Thưởng cho giảng viên có bài giảng được nhiều người chia sẻ trên Youtube

(Dân trí) - PGS. TS Đỗ Văn Dũng - Hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM nói điều này tại hội thảo Đổi mới căn bản toàn diện hoạt động đào tạo trong các trường ĐH-CĐ do Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam tổ chức sáng ngày 2/11, tại TPHCM.

Đó là một trong những cách chia sẻ học liệu số mà các trường ĐH nên phối hợp thực hiện. Thay đổi này cũng là sự phù hợp với bối cảnh công nghệ ngày càng phát triển hiện nay và bản thân các trường ĐH cũng phải điều chỉnh để phát triển, nâng chất lượng.

Nhiều lo lắng vì chỉ số trí tuệ và sáng tạo của Việt Nam thấp

Theo GS Trần Hồng Quân, Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, trong thời quan qua, nền giáo dục chậm đổi mới, chưa hoàn thành việc thực học, thực nghiệp cũng như chưa hình thành bóng dáng của nền giáo dục mở, nội dung chương trình của các trường cũng chưa thấm nhuần Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản giáo dục đào tạo.

GS Trần Hồng Quân, Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam phát biểu mở đầu hội thảo ngày 2/11
GS Trần Hồng Quân, Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam phát biểu mở đầu hội thảo ngày 2/11

Bên cạnh đó, trước bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) thì các trường ĐH cũng phải suy xét xem thích nghi và khai thác cuộc cách mạng này như thế nào. Ông Quân cũng cho rằng có nhiều thuận lợi cho Việt Nam bởi vì theo nhiều chuyên gia lớn trên thế giới thì cuộc CM 4.0 này sẽ tạo ra nhiều bình đẳng giữa các nước phát triển và đang phát triển, không kể đến việc các nước đang phát triển đó có cơ sở hạ tầng còn thấp. Nghĩa là có thể có một con đường đi tắt để hòa cùng một con tàu tiến lên trong cuộc CM 4.0 này.

Ông Quân cũng cho rằng “Việt Nam có nhiều biểu hiện để hi vọng ở chỗ dù tiếp cận với internet chậm hơn nhiều nước nhưng lại có tốc độ phát triển rất nhanh, tỷ lệ sử dụng internet trong xã hội chúng ta rất nhiều trong đó riêng mạng xã hội có tới hơn 55 triệu người dùng. Tuy nhiên mới đây cũng có một báo cáo cho rằng Việt Nam chưa sẵn sàng nhập cuộc vào cuộc cách mạng công nghệ này với rất nhiều chỉ số cho thấy chúng ta thậm chí còn thấp hơn Lào và Campuchia. Đáng chú ý đó là những chỉ số liên quan đến trí tuệ, tính sáng tạo, đồng thời là vấn đề cơ sở vật chất, cơ sở hạ tầng của ta cũng còn thấp. Điều đó làm chúng ta không khỏi lo lắng vì muốn nhập cuộc với CM 4.0 này thì phải dựa vào sức mạnh trí tuệ. Trong khi đó, nền giáo dục ĐH suốt một thời gian khá dài với gần 20 năm chúng ta chậm bước, lãng phí thời gian và chậm đổi mới.

Hệ quả trực tiếp là hệ thống giáo dục ĐH còn yếu kém, làm cho sức mạnh trí tuệ của dân tộc chưa phát huy được. Đó là điều hết sức lo lắng mà những người làm giáo dục ĐH ở các trường phải xem lại sứ mạng của mình từng phạm vi cụ thể. Dĩ nhiên ở tầm vĩ mô thì cũng phải kiểm điểm”.

GS Quân khẳng định, trong 10 năm tới, những ngành nghề mới sẽ xuất hiện, mà ở hiện tại chưa có, thậm chí tỷ lệ ngành mới lên đến 65 - 70%. Do đó, những kỹ năng cơ bản đối với sinh viên thậm chí còn quan trọng hơn cả kiến thức chuyên ngành, mà ngay từ bây giờ trường ĐH phải đào tạo.

Hội thảo có sự tham gia của đông đại biểu của các trường ĐH trong cả nước dự
Hội thảo có sự tham gia của đông đại biểu của các trường ĐH trong cả nước dự

“Nếu chúng ta vẫn tiếp tục một chương trình cứng, cung cấp rất nhiều kiến thức ứng dụng, nhiều kiến thức chuyên ngành thì sinh viên của chúng ta ra trường không sẵn sàng thích nghi được với sự phát triển của khoa học công nghệ, không sẵn sàng chuyển dịch ngành nghề từ ngành này sang ngành khác tương tự. Họ cũng sẽ không có được khả năng tự bồi dưỡng, tự nâng cao trình độ. Chúng ta phải thấy được cái này, và hết sức khắc phục”, GS Trần Hồng Quân cho biết.

Ông Quân nhấn mạnh, từng ngành một đều có thể đưa nội dung 4.0 thẩm thấu vào chương trình bất kể có là ngành về khoa học tự nhiên hay khoa học xã hội. Ở Việt Nam có cảm giác việc này sẽ khó nhưng chúng ta vẫn có may mắn vì thường xuyên tiếp cận với những tiến bộ về khoa học đào tạo của các nước trên thế giới. Theo GS Trần Hồng Quân, các lĩnh vực về khoa học tự nhiên hay công nghệ thì cũng không nên ngần ngại gì việc bê nguyên các môn học của họ, bởi như thế tránh được những bước thử sai quá nhiều; với khoa học xã hội thì nên học phương pháp luận của họ. Tất cả những điều đó là chúng ta phải cách khai thác những lợi thế mà nhiều nước, nhiều ĐH tiên tiến trên thế giới đã giải quyết rồi.

Các trường ĐH nên chia sẻ nguồn lực cùng nhau

PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM thẳng thắn nhìn nhận, chúng ta nói nhiều đến CMCN 4.0, nhưng giáo dục Việt Nam đã quá chậm so với thế giới. Sức ì của giáo dục ĐH Việt Nam quá lớn, tư duy của lãnh đạo còn trì trệ nên không bắt kịp sự thay đổi của thời đại.


PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM cho rằng các ĐH nên chia sẻ nguồn lực cùng nhau trong bối cảnh đổi mới

PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM cho rằng các ĐH nên chia sẻ nguồn lực cùng nhau trong bối cảnh đổi mới

Một vấn đề nữa, đó là sự hợp tác, chia sẻ nguồn lực của các trường ĐH hiện chưa có. Ông Dũng cho rằng, “điều đầu tiên các trường có thể thực hiện chính là chia sẻ học liệu số. Nếu xưa kia nhiều thầy giấu bài giảng không cho các trường khác sử dụng, sợ người khác lấy cái của mình nhưng bây giờ phải thay đổi. Tôi nghĩ các trường có thể chia sẻ với nhau, thông qua một hệ thống chẳng hạn như trên Youtube. Như trường tôi, giảng viên nào đưa bài giảng lên Youtube nếu có lượng xem nhiều nhất thì sẽ được thưởng tương tự như đánh giá bài báo khoa học”.

Ngoài ra, ông Dũng cũng cho rằng chúng ta đang sống trong thời đại giáo dục ĐH không biên giới, nên sự chia sẻ nguồn lực cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm, công nhận chương trình lẫn nhau giữa các trường ĐH rất quan trọng, quan trọng hơn là nó đem lại quyền lợi cho người học”.

“Tại sao chúng ta phải bắt sinh viên của trường, đang ở quận 1, 3, 10 chẳng hạn, hàng ngày phải di chuyển 20 km đến trường để học môn Vật lý, Toán. Trong khi Trường ĐH Sư phạm TPHCM cũng có những môn này. Nếu chúng ta chấp nhận chuyển học phí của những sinh viên này cho Trường ĐH Sư phạm để các em học ở đó, các em sẽ đỡ tốn thời gian học. Trường cũng công nhận chương trình học nếu như thấy tương đương. Tôi tha thiết kêu gọi các trường cùng công nhận chương trình lẫn nhau, để chúng ta chia sẻ nguồn lực lẫn nhau, tiết kiệm được thời gian, kinh phí”, ông Dũng nói.

PGS.TS Dương Văn Sáu, Trưởng khoa Văn hóa du lịch, Trường ĐH Văn hóa Hà Nội cho rằng, việc xây dựng triết lý đào tạo ĐH, góp phần thay đổi căn bản giáo dục ĐH ở Việt Nam hiện nay thật sự quan trọng. Thực trạng giáo dục ĐH Việt Nam hiện nay đang đứng trước các khó khăn lớn.

Đó là, hệ thống đào tạo ĐH còn khép kín, thiếu liên thông giữa các trình độ, các phương thức đào tạo, còn nặng lý thuyết, nhẹ thực hành. Phương pháp đào tạo còn lạc hậu, chủ yếu truyền thụ kiến thức một chiều; tổ chức thi, kiểm tra, đánh giá còn thiếu thực chất, bệnh thành tích. Giáo dục ĐH chưa gắn kết chặt chẽ giữa đào tạo giữa nghiên cứu khoa học, nhu cầu thị trường. Những nhận xét thẳng thắn như vậy nhằm hướng tới một sự thôi thúc đào tạo ĐH Việt Nam phải có chuyển biến, thay đổi căn bản, nhanh chóng để đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Từ đó, triết lý đào tạo cũng cần phải thay đổi, đó là “Thay đổi tư duy - Khơi nguồn sáng tạo”.

“Đó là triết lý hành động, hành động làm sao để thay đổi tư duy, khơi nguồn sáng tạo. Chúng ta không dùng từ “hãy”, mà phải trở thành giải pháp cụ thể. Cái đích của sự nghiệp đào tạo ĐH ở Việt Nam là đào tạo ra đội ngũ nhân lực trình độ ĐH có tư duy mới, có óc sáng tạo và năng lực hành động tương ứng với những ngành nghề cụ thể”, ông Sáu nhấn mạnh.

Để thực hiện triết lý này, giáo dục ĐH cần đổi mới căn bản phương cách đào tạo ĐH, thay đổi nội dung và phương pháp đào tạo từ quá trình chuyển giao tri thức sang quá trình phát triển năng lực sáng tạo cho người học. Người được đào tạo sẽ trở thành một mẫu hình hành động đạt chuẩn nghề nghiệp thay vì một “cái kho” chứa kiến thức thuần túy.

Lê Phương

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm