Tiếc vì hoãn thi trắc nghiệm Toán
(Dân trí) - Trong buổi tọa đàm ngày 14/11 về đề án tổng thể đổi mới thi và tuyển sinh, nhiều thầy cô của các trường đại học phía Nam tỏ ý tiếc nuối khi phải chờ thêm một thời gian nữa mới tổ chức thi trắc nghiệm môn Toán.
Cô Vũ Thị Phương Anh, Phó giám đốc Trung tâm khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo ĐHQG TPHCM nói: “Về phần cá nhân hơi thất vọng vì không thi trắc nghiệm môn Toán trong kỳ tuyển sinh ĐH-CĐ 2008”.
Theo cô, môn Toán rất dễ thi trắc nghiệm và đã có nhiều nước áp dụng rồi. Cô Phương Anh là người được đào tạo bài bản về lĩnh vực khảo thí hơn 10 năm.
Thầy Đinh Quang Hảo, nguyên là trưởng phòng khảo thí (Sở GD-ĐT TPHCM) cũng nói: “Tôi không thấy có gì trở ngại để các em thi trắc nghiệm môn Toán cả”. Nhiều thầy cô cùng chung nhận định việc tổ chức thi trắc nghiệm sẽ tiện đủ bề: từ khâu ra đề, chấm thi cho đến đánh giá đúng trình độ thi sinh.
Vấn đề trắc nghiệm và tự luận cũng được quan tâm ở khía cạnh ra đề. Ông Nguyễn Văn Hiến, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Bình Thuận nói: “Cái khó là ở cái đề, ở chỗ kỹ thuật”.
Với kinh nghiệm nhiều năm nghiên cứu thi cử ở Pháp, thầy Đinh Quang Hảo cho rằng: Trắc nghiệm đúng, sai đều bị trừ điểm là một khuynh hướng mới.
Về vấn đề này, TS Nguyễn An Ninh, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng Bộ GD-ĐT cho biết ông đã có đề xuất phương pháp thi trắc nghiệm theo kiểu đánh dấu sai sẽ bị trừ 1/4 số điểm từ năm 2005 nhưng chưa thể làm được ngay. Ông cũng cho biết, đổi mới giáo dục rất khó khăn, có khi phải lùi một bước, chỉ nhích một nửa bàn chân cũng đã là rất gian nan.
Thầy Trần Hành, hiệu trưởng ĐH Lạc Hồng đề nghị Bộ GD-ĐT có cuộc khảo sát, đánh giá về cái hay, dở của việc thi tự luận hay trắc nghiệm. Thi kiểu nào thì cũng phải chú ý đến việc học vì sẽ có cách học khác nhau. Ông cũng lưu ý nếu tổ chức một kỳ thi với đề chung thì sẽ thiệt thòi cho những học sinh ở vùng sâu vùng xa vì những em này không có điều kiện học tập.
Thầy Tạ Quang Lâm, phó phòng đào tạo ĐH Sư phạm TPHCM với kinh nghiệm 25 năm tuyển sinh đề nghị “môn Toán thi cả tự luận hoặc trắc nghiệm. Vì Toán là môn có tính sáng tạo. Một đề sẽ có nhiều cách giải khác nhau”.
Học sinh “sốc” vì không thi trắc nghiệm môn Toán Ngay sau khi có thông tin Bộ GD-ĐT chính thức không tổ chức thi trắc nghiệm môn Toán, hàng trăm ý kiến của học sinh đã được gửi lên diễn đàn giáo dục (www.edu.net.vn), trang tham luận website Bộ GD-ĐT (http://moet.edu.vn) để phản đối về chủ trương này. Học thụ động làm cho nhiều học sinh “mếu máo” Một học sinh lớp 12 trường THPT Trần Phú Hà Nội tâm sự: “Vài ngày trước em mới biết tin Bộ GD-ĐT ra quyết định thi tự luận 3 môn Toán, Văn và Sử. Không biết Bộ GD-ĐT có suy nghĩ tới cảm giác của chúng em trước khi đưa ra quyết định này hay không. Ngay từ đầu năm 12, sau khi nghe tin Bộ ra quyết định thi trắc nghiệm tất cả các môn, chúng em đã được học và thi dưới hình thức này. Tất cả những bài kiểm tra 15 phút hay 1 tiết... chúng em đều được thi trắc nghiệm. Riêng đối với môn Toán thì kiểm tra 1 tiết mới có trắc nghiệm. Việc này giúp chúng em không phải đi sâu vào vấn đề hình thức mà chỉ tập trung vào kiến thức. Trong đề trắc nghiệm Toán có rất nhiều dạng bài tập, việc đó giúp chúng em có kiến thức bao quát và tạo tư duy nhanh nhạy chứ không phải là không có tính tư duy. Về môn Sử, nếu như thi trắc nghiệm hay tự luận thì chúng em đều phải bao quát tất cả kiến thức lớp 12, có khi còn cả lớp 11. Nhưng nếu như thi tự luận thì số lượng câu hỏi hạn chế và chỉ tập trung được 1 số kiến thức nhất định. Như vậy, số kiến thức còn lại mà chúng em đã bỏ sức ra học thì để đi đâu?” Đồng với quan điểm này, Thuỳ Linh học sinh lớp 12 trường THPT Nguyễn Trãi (Thanh Hoá) cũng đưa ra những lập luận phản đối chủ trương bỏ thi trắc nghiệm của Bộ GD-ĐT. “Ngay từ năm trước đã có thông báo thi Toán theo hình thức trắc nghiệm, em đã học Toán theo kiểu làm trắc nghiệm từ hè tới giờ bây giờ Bộ GD-ĐT đột ngột thông báo không thi theo hình thức đó làm em phải thay đổi cách học gây rất nhiều khó khăn cho em”. Gay gắt và phản đổi kịch liệt việc Bộ GD-ĐT không thi trắc nghiệm môn Toán, một học sinh lớp 12 trường THPT Trần Nhân Tông (Hà Nội) bức xúc nói: “Thầy và trò cùng nhau đổi mới cách dạy và học môn Toán, chuẩn bị ráo riết cho môn thi trắc nghiệm mới này. Không ít những bạn học sinh như em đã mua nhiều sách tham khảo trắc nghiệm môn Toán nay phải mua thêm sách tự luận về tham khảo thêm. Chính Bộ GD-ĐT đã làm lãng phí tiền của dân, công sức của dân chỉ vì những quyết định hời hợt và theo “cảm hứng”, “quán tính”. Mặt khác các thầy cô đã phải vất vả soạn đề thi trắc nghiệm cho học sinh làm thử cho quen dần. Thầy cô đã phải chỉ dẫn cho học sinh nhiều cách làm bài mới, hay, nhanh, gọn, nay phải dạy lại phương pháp làm bài tự luận cổ điển. Hơn thế nữa học sinh phải đổi mới tư duy, cách làm bài (từ tự luận sang trắc nghiệm rồi lại sang tự luận), một mớ bòng bong hỗn độn”. Học sinh lại trở thành “chuột thí nghiệm”? Lại một lần nữa Bộ GD-ĐT làm cho học sinh điêu đứng. Những thay đổi liên tục nhưng không nhất quán đã biến hàng triệu học sinh thành những cuộc thử nghiệm. Khi cuộc thử nghiệm thất bại thì Bộ GD-ĐT chỉ biết “im hơi lặng tiếng” nghe ngóng còn học sinh thì lại lao đao chống chọi với những “hiệu ứng” của “trò chơi” mang lại. Tại tham luận trên website của Bộ GD-ĐT, độc giả có địa chỉ htpt_beck7@yahoo.com.vn lên án chủ trương của Bộ: “Thưa ngài Bộ trưởng! Liệu có ai đó từng suy nghĩ về việc có nên thay đổi vào lúc này không? Trong khi hầu như tất cả học sinh đã tập làm quen, thích nghi với việc trắc nghiệm thì “đùng” một cái nói khôn thi là không thi được sao? Quý ngài tưởng học sinh Việt Đầu tiên thì nghe trắc nghiệm toàn bộ, đến đầu năm thì nghe trắc nghiệm Toán, Lý, Hoá, Sinh, Anh và sau đó đến lúc gần kết thúc học kì I thì lại nhận được một tin mà có lẽ bất kì một học sinh nào đang học lớp 12 cũng phải té ngửa... không trắc nghiệm Toán nữa! Liệu có nên thay đổi vào lúc này không, khi mà có thể nói “gạo đã gần nấu thành cơm rồi”, Lúc này mà đổ đi nấu lại sẽ tốn rất nhiều thời gian cũng như công sức mà chưa chắc nồi cơm sau sẽ ngon hơn nồi cơm trước…” Hay tại diễn đàn giáo dục, học sinh có nickname RaoJSpears chỉ biết ngán ngẩm trước chủ trương “trái khoáy” của Bộ GD-ĐT: “…Dù thế nào thì chúng cháu vẫn phải chuẩn bị lại môn Toán theo phương pháp tự luận, vì người quyết định là các chú, còn người thực hiện là chúng cháu. Chú nghĩ gì thì quyết đinh thứ ấy, chúng cháu chẳng hề được hỏi xem có thích không, giống như những con chuột mang ra thí nghiệm vậy, cả một thế hệ của Việt Nam “được” mang ra làm chuột thí nghiệm, chỉ để tìm ra cách nào là tốt nhất cho những con chuột ấy, và cuộc thí nghiệm nào không thành công thì lứa chuột đó bị xem là “không may mắn”. |
Hiếu Hiền - Nguyễn Hùng