Thư từ Mỹ: “Hà Nội ơi, Tết này con không về”

(Dân trí) - “Tiền có thể mua được gần như mọi thứ trên đời nhưng tiền không mua được Tết khi bạn không thể về nhà…”, Ngô Di Lân – chàng trai 21 tuổi hiện là nghiên cứu sinh Tiến sĩ tại ĐH Brandeis (Mỹ) và từng trải qua 8 cái Tết xa nhà, chia sẻ.

Hà Nội ơi, Tết này con không về!

Tiền có thể mua được gần như mọi thứ trên đời nhưng tiền không mua được Tết khi bạn không thể về nhà. Người ta thường hay nói rằng, ở nước ngoài cũng có bánh chưng bánh tét, cũng mua được giò chả, thậm chí nếu bạn may mắn cũng có thể kiếm được cành đào. Điều này không sai, thế nhưng với tôi, phải ở nhà, ở Hà Nội, thì mới là "ăn Tết" đúng nghĩa.

Thật ra đi du học có rất nhiều cái lợi. Bạn được mở mang tầm mắt, được thoả thích khám phá thế giới và làm bạn với những con người thú vị đến từ khắp năm châu. Thế nhưng bất kỳ ai từng một lần đi du học đều hiểu rằng đằng sau những mảng sáng luôn là những mảng tối.

Xa nhà nghĩa là xa gia đình, xa người thân, bạn bè cùng với những gì thân thuộc với mình nhất. Và tính đến Tết năm nay thì tôi đã ăn 8 cái Tết xa nhà rồi. Cũng vì vậy mà có lẽ một phần nào đó trong tôi đã chai lỳ, đã quên đi một phần cái cảm giác được quây quần cùng gia đình trong những ngày Tết.


Ngô Di Lân, nghiên cứu sinh Tiến sĩ tại ĐH Brandeis - Mỹ, tác giả bài viết.

Ngô Di Lân, nghiên cứu sinh Tiến sĩ tại ĐH Brandeis - Mỹ, tác giả bài viết.

Cứ gần đến Tết là tôi lại tự nhủ rằng Tết cũng chỉ là một dịp nghỉ lễ và trong mấy ngày này thì người ta cũng chỉ ăn uống, đi thăm họ hàng là hết chứ cũng chẳng có gì đặc biệt!

Tôi vẫn tự nói với mình như vậy nhưng quả thật, tôi không tài nào thuyết phục được bản thân mình tin vào điều đó khi gọi điện về cho gia đình hay nhìn thấy ảnh của bạn bè, người thân đăng tải trên Facebook mỗi dịp Tết đến. Tôi thấy ghen tị và hụt hẫng.

Rốt cục thì Tết là một món ăn tinh thần, và vì vậy nó không nằm ở chỗ bạn có bánh chưng, có được nhận lì xì hay không mà Tết nằm ở cái không khí tất bật, rộn ràng khó tả mà bạn có thể nhìn thấy ở khắp mọi nhà đang chuẩn bị đón Tết.

Bạn bè biết tôi lâu ngày không được về ăn Tết hay hỏi tôi có nhớ Tết không, có kỷ niệm gì. Mỗi lần như thế tôi cảm thấy hơi khó xử vì tôi ít có kỷ niệm gì quá đặc biệt, quá cụ thể về ngày Tết cả. Nhưng tôi rất nhớ những cái "bình thường", những cái giản dị nhưng thân thuộc.

Tôi nhớ cái cảm giác chép bài tập về nhà lần cuối và nghe cô dặn dò trên lớp trước khi về nhà nghỉ Tết. Tôi nhớ cái không khí se se lạnh nhưng lại rất ấm cúng vì ai ai cũng tất bật ra đường mua sắm chuẩn bị đón Tết. Trong một tích tắc tôi dường như quên rằng những người xung quanh tôi là những người lạ, có lẽ bởi tôi cảm nhận được rằng bất chấp những khác biệt thì họ cũng như tôi, cũng chỉ mong có được một cái Tết sum vầy, đầm ấm bên gia đình.

Và hơn hết, tôi nhớ những giây phút dành bên gia đình, dù là gói nem hay về quê tảo mộ, hay lên chùa cùng bố mẹ. Nó nhắc nhở tôi rằng bên cạnh tôi vẫn còn những người rất tuyệt vời và tôi nên trân quý những giây phút bên cạnh gia đình mình, nhất là khi tôi đã thấm thía được sự mất mát khi phải ăn Tết mà không có gia đình bên cạnh.

Năm nay tôi lại ăn Tết xa nhà. Nhưng không sao, vì tôi tin rằng, cuối cùng Tết luôn nằm trong con tim của mỗi người. Đã là người Việt thì dù đang ở đâu, đang làm gì đi nữa thì trong ngày Tết cổ truyền ta vẫn nhớ về quê hương, vẫn nhớ rằng mình là người Việt Nam và vẫn luôn mong rằng ở nơi ấy, năm mới sẽ mang thật nhiều niềm vui và tiếng cười đến với mọi nhà!”.

Ngô Di Lân

(Nghiên cứu sinh Tiến sĩ tại Đại học Brandeis – Mỹ)