Thủ tướng phê duyệt Đề án "Truyền thông về xây dựng xã hội học tập"

(Dân trí) - Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án "Truyền thông về xây dựng xã hội học tập" đến năm 2020. Theo đó, Đề án sẽ tuyên truyền tới từng đối tượng trong xã hội về xây dựng Xã hội học tập và các hình thức học tập suốt đời.

Theo đó, Đề án phấn đấu thực hiện tuyên truyền, tập huấn, phổ biến đến 100% phóng viên phụ trách chuyên trang, chuyên mục, chuyên đề về giáo dục tại các cơ quan báo chí; 95% cán bộ chuyên trách trang tin điện tử, cổng thông tin điện tử của các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị; cán bộ chủ chốt của đài phát thanh, truyền hình cấp huyện, đài truyền thanh cấp xã, điểm sinh hoạt cộng đồng và 100% cán bộ cấp xã, cán bộ chủ chốt của trung tâm học tập cộng đồng, trung tâm giáo dục thường xuyên, các cơ sở giáo dục chính quy làm nhiệm vụ giáo dục thường xuyên, các cơ sở giáo dục khác; cán bộ chủ chốt của thư viện, bảo tàng, trung tâm văn hóa...

Đề án xây dựng Xã hội học tập 2012 - 2020
Đề án xây dựng Xã hội học tập 2012 - 2020 ưu tiên các đối tượng chính sách, người dân tộc, phụ nữ, người bị thiệt thòi.

Đặc biệt, Đề án phấn đấu đạt 100% học sinh, sinh viên, học viên tại các cơ sở giáo dục; 90% công nhân lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất; 70% lao động nông thôn và lao động tự do được thụ hưởng tuyên truyền.

Để đạt được các mục tiêu trên, Đề án sẽ thực hiện biên tập, in ấn, đa dạng hóa, nội dung, hình thức tài liệu tuyên truyền phù hợp với các đối tượng; thực hiện tuyên truyền qua các cơ quan báo chí. Cụ thể, xây dựng chuyên mục, chuyên đề, chương trình về xây dựng xã hội học tập trên các kênh chương trình quảng bá tại các đài phát thanh, đài truyền hình trung ương và địa phương; mở chuyên trang, chuyên mục, chuyên đề về xây dựng xã hội học tập trên các báo, tập chí in, báo điện tử.

Đồng thời, thực hiện tuyên truyền qua hệ thống thông tin cơ sở; qua tin nhắn trên mạng viễn thông, mạng xã hội, trang tin điện tử, cổng thông tin điện tử...

Được biết, ngày 9/1/2013, Chính phủ đã Phê duyệt Đề án“Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012 - 2020” với quan điểm chỉ đạo: Trong xã hội học tập, mọi cá nhân có trách nhiệm học tập thường xuyên, suốt đời, tận dụng mọi cơ hội học tập để làm người công dân tốt; có nghề, lao động với hiệu quả ngày càng cao; học cho bản thân và những người xung quanh hạnh phúc; học để góp phần phát triển quê hương, đất nước và nhân loại.

Các cơ quan nhà nước, các tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân, cộng đồng dân cư và gia đình có trách nhiệm cung ứng các cơ hội học tập và tạo điều kiện thuận lợi để mọi người được học tập suốt đời.

Xây dựng xã hội học tập dựa trên nền tảng phát triển đồng thời, gắn kết và liên thông giữa giáo dục chính quy và giáo dục thường xuyên; đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời ở ngoài nhà trường; ưu tiên các đối tượng chính sách, người dân tộc, phụ nữ, người bị thiệt thòi.

Mục tiêu đến năm 2015, xóa mù chữ và phổ cập giáo dục, 96% người trong độ tuổi từ 15-60; 98% người trong độ tuổi từ 15 - 35 biết chữ. Đối với các tỉnh thuộc khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ tỷ lệ tương ứng là 90% và 92%.

Đặc biệt ưu tiên xoá mù chữ cho phụ nữ, trẻ em gái, người dân tộc thiểu số ở vùng khó khăn; phấn đấu tỷ lệ biết chữ cân bằng giữa nam và nữ. 80% số người mới biết chữ tiếp tục học tập và không mù chữ trở lại; 100% tỉnh, thành phố củng cố vững chắc kết quả phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, kết quả phổ cập giáo dục trung học cơ sở.

Về nâng cao trình độ tin học, ngoại ngữ: 80% cán bộ, công chức, viên chức tham gia các chương trình học tập nâng cao trình độ ứng dụng công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu vị trí việc làm; 20% cán bộ, công chức, viên chức có trình độ ngoại ngữ bậc 2 và 5% có trình độ bậc 3; Hàng năm, tăng tỷ lệ số công nhân lao động có kiến thức cơ bản về tin học, ngoại ngữ đáp ứng yêu cầu công việc và giao lưu văn hóa...

Hằng năm, tăng dần tỷ lệ học sinh, sinh viên và người lao động tham gia học tập các chương trình giáo dục kĩ năng sống để xây dựng cuộc sống cá nhân và cộng đồng ngày càng hạnh phúc hơn. Trong đó, phấn đấu 30% học sinh, sinh viên được học kĩ năng sống tại các cơ sở giáo dục.


Hồng Hạnh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm