổng Fulbright năm 1992 và tốt nghiệp Thạc sĩ Quản trị Hành chính công tại trường Kennedy thuộc Viện Đại học Harvard - Hoa Kỳ năm 1994. Ông đã tham gia từ lúc bắt đầu Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright tại Việt Nam năm 1995.

• Vào những năm đầu của thập niên 90 cũng như nhiều đợt lấy ý kiến xây dựng cho Luật Giáo dục Việt Nam sau này, ông đều nằm trong số những chuyên gia giáo dục uy tín được mời đóng góp ý kiến.

Việt Khuê

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm