Đắk Lắk:
"Thư viện về buôn" đến với hơn 100 trẻ em tại Trung tâm Bảo trợ xã hội
(Dân trí) - Hàng trăm cuốn sách hay, ý nghĩa được trao tận tay các em nhỏ thuộc Trung tâm Bảo trợ xã hội Đắk Lắk. Ngoài sách, các em còn được hòa chung vào những hoạt động vui chơi, trải nghiệm hấp dẫn.
Trung tâm Bảo trợ xã hội Đắk Lắk vừa phối hợp cùng nhóm thiện nguyện Kết nối yêu thương, Chi đoàn Phòng CSGT Công an tỉnh Đắk Lắk và Hội liên hiệp Thanh niên Việt Nam TP Buôn Ma Thuột phối hợp tổ chức chương trình "Thư viện về buôn" nhằm lan tỏa tình yêu đọc sách tới các em nhỏ của trung tâm.
Tại chương trình, 100 phần quà khuyến học cùng 300 đầu sách đã được trao tặng cho các em nhỏ. Bên cạnh đó, các em còn được tham gia các hoạt động kỹ năng, vui chơi, được học làm hoa giấy, thiệp cảm ơn, vẽ tranh…
Đồng thời, các thành viên của nhóm thiện nguyện đã tổ chức cắt tóc miễn phí cho các em cùng người lớn thuộc Trung tâm Bảo trợ xã hội.
Em H'Trà Niê (9 tuổi) chia sẻ, đây là lần đầu tiên em được đọc nhiều sách hay, được tham gia vào rất nhiều hoạt động vui chơi. "Các cô chú đã tổ chức cho chúng em rất nhiều chương trình và chúng em đều rất thích thú, hào hứng".
Ông Nguyễn Xuân Quý - Giám đốc Trung tâm Bảo trợ Xã hội Đắk Lắk, cho biết: Đây là chương trình đầy ý nghĩa, thiết thực với các em nhỏ của Trung tâm. Nhằm giúp phát động phong trào đọc sách, nâng cao nhận thức, tầm quan trọng của văn hóa đọc đối với trẻ em.
"Thông qua các hoạt động còn giúp các em tự rèn luyện, tích lũy những kiến thức, kỹ năng trong học tập và giao tiếp hàng ngày. Đồng thời, giúp giáo dục kỹ năng sống cho trẻ em đang được chăm sóc, nuôi dưỡng tại Trung tâm Bảo trợ xã hội. Tôi mong thời gian tới sẽ có thêm nhiều chương trình như vậy đến với các em nhỏ của đơn vị", ông Quý cho hay.
Dự án "Thư Viện Về Buôn" được thực hiện nhằm mục đích lan tỏa văn hóa đọc với quan điểm đơn giản "sách phải được mang đến nơi cần sách". Dự án là nguồn cảm hứng và là cầu nối để lan tỏa văn hóa đọc trong cộng đồng. Đặc biệt, đưa sách đến với các học sinh thuộc huyện, xã, buôn nghèo tại Đắk Lắk nói riêng và các tỉnh Tây Nguyên nói chung.