“Thương” học trò
Nhân dịp về thăm quê ở Quảng Ngãi cách đây mấy ngày, tôi hỏi thăm chuyện học hành của đứa cháu con người chị cả. Nghe cháu kể về chuyện học hành, giờ kiểm tra trên lớp của mình, tôi thật sự giật mình.
Cháu kể: “Cô T. dạy môn địa lý của cháu hiền và dễ lắm. Cô ít khi nào dò bài đầu tiết.
Giờ kiểm tra cô thường nói không được sử dụng tài liệu. Nếu bắt được ai giở tài liệu ra chép, cô sẽ cho điểm 0. Nói là nói vậy nhưng cô thường làm lơ hoặc bỏ ra ngoài hành lang nhắn tin hoặc gọi điện thoại, tạo điều kiện để tụi cháu sử dụng tài liệu làm bài kiểm tra. Chưa bao giờ cô cho điểm 0 nếu bắt được tụi cháu sử dụng tài liệu”.
Cháu còn kể với những môn học khác như văn, lịch sử hay giáo dục công dân, khi thầy cô giáo ra đề bài kiểm tra trên lớp cũng thường xuyên làm lơ để tụi cháu sử dụng tài liệu. Có những câu hỏi mang tính nghị luận xã hội như môn giáo dục công dân “Em hãy trình bày biểu hiện của thói dối trá”, “Biểu hiện của tính trung thực”... thì tụi cháu hay sử dụng điện thoại di động lên trang mạng, gõ đề bài kiểm tra vào Google, chỉ vài giây sau là đã có hàng chục, hàng trăm kết quả hiện ra, cứ thế thi nhau sao chép đáp án của câu hỏi kiểm tra một cách thoải mái từ trên mạng xã hội mà không cần phải suy nghĩ! Tôi hỏi lẽ nào trong lớp có vài chục em mà thầy cô lại không biết tụi cháu đang sử dụng điện thoại lên mạng để tìm, sao chép đáp án hay sao thì cháu quả quyết là có biết nhưng chỉ nhắc nhở hoặc làm ngơ.
Chuyện thầy cô giáo vì “thương - yêu” học trò của mình hay vì một lý do nào đó tạo điều kiện để học trò cứ thế thoải mái sử dụng tài liệu hoặc lên mạng để tìm kết quả đáp án trong các bài kiểm tra là câu chuyện không mới, thậm chí đã quá cũ, nhưng khi nghe từ chính miệng người cháu mình kể lại khiến tôi cảm giác thật sự hụt hẫng, xót xa...