Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga: Mức xét tuyển cơ bản đảm bảo dư thừa nguồn tuyển
(Dân trí) - Ngay sau khi Hội đồng công bố các mức xét tuyển cơ bản, Bộ GD-ĐT đã tổ chức họp báo để trao đổi thông tin. Thứ trưởng Bùi Văn Ga khẳng định: "Với mức điểm xét tuyển cơ bản đưa ra đảm bảo dư thừa nguồn tuyển".
Phổ điểm “đẹp” nên dễ xác định điểm xét tuyển cơ bản
Tại buổi họp báo này, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết: Hội đồng đã làm việc hết sức nghiêm túc và thảo luận sôi nổi. Có 3 ý là được Hội đồng đánh giá rất cao. Một là, hầu hết khối thi có phổ điểm gần như lý tuyển. Phổ điểm dịch sang phía bên phải, nghĩa là dịch chuyển về hướng có vùng điểm cao. Có khối thi dịch chuyển tăng 3 điểm so với năm ngoái như A, A1 và B. Khối C, D thì không có thay đổi nhưng không nhiều.
Hai là, các đường cong đều không có độ dốc nên thuận lợi xác định ngưỡng điểm tuyển sinh của các trường.
Ba là, số lượng hồ sơ đăng ký dự thi giảm 20% nhưng số lượng thí sinh đưa vào dự liệu để hình thành phổ điểm tương đương như năm 2013 (khoảng 1.050.000 thí sinh). Qua đây cho thấy học sinh quyết tâm và dự thi ngay từ đầu. Chính vì thế, hi vọng thế hệ thí sinh năm nay sẽ có chất lượng tốt hơn.
Cũng theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga, Hội đồng đã thảo luận chọn mức xét cơ bản. Có thành viên yêu cầu xác định tiêu chí học sinh đủ điều kiện vào học ĐH là 15 điểm (điểm bình quân 5 điểm/môn). Tuy nhiên, từ trước đến nay đều dựa trên phổ điểm, lấy trung vị (mức điểm đảm bảo 50% thí sinh đạt) của phổ điểm sau đó xác định điểm sàn tối thiểu. Qua thảo luận, Hội đồng đã xác định mức điểm sàn 3 lấy thấp hơn trung vị. Điểm sàn 2 lấy bằng trung vị và mức điểm sàn 1 (mức điểm sàn cao nhất) bằng mức sàn 3 cộng thêm 3 điểm.
Cụ thể, mức điểm sàn 3 đối với khối A,A1,C,D là 13,0 điểm; khối B là 14,0. Mức điểm sàn 2 cao hơn điểm sàn 3 là 1 điểm nghĩa là A, A1, C, D ở mức 14,0 điểm; khối B 15,0 điểm;
Mức điểm sàn cao nhất đối với khối A, A1, C, D là 17,0; khối B - 18,0. Mức điểm sàn cao nhất này xác định khoảng 20-25% thí sinh.
Với mức điểm sàn 3 (mức điểm sàn tối thiểu) thì số thí sinh đạt khoảng 65%. Nghĩa là, khoảng 650.000 thí sinh đạt và chỉ tiêu ĐH khoảng 350.000. Như vậy nguồn tuyển lấy gần gấp đôi, như vậy sẽ rất dồi dào. So với năm 2013, mức dôi dư lớn hơn. Chẳng hạn như, hệ số dư khối A, D1 là 1,7 cao hơn năm trước (năm 2013 là 1,5)
“Các mức điểm sàn sẽ phân khúc nguồn tuyển. Trường top trên chọn mức cao nhất, top giữa chọn mức 2, top cuối là những trường chưa khẳng định được mình thì chọn mức 3. Với phân khúc như vậy thì các trường sẽ chọn mức xét tuyển đầu vào. Để tránh rủi do các trường phải hết sức cân nhắc khi chọn mức điểm sàn” - Thứ trưởng Ga nói.
Thứ trưởng Ga cũng cho rằng, với việc chọn mức điểm sàn như thể nào cũng là cơ sở khẳng định “thương hiệu” của trường. Bộ GD-ĐT đang xây dựng xếp hạng các trường ĐH, CĐ và việc chọn mức điểm sàn nào cũng là một trong những căn cứ để xem xét.
Các trường sẽ tuyển từ trên xuống dưới cho đến đủ chỉ tiêu. Bộ GD-ĐT khuyến nghị các trường thuộc nhóm trung bình lựa chọn mức xét tuyển hợp lý để xây dựng uy tín của trường, đảm bảo quyền lợi thí sinh tránh bị rủi ro.
Theo một số thành viên của Hội đồng, thí sinh cần phải hiểu đúng khái niệm các mức điểm sàn. Đây không phải là điểm trúng tuyển mà chỉ là ngưỡng đảm bảo chất lượng. Từ ngưỡng này các trường sẽ xác định điểm chuẩn, thí sinh đạt điểm chuẩn mới trúng tuyển.
Điểm như thế nào thì đạt điểm sàn?
Điểm khác biệt của kì thi tuyển sinh năm nay so với 2013 là nhiều trường xác định môn thi chính (nhân hệ số 2) nên việc quy định đạt điểm xét tuyển có sự thay đổi và theo hai hình thức dưới đây:
Một là, Đối với các trường không xác định môn thi chính thì thí sinh đạt tổng điểm 3 môn thi + điểm ưu tiên (nếu có) bằng mức điểm xét tuyển cơ bản mà Hội đồng đưa ra.
Theo lãnh đạo Cục khảo thí và Kiểm định chất lượng (Bộ GD-ĐT), với các trường có môn thi chính thì cách tính như trên sẽ có lợi cho thí sinh rất nhiều. Có thể tổng điểm 3 môn + điểm ưu tiên (nếu có) không đạt mức điểm xét tuyển cơ bản nhưng nếu môn thi chính điểm cao thì lại đạt. Đây cũng là bước khởi đầu hướng tới việc coi trọng năng lực của thí sinh hơn.
Tuy nhiên, nếu những thí sinh này trượt NV1 khi xét tuyển NV2 vào trường khác không có môn thi chính thì cách xác định quay lại hình thức 1.
Tuy nhiên cách làm này sẽ dẫn đến việc điểm lẻ. Để đảm bảo quyền lợi cho thí sinh đăng ký nguyện vọng ở trong cùng một trường thì xác định sẽ không làm tròn mà tỉnh lẻ đến 2 số thập phân và lấy từ cao xuống thấp cho đến đủ chỉ tiêu.
Bộ GD-ĐT cũng cho biết, kì thi năm nay đối tượng dự thi liên thông theo kì thi “3 chung” nên mức điểm sàn cũng giống như sàn ĐH, CĐ chính quy.
Nguyễn Hùng