Thủ tướng chỉ thị triển khai đổi mới căn bản toàn diện giáo dục

(Dân trí) - Ngày 22/1, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã ban hành Chỉ thị về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ thị số 02/CT-TTg về việc triển khai thực hiện Kết luận số 51- KL/TW ngày 29/10/2012 của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành TW Đảng khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
 
Cô trò trong dịp lễ kỷ niệm 20-11
Cô trò trong dịp lễ kỷ niệm 20/11.
 
Để khẩn trương triển khai và thực hiện nghiêm túc Kết luận 51, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:

Quán triệt và thực hiện đầy đủ quan điểm, mục tiêu, yêu cầu về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo trong Kết luận 51; đồng thời tiếp tục quán triệt sâu sắc và thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Trung ương 2 khóa VIII, Kết luận Trung ương 6 khóa IX và Thông báo kết luận số 242-TB/TW ngày 15 tháng 4 năm 2009 của Bộ Chính trị khóa X về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 2 khóa VIII, phương hướng phát triển giáo dục và đào tạo đến năm 2020. Theo đó:
 
Bộ GD-ĐT: chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tiếp tục nghiên cứu, hoàn chỉnh Đề án “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”, trình Ban Cán sự đảng Chính phủ tháng 7/2013.

Hoàn thiện Quy hoạch phát triển mạng lưới các trường đại học, cao đẳng đến năm 2020, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành trong quý I/2013; Nghị định về phổ cập giáo dục, xóa mù chữ, trình Chính phủ tháng 4/2013; Đề án kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ giáo viên giai đoạn 2013 – 2015 và lộ trình đến năm 2020, trình Thủ tướng Chính phủ tháng 4/2013; Nghị định ban hành các tiêu chí về phân tầng và xếp hạng cơ sở giáo dục đại học, trình Chính phủ trong quý III/2013; xây dựng khung trình độ quốc gia, trình Thủ tướng Chính phủ tháng 12/2013; Đề án đổi mới chương trình và sách giáo khoa giáo dục phổ thông sau năm 2015, trình Thủ tướng Chính phủ tháng 10/2013.

Chủ trì phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh làm tốt công tác tuyên truyền về các nội dung của Kết luận 51 và các nghị quyết, chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị về phát triển giáo dục và đào tạo.

Xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra và quy định rõ trách nhiệm từng cấp nhằm khắc phục cơ bản tiêu cực trong dạy thêm, học thêm; tiêu cực trong thi cử; lạm thu và sử dụng không đúng mục đích.

Triển khai mạnh mẽ quy hoạch nhân lực ngành giáo dục. Đổi mới quản lý chất lượng đào tạo đại học, sau đại học, đào tạo không chính quy, đào tạo liên kết với nước ngoài gắn với việc ban hành kịp thời các văn bản hướng dẫn; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý kiên quyết các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp không tuân thủ quy định của pháp luật về các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo; về đào tạo vừa làm vừa học, đào tạo liên kết với nước ngoài.

Đẩy mạnh việc thực hiện các đề án về dạy và học ngoại ngữ, phát triển tin học trong hệ thống giáo dục quốc dân. Phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội bổ sung nội dung dạy và học ngoại ngữ của khối dạy nghề vào Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân đến năm 2020; tổ chức hội nghị chuyên đề về phân luồng học sinh sau trung học cơ sở và xây dựng chính sách thực hiện.

Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng Đề án thí điểm về đặt hàng cung ứng dịch vụ đào tạo đối với một số ngành nghề khó tuyển sinh, Nhà nước có nhu cầu cao, đào tạo chất lượng cao, học phí cao, tringh Thủ tướng Chính phủ tháng 6/2013.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội: xây dựng quy hoạch phát triển mạng lưới các trường dạy nghề đến năm 2020, trình Thủ tướng Chính phủ tháng 3/2013; Đề án đổi mới và phát triển dạy nghề đến năm 2020, trình Thủ tướng Chính phủ quý II năm 2013; Đề án 40 trường dạy nghề chất lượng cao đến năm 2020, trong đó có 10 – 12 trường đạt đẳng cấp quốc tế, trình Thủ tướng Chính phủ tháng 9/2013; khung dạy nghề trình độ quốc gia tương thích với khung trình độ giáo dục quốc gia, trình Thủ tướng Chính phủ quý III năm 2013.

Thực hiện Chiến lược phát triển dạy nghề thời kỳ 2011 - 2020 nhằm tạo ra đột phá về chất lượng dạy nghề, trong đó tập trung vào một số nội dung sau:

Chủ trì, phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam xây dựng kế hoạch tuyên truyền về học nghề và hành nghề.

Đổi mới mạnh mẽ quản lý nhà nước về dạy nghề, trong đó hoàn thiện hệ thống pháp luật về dạy nghề; tăng cường phân cấp, tăng tính tự chủ tự chịu trách nhiệm của các cơ sở dạy nghề; đổi mới cơ chế tài chính dạy nghề; hoàn thiện cơ chế chính sách đối với người học nghề, người dạy nghề, cơ sở dạy nghề và doanh nghiệp tham gia dạy nghề.

Triển khai quy hoạch mạng lưới cơ sở dạy nghề, phù hợp với quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội của các ngành, vùng, các địa phương.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện các quy định của pháp luật về dạy nghề, các cơ sở dạy nghề có vốn đầu tư với nước ngoài; xử lý kiên quyết các trường dạy nghề không tuân thủ đúng các quy định của pháp luật.

Phối hợp với Bộ GD-ĐT tổ chức hội nghị chuyên đề về phân luồng học sinh sau trung học cơ sở và xây dựng chính sách thực hiện; bổ sung nội dung dạy và học ngoại ngữ của khối dạy nghề vào Đề án dạy và học ngoạii ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020.

Đẩy mạnh đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo quyết định số 1956/QĐ-TTG của Thủ tướng Chính phủ một cách thiết thực, hiệu quả.

Ưu tiên hỗ trợ đầu tư từ nguồn kinh phí chương trình mục tiêu quốc gia cho các cơ sở dạy nghề ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh triển khai thực hiện Quy hoạch phát triển nhân lực giai đoạn 2011-2020 của quốc gia, của Bộ, ngành, địa phương; tỏ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy hoạch phát triển nhân lực của các Bộ, ngành, địa phương.

Đề xuất các giải pháp thu hút đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài trong giáo dục và đào tạo, nhất là các nước có nền khoa học, công nghệ, và giáo dục hiện đại trình Chính phủ quý I/2013.

Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các Bộ, ngành liên quan xây dựng kế hoạch, chương trình hành động cụ thể hóa quan điểm giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, được ưu tiên đầu tư trước.

Bộ Tài chính: Xây dựng Nghị định về cơ chế tài chính, cơ chế hoạt động đối với các đơn vị sự nghiệp giáo dục đại học và dạy nghề, trình Chính phủ tháng 9/2013.

Xây dựng phương án tái cơ cấu nguồn kinh phí ngân sách nhà nước phân bổ cho giáo dục và đào tạo; thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của nhà nước về miễn, giảm học phí đối với người học nhằm đảm bảo công bằng trong việc tiếp cận các dịch vụ giáo dục và đào tạo.

Bộ Thông tin và Truyền thông: Chỉ đạo các cơ quan thông tấn, báo chí, truyền thông đẩy mạnh công tác tuyên truyền về Kết luận 51 và các nghị quyết, chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị về phát triển giáo dục, đào tạo và dạy nghề.

Các Bộ, ngành khác trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình có trách nhiệm tổ chức thực hiện Kết luận 51 và các nghị quyết, chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị về phát triển giáo dục, đào tạo và dạy nghề.

Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: Xây dựng kế hoạch thông tin tuyên truyền về các nội dung của Kết luận 51 và các nghị quyết, chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị về phát triển giáo dục, đào tạo và dạy nghề.

Triển khai quy hoạch phát triển nhân lục của các tỉnh, thành phố phù hợp với quy hoạch phát triển nhân lực Việt Nam giai đoạn 2011-2020. Xây dựng chương trình, kế hoạch hành động, khắc phục cơ bản tiêu cực trong dạy thêm, học thêm, việc lạm thu và sử dụng không đúng mục đích, tiêu cực trong thi cử.

Ưu tiên quỹ đất cho các cơ sở giáo dục và đào tạo theo quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân;

Tích cực triển khai có hiệu quả phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, củng cố kết quả phổ cập giáo dục tiểu học và trung học cơ sở; tăng cường phân luồng học sinh sau trung học cơ sở và xóa mù chữ cho người lớn. Phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo tập trung giải quyết tình trạng trường học xuống cấp và tạm bợ ở các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn.

Tích cực thực hiện chế độ, chính sách đối với đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, đặc biệt là giáo viên ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Hồng Hạnh