Thứ trưởng Bộ GD&ĐT: Tinh giản nội dung để rút ngắn thời gian học kì 2
(Dân trí) - Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết, bộ rà soát, tinh giản nội dung dạy học thuộc chương trình học kỳ 2 để rút ngắn thời gian hoàn thành chương trình khi học sinh trở lại trường.
Việc tinh giản không thực hiện cơ học mà trên tinh thần đảm bảo cung cấp đầy đủ kiến thức nền tảng, cốt lõi của chương trình cho học sinh, đáp ứng yêu cầu chuẩn đầu ra của chương trình.
Dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp khiến việc học tập ở trường của học sinh có thể bị gián đoạn kéo dài. Bộ có giải pháp thế nào để hỗ trợ học sinh, các nhà trường, đảm bảo thực hiện chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) kịp các mốc của khung thời gian năm học, thưa Thứ trưởng?
Trước diễn biến khó lường của dịch bệnh, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, để chủ động thực hiện chương trình giáo dục trong thời gian còn lại của năm học 2019-2020, Bộ GD&ĐT đang thực hiện đồng bộ 3 giải pháp.
Thứ nhất, Bộ GD&ĐT rà soát, tinh giản nội dung dạy học thuộc chương trình học kỳ 2 để rút ngắn thời gian hoàn thành chương trình khi học sinh trở lại trường.
Việc tinh giản không thực hiện cơ học mà trên tinh thần đảm bảo cung cấp đầy đủ kiến thức nền tảng, cốt lõi của chương trình cho học sinh, đáp ứng yêu cầu chuẩn đầu ra của chương trình.
Bộ sẽ hướng dẫn cụ thể hóa nội dung tinh giản theo hướng phát triển năng lực và kiến thức cơ bản, đảm bảo thống nhất chung trong cả nước. Căn cứ vào đó, các địa phương, cơ sở giáo dục xây dựng kế hoạch dạy học bảo đảm thực hiện chương trình trong thời gian còn lại của năm học 2019-2020.
Thứ hai, Bộ GD&ĐT đang xây dựng hướng dẫn dạy học qua internet, trên truyền hình áp dụng cho học kỳ 2 năm 2020, đảm bảo tinh gọn, tiện ích, đáp ứng yêu cầu chất lượng theo chuẩn đầu ra của chương trình.
Căn cứ vào đó, các địa phương, cơ sở giáo dục tổ chức dạy học, kiểm tra, đánh giá kết quả dạy học qua internet, trên truyền hình theo chương trình giáo dục đã được tinh giản.
Bộ GD&ĐT đồng thời đề nghị các Sở GD&ĐT gửi các bài giảng đã dạy trên truyền hình địa phương để tuyển chọn và phối hợp với Đài truyền hình Việt Nam phát sóng trên toàn quốc, tạo điều kiện để các địa phương tổ chức cho học sinh học qua truyền hình, từ đó rút ngắn được thời gian hoàn thành chương trình theo khung thời gian năm học đã điều chỉnh.
Bộ đang cùng với Bộ Thông tin truyền thông phối hợp chỉ đạo để chỉ đạo, khuyến khích các đơn vị hỗ trợ miễn phí nền tảng công nghệ cho phương thức dạy và học này.
Thứ ba, căn cứ vào chương trình đã tinh giản nội dung dạy học, Bộ GD&ĐT sẽ xây dựng và công bố đề thi tham khảo cho kỳ thi THPT quốc gia 2020 để tạo thuận lợi cho học sinh lớp 12 trong quá trình học tập, ôn luyện, chuẩn bị tốt cho kỳ thi sẽ được tổ chức từ ngày 08 đến ngày 11/8/2020.
Trong tháng 3 này, Bộ GD&ĐT sẽ họp trực tuyến với các Sở GD&ĐT để hướng dẫn thống nhất thực hiện các công việc trên, đảm bảo đồng bộ, hiệu quả.
Khi học sinh phải nghỉ học kéo dài vì dịch bệnh, Bộ GD&ĐT đã có giải pháp gì để hỗ trợ học sinh, các nhà trường, tránh tình trạng quá tải gây căng thẳng vì học bù dồn ép, thưa ông?
Căn cứ tình hình dịch bệnh được kiểm soát đến thời điểm đầu tháng 3, Bộ GD&ĐT đã điều chỉnh thời điểm kết thúc năm học đến trước ngày 30/6/2020, thi THPT quốc gia từ ngày 23/7 đến 26/7/2020.
Bộ đồng thời đề nghị Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố xem xét, quyết định cho học sinh đi học trở lại từ đầu tháng 3 để bảo đảm hoàn thành chương trình theo khung thời gian đã điều chỉnh.
Đến ngày 9/3/2020, đã có 48 tỉnh, thành phố cho học sinh THPT đi học trở lại và tỷ lệ học sinh đến trường đạt trên 98%.
Tuy nhiên, khi xuất hiện những ca mắc mới, tình hình dịch bệnh có diễn biến phức tạp, một lần nữa Bộ GD&ĐT phải điều chỉnh thời điểm kết thúc năm học trước ngày 15/7/2020, thi THPT quốc gia từ ngày 8/8 đến 11/8/2020.
Bộ đề nghị Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố xem xét, quyết định cho học sinh đi học trở lại phù hợp với tình hình kiểm soát dịch bệnh tại địa phương và chỉ đạo xây dựng kế hoạch giáo dục theo khung thời gian năm học đã điều chỉnh.
Bộ GD&ĐT tiếp tục hướng dẫn, tạo thuận lợi cho các nhà trường, học sinh, giáo viên có đủ quỹ thời gian cần thiết để dạy học, ôn tập, đảm bảo chất lượng chương trình.
Đến nay, trên toàn quốc có 29 tỉnh, thành phố tiếp tục cho học sinh THPT đi học và thực hiện nghiêm các biện pháp bảo đảm an toàn trường học theo hướng dẫn của Bộ Y tế và Bộ GD&ĐT, bảo đảm an toàn cho giáo viên, học sinh trong quá trình học tập tại trường.
Bộ GD&ĐT đã có những biện pháp gì để phòng, chống Covid-19 trong trường học thời gian qua, thưa Thứ trưởng?
Ngay từ giai đoạn đầu Covid-19, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia, căn cứ hướng dẫn của Bộ Y tế và cơ quan chuyên môn, Bộ GD&ĐT đã bám sát tình hình dịch bệnh và ban hành gần 30 văn bản chỉ đạo các địa phương, cơ sở giáo dục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.
Quan điểm của Bộ GD&ĐT là luôn đặt an toàn của học sinh và cán bộ, giáo viên lên trên hết.
Cụ thể, Bộ đã chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương chỉ đạo 100% cơ sở giáo dục thực hiện vệ sinh, tẩy trùng trường, lớp; chuẩn bị các điều kiện phòng, chống dịch bệnh trong nhà trường.
Các địa phương tập huấn giáo viên về quy trình phòng, chống dịch bệnh để hướng dẫn học sinh; xây dựng kế hoạch dạy bù để sẵn sàng đón học sinh đi học trở lại khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát bảo đảm an toàn.
Trong thời gian cho học sinh tạm nghỉ học, Bộ GD&ĐT chỉ đạo các cơ sở giáo dục duy trì liên lạc giữa nhà trường với gia đình, giữa giáo viên với học sinh, để giao nhiệm vụ học tập và hướng dẫn học sinh tự học qua các hình thức ứng dụng công nghệ thông tin phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương, nhà trường.
Bộ khuyến khích giáo viên giao cho học sinh các nhiệm vụ học tập có sự kết hợp giữa việc ôn tập, hệ thống hóa kiến thức và việc vận dụng kiến thức trong phòng, chống bệnh dịch.
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Thứ trưởng có nhắn gửi gì tới những học sinh, giáo viên, các nhà trường đang bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19?
Bộ GD&ĐT luôn quan tâm đặt an toàn và quyền lợi của học sinh, các thầy cô giáo, cán bộ, nhân viên các nhà trường lên trên hết.
Do đó, các nhà trường, học sinh, phụ huynh yên tâm chủ động phối hợp với ngành giáo dục để tích cực phòng dịch và đảm bảo việc học tập, thực hiện phương châm dù không đến trường nhưng học sinh vẫn được học tập, đảm bảo chất lượng.
Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục bám sát tình hình diễn biến và kiểm soát dịch bệnh để hướng dẫn kịp thời trong quá trình triển khai thực hiện kế hoạch năm học 2019-2020 và tổ chức thi THPT quốc gia năm 2020.
Mỹ Hà