Thủ tướng Chính phủ kết luận về liên doanh, liên kết đào tạo tại ĐHQGHN

(Dân trí) - Ngày 20/11, Văn phòng Chính phủ đã có thông báo số 382/TB-VPCP truyền đạt lại ý kiến kết luận của Thủ tướng tại cuộc họp xử lý sau thanh tra công tác quản lý Nhà nước trong việc liên doanh, liên kết đào tạo ĐH và sau ĐH của ĐHQGHN giai đoạn 2006-2010.

Theo thông báo của Văn phòng Chính phủ, ngày 25/10/2012, Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ để xử lý sau thanh tra công tác quản lý nhà nước trong việc liên doanh, liên kết đào tạo ĐH và sau ĐH của ĐH Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) giai đoạn từ 2006-2010. Tham dự cuộc họp có Lãnh đạo Thanh tra Chính phủ, Bộ GD-ĐT, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Ủy ban Dân tộc, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, ĐHQGHN, Văn Phòng Chính phủ.
 
Sau khi nghe lãnh đạo Thanh tra Chính phủ báo cáo kết luận thanh tra số 1376/KL-TCCP ngày 8/6/2012, ý kiến của các Bộ, ngành dự họp, phát biểu của các Phó Thủ tướng, Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến kết luận. Cụ thể, trong những năm qua, việc thực hiện các chương trình liên kết đào tạo ĐH và sau ĐH trong nước và nước ngoài đã huy động được nguồn lực của các trường để đào tạo nhân lực cho đất nước, đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân, góp phần thực hiện xã hội hóa giáo dục. Tuy nhiên, qua thanh tra 18 trường ĐH thuộc Bộ GD-ĐT cho thấy, trong giai đoạn vừa qua, hệ thống các quy định của nhà nước về hợp tác, đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo chưa đầy đủ và còn nhiều bất cập; công tác quản lý liên kết liên kết đào tạo trong nước và nước ngoài còn nhiều tồn tại, khuyết điểm.
 
ĐH Quốc gia HN.

ĐH Quốc gia HN.

Việc thực hiện liên kết đào tạo ĐH và sau ĐH trong nước còn vi phạm về cấp phép, hợp đồng đào tạo, tuyển sinh, việc quản lý tổ chức đánh giá kết quả học tập, đào tạo thạc sỹ ngoài trụ sở không đúng quy định. Việc thực hiện liên kết đào tạo ĐH và sau ĐH với nước ngoài có vi phạm về tuyển sinh, quá trình đào tạo, đánh giá chất lượng và cấp bằng; các chương trình liên kết đào tạo quốc tế của một số trường cấp phép không dựa trên năng lực của các đơn vị đào tạo, chủ yếu dựa vào nhu cầu của các đơn vị đào tạo, đã tạo điều kiện cho một số đơn vị mở rộng quy mô đào tạo vượt quá năng lực, chương trình nội dung đề án không đầy đủ theo quy định.

Công tác quản lý tài chính trong hoạt động liên kết đào tạo có vi phạm quy định về thu và quản lý sử dụng học phí; việc trích lập các quỹ. Tại thời điểm thanh tra, Bộ GD-ĐT chưa có quy định về mức học phí trong liên kết đào tạo quốc tế, dẫn đến các trường tự thỏa thuận mức thu với đối tác, một số chương trình liên kết có mức thu cao, nhưng chưa tương xứng với chất lượng đào tạo.

Đối với ĐHQGHN, qua thanh tra đã có một số sai phạm chủ yếu sau: Về việc liên kết đào tạo ĐH và sau ĐH trong nước, ĐHQGHN cho phép học viên cao học (học viên chương trình định hướng thực hành) chỉ làm tiểu luận là chưa phù hợp với quy định của Luật Giáo dục năm 2005 và quy định của Bộ GD-ĐT; Việc giám đốc ĐHQGHN ban hành quyết định cho phép Trung tâm công nghệ Đào tạo và hệ thống việc làm (ETC) được tổ chức phối hợp đào tạo trình độ ĐH, sau ĐH và việc bổ nhiệm Giám đốc, Phó giám đốc ETC là chưa phù hợp quy định. Việc sử dụng kinh phí, quản lý tài chính và việc chuyển tiền của ETC cho ĐH Griggs (Hoa Kỳ) qua tài khoản ở Singapore cần được tiếp tục làm rõ.

Nếu vụ lợi, tham nhũng phải xử lý nghiêm

Để chấn chỉnh các khuyết điểm, sai phạm sau thanh tra, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu: Bộ GD-ĐT căn cứ quy định hiện hành quyết định biện pháp xử lý phù hợp, bảo đảm quyền lợi cho các học viên đối với số văn bằng cử nhân, thạc sỹ do đối tác nước ngoài liên kết đào tạo với ETC đã cấp cho học viên và số bằng thạc sỹ của ĐH Kinh tế (ĐHQGHN) cấp chưa phù hợp quy định.

Bộ GD-ĐT thực hiện chức năng quản lý nhà nước tiếp tục kiểm tra tất cả các chương trình liên kết đào tạo quốc tế khác có dấu hiệu vi phạm theo đúng quy định.

Bộ Tài chính kiểm tra việc sử dụng kinh phí liên quan đến số tiền 21 tỷ 373 triệu đồng để có biện pháp xử lý theo đúng quy định. Đồng thời, kiểm tra kết luận liên quan đến việc trích 0,15% kinh phí nêu trong thư điện tử; báo cáo kết quả lên Thủ tướng Chính phủ trong tháng 12/2012.

Giao Cơ quan Thanh tra giám sát (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) kiểm tra làm rõ chuyển tiền của ETC cho ĐH Griggs (Hoa Kỳ) qua tài khoản ở Singapore; báo cáo kết quả lên Thủ tướng Chính phủ trong tháng 12/2012.

Việc sử dụng kinh phí nêu trên và việc chuyển tiền của ETC cho ĐH Griggs nếu có vụ lợi, tham nhũng phải xử lý nghiêm theo pháp luật.

Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu Ủy ban Dân tộc rút kinh nghiệm việc ban hành thông báo và việc cử học viên đi học chưa đảm bảo chặt chẽ theo thỏa thuận hợp tác của Ủy ban Dân tộc với nhà tài trợ Dự án Ailen.

Bộ GD-ĐT theo dõi, chỉ đạo Giám đốc ĐHQGHN kiểm điểm, xử lý các thiếu sót, khuyết điểm của tập thể, cá nhân có liên quan; nghiêm túc nhận rõ khuyết điểm trong việc liên doanh, liên kết đào tạo ĐH và sau ĐH; có biện pháp chấn chỉnh, xử lý kịp thời các vi phạm, khuyết điểm, tạo chuyển biến căn bản trong công tác quản lý đào tạo ĐH và sau ĐH, đảm bảo yêu cầu chất lượng đào tạo, góp phần đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực có chất lượng cao cho đất nước.

S.H