Thương lắm học trò Phình Sáng ơi!
(Dân trí) - Ở xã Phình Sáng thuộc huyện Tuần Giáo (Điện Biên) có những học sinh hoàn cảnh khó khăn không đủ tiền mua đủ bộ sách giáo khoa, những em bé mầm non mà tiền ăn cả ngày 5.500 đồng, bữa phụ chỉ vẻn vẹn 500 đồng. Các em cần lắm những tấm lòng chia sẻ…
Bước vào đầu năm học mới 2014 - 2015, theo thống kê toàn tỉnh Điện Biên vẫn còn hơn 1.500 phòng học tạm chủ yếu thuộc các trường mầm non, tiểu học, trung học và nhất là tại các điểm bản. Riêng bậc học Mầm non vẫn còn 700 phòng học tạm.
Cách trung tâm huyện Tuần Giáo hơn 50km về phía Bắc, chúng tôi dừng chân tại xã Phình Sáng thăm các ngôi trường tại đây. Điểm đến đầu tiên là Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Trung học cơ sở xã Phình Sáng trong giờ chào cờ đầu tuần.
Hình ảnh đầu tiên mà chúng tôi bắt gặp - cánh cổng trường làm bằng tre đã xiêu vẹo vì gồng mình với cái mưa và nắng của thời tiết như càng thôi thúc chúng tôi phải bước vội đến với khuôn viên để gặp thầy trò nhà trường. Trong giờ chào cờ không loa đài, các thầy cô đang nỗ lực nói to rõ ràng còn các trò bên dưới ngồi ngay ngắn chú ý lắng nghe dù cho có em không có tiền để mua ghế ngồi. Mắt chúng tôi như cay cay và cảm xúc thật khó tả…
Trò chuyện với ban giám hiệu nhà trường, chúng tôi được biết toàn trường có 315 học sinh. Trong số 315 học sinh có 155 em thuộc đối tượng là hộ nghèo được hỗ trợ sách giáo khoa và 70.000đ/ tháng. Các em còn lại thì phải mua nhưng đa số gia đình các em có hoàn cảnh rất khó khăn không có nổi tiền để mua đủ bộ sách giáo khoa. Thương học trò nghèo, nhà trường cũng chỉ vận động các em học lớp trên để lại sách cho các em.
Ở trường bán trú này, số học sinh đủ điều kiện ở nội trú là 200 em và được hỗ trợ gạo 15kg/học sinh/tháng và hỗ trợ kinh phí 460.000đ/học sinh/tháng chia làm 2 đợt hỗ trợ: Đợt 1 là 4 tháng cuối năm và đợt 2 là vào 5 tháng cuối năm. Những em khác phải đi bộ về hoặc thuê nhà hay ở nhà họ hàng gần trường.
Toàn trường có 31 cán bộ, giáo viên, nhân viên nhưng toàn trường cũng chỉ có vẻn vẹn 5 máy tính phục vụ cho việc quản lý, vận hành phần mềm của Phòng Giáo dục. Nỗi trăn trở lớn nhất của các thầy cô nơi đây chính là khao khát nhà trường có được phòng học máy tính để có thể giảng dạy Tin học cho các em. Hiện giờ học trò Phình Sáng có khoảng cách quá lớn về cơ hội tiếp cận máy tính so với học sinh vùng thị trấn, càng chênh lệch hơn so với các em dưới xuôi.
Chia tay thầy trò Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú THCS xã Phình Sáng, chúng tôi đến với Trường tiểu học Phình Sáng. Ở đây, lớp học tạm phải gồng mình với bao khắc nghiệt của thời tiết là vậy: không có đủ ánh sáng, gió lùa qua từng tấm ván xô vào thầy trò và khi mặt trời lên cao, ánh nắng lại chiếu vào trong lớp học các em phải lấy tay che ngang trán để nhìn rõ chữ trên bảng. Chúng tôi càng nhói lòng trong chuyến thăm các phòng học khi bắt gặp hình ảnh lớp ghép 2+3 mà ở đó thầy trò đang miệt mài dạy và học. Khi thấy chúng tôi, các em nở nụ cười đúng dậy chào lễ phép.
Qua trò chuyện với thầy hiệu trưởng, được biết Trường Tiểu học Phình Sáng hiện tại có 3 điểm trường với 5 lớp học tạm do thầy cô dựng và tu sửa. Trước năm học mới, thầy cô lại cùng nhau góp kinh phí và một tháng hè để lao động tu sửa lớp học và đường nước để các em đến lớp theo đúng kế hoạch của ngành Giáo dục. Qua câu chuyện với thầy hiệu trưởng, chúng tôi thấu hiểu phần nào sự hy sinh thầm lặng của các thầy cô và tình thương dành cho những học trò của mình.
Chia tay với thầy và trò Trường tiểu học Phình Sáng, đồng hồ đã chỉ 10h, chúng tôi bước vội đến điểm Trường Mầm non Phình Sáng.
Bạc Thị Xiên
Mọi thông tin, ý kiến đóng góp về các vấn đề giáo dục, quý độc giả có thể gửi đến ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn . Xin trân trọng cảm ơn! |