Thực hư về việc đưa 57.000 cử nhân thất nghiệp đi xuất khẩu lao động
(Dân trí) - Dự thảo đề án của Bộ LĐ-TB&XH đưa 57.000 lao động qua đào tạo đi xuất khẩu lao động đang thu hút sự quan tâm của dư luận xã hội. Tuy nhiên, đề án này chỉ dành cho cử nhân hay kỹ sư? Mức lương của người lao động tham gia? Ứng viên các trường nghề có cơ hội tham gia?...
PV Dân trí đã có cuộc trao đổi với ông Tống Hải Nam, Cục phó Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) để làm rõ vấn đề này.
Xin ông cho biết người lao động tham gia đề án có nhất thiết phải tốt nghiệp trình độ đại học?
- Tôi xin được nhắc lại, Dự thảo của Đề án có tên đầy đủ là: “Đề án đưa lao động có chuyên môn kỹ thuật đi làm việc ở nước ngoài từ nay tới năm 2020 và định hướng tới năm 2025”.
Điều này có nghĩa là cơ hội việc làm cho lao động có tay nghề thuộc nhiều lĩnh vực kỹ thuật, dịch vụ đi làm việc ở nước ngoài sẽ được mở ra, không đơn thuần chỉ hướng tới nhóm lao động cử nhân hay kỹ sư thất nghiệp.
Trước đây, VN đã có một vài chương trình đưa lao động có tay nghề đi làm việc ở nước ngoài, ví dụ: Chương trình Thẻ vàng đưa lao động kỹ thuật đi làm việc ở Hàn Quốc, điều dưỡng viên đi làm việc tại CHLB Đức và Nhật Bản…Tuy nhiên, việc triển khai này chưa trở thành một tổng thể bài bản với các cơ chế chính sách hỗ trợ.
Mặt khác, dù số lượng tới 126.000 lao động đi xuất khẩu lao động trong năm 2016 nhưng đa số chỉ là lao động phổ thông. Bộ LĐ-TB&XH xác định đột phá trong việc đưa đối tượng lao động đã qua đào tạo đi làm việc ở nước ngoài. Căn cứ của Đề án dựa trên sự hợp tác có sẵn, phía VN sẽ xây dựng các cơ chế phù hợp, có lợi cho người lao động.
Vậy số lượng, thị trường và lộ trình cụ thể của công tác đưa lao động đi làm việc theo dự thảo đề án ra sao, thưa ông?
Dự thảo xây dựng chương trình theo 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 từ nay tới năm 2020. Theo đó, VN dự kiến đưa khoảng hơn 17.000 lao động qua đào tạo đi làm việc ở một số thị trường lao động có mức thu nhập và công nghệ tiên tiến.
Cụ thể, tại CHLB Đức, VN dự kiến đưa sang 3.700 lao động đã qua đào tạo nghề điều dưỡng viên và 7.500 lao động làm việc trong lĩnh vực điện tử viễn thông.
3 nhóm đối tượng thụ hưởng từ đề án
Theo ông Tống Hải Nam, 3 nhóm đối tượng được thụ hưởng bao gồm: Các doanh nghiệp tham gia đưa lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật; Những trường nghề thuộc hệ thống giáo dục nghề nghiệp, đào tạo được những ngành cung cấp được tham gia đề án được có thể vay vốn với lãi suất ưu đãi và được nhập các modun đào tạo nghề phù hợp, ví dụ: Nghề CNTT theo chuẩn của CHLĐ Đức, nghề điều dưỡng theo tiêu chuẩn của Nhật Bản. Cuối cùng là người lao động tham gia chương trình.
Thị trường lao động Nhật Bản sẽ tiếp nhận 1.500 điều dưỡng viên và 3.000 kỹ sư làm việc trong lĩnh vực công nghệ thông tin và cơ khí.
Tại Hàn Quốc, chúng ta dự kiến đưa 1.800 lao động là kỹ sư ngành cơ khí, CNTT, đầu bếp và nhân viên phục vụ khách sạn, nhà hàng.
Sang giai đoạn 2, từ năm 2021 - 2025, tổng số lao động được đưa đi hơn 39.000 người, gồm:
Thị trường lao động CHLB Đức, VN dự kiến đưa 8.300 lao động đi làm điêu dưỡng viên và 16.500 kỹ sư CNTT, điện tử viễn thông đi làm việc.
Tại thị trường lao động Nhật Bản, chúng ta dự kiến đưa 3.300 điều dưỡng viên, 6.600 kỹ sư điện tử viễn thông, vật lý và tin học.
Đồng thời, thị trường Hàn Quốc sẽ tiếp nhận 3.900 lao động ngành công nghệ thông tin và 400 đầu bếp, phục vụ nhà hàng.
Đây là một đề án lớn được trải dài qua nhiều năm, vậy kinh phí sẽ khoảng bao nhiêu và có lấy từ nguồn ngân sách nhà nước, thưa ông?
Tổng kinh phí của 2 giai đoạn là 1.300 tỉ đồng, tất nhiên sẽ phải xin ý kiến Bộ tài chính. Cụ thể, giai đoạn 1 cần khoảng 430 tỉ đồng, giai đoạn 2 khoảng 870 tỉ đồng.
Nguồn kinh phí thực hiện không phải hoàn toàn từ ngân sách nhà nước mà còn từ nguồn vốn vay của ngân hàng phát triển Việt Nam, kinh phí phát triển thị trường từ Quỹ hỗ trợ phát triển việc làm ngoài nước…
Ngân sách nhà nước chỉ đóng vai trò hỗ trợ cho các chính sách và cơ chế thúc đẩy, còn việc người lao động tham gia XKLĐ sẽ vay từ nguồn của ngân hàng phát triển Việt Nam.
Đồng thời, doanh nghiệp và trường nghề muốn phát triển cơ sở vật chất để đạt chuẩn tham gia Đề án cũng sẽ vay từ nguồn này chứ không lấy từ kinh phí Nhà nước. Nguồn vốn để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển thị trường có thể lấy từ Quỹ hỗ trợ phát triển việc làm ngoài nước…
Tất nhiên, việc có vay có trả cũng sẽ đòi hỏi các bên tham gia phải tính toán thật hợp lý với điều kiện của mình.
"Về cơ bản, dự thảo đã được các bộ, ngành liên quan cho ý kiến. Cục Quản lý lao động ngoài nước đang tập hợp các ý kiến và sẽ báo cáo Bộ trưởng trong tháng 7" - ông Tống Hải Nam nói.
Bộ LĐ-TB&XH đã tính tới mức lương của người lao động khi tham gia đề án này?
Tiền lương là một trong những vấn đề dự kiến được đàm phán trực tiếp tại từng thị trường lao động, nhằm tránh thiệt thòi và đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người lao động.
Mức tiền lương sẽ có sự tham khảo mặt bằng chung về tiền lương của nước sở tại. Đơn cử tại Nhật Bản, nghề điều dưỡng đang có mức lương là 120.000 - 150.000 yen, sau thời gian làm tốt thì có thể lên hơn 200.000 yên.
Tùy từng thị trường, Bộ LĐ-TB&XH sẽ đàm phán với nước bạn để có cơ chế tiếp nhận và có những điều kiện theo đúng quy định cho lao động.
Tới thời điểm hiện nay, những khó khăn sẽ phát sinh khi triển khai đề án là gì, thưa ông?
Chúng ta sẽ phải đàm phán cụ thể với từng quốc gia tiếp nhận lao động. Theo thông tin của các cơ quan đại diện và ban quản lý lao động, nhiều nước đang thực sự cần tiếp nhận lao động trình độ chuyên môn kỹ thuật. Tuy nhiên, chính sách của họ “mở cửa” thế nào và tới đâu sẽ phụ thuộc vào quá trình đàm phán.
Công tác đào tạo dạy nghề cũng cần có sự điều chỉnh cho tương xứng. Đặc biệt, một số nghề có thể chưa phù hợp với chuẩn nghề quốc tế, chúng ta sẽ đàm phán để có sự công nhận bằng cấp và có thể phải tiếp nhận cả những modun, nội dung đào tạo của họ về để giảng dạy cho phù hợp.
Cuối cùng, việc rà soát đánh giá lại nguồn lao động trong nước rất quan trọng. Chúng ta cần tìm hiểu xem thực tế thông tin hàng chục ngàn cử nhân thất nghiệp thuộc nhóm ngành nghề đào tạo nào? Có phù hợp với nhu cầu của đối tác hay không? Nhu cầu cần lao động ngành kỹ thuật nhưng nếu là ứng viên lại thuộc ngành xã hội như lịch sử, triết học hay văn học thì làm thế nào?
Xin cảm ơn ông
Hoàng Mạnh thực hiện