Thủ khoa xinh đẹp ĐH Mỹ thuật: “Đi học sơn mài như… Ninja”

(Dân trí) - Theo đuổi ngành sơn mài, nữ thủ khoa Quỳnh Anh và các bạn cùng lớp ai cũng phải “phòng bị” bằng mũ, kính, khẩu trang, găng tay chẳng khác nào Ninja trong giờ học đánh sơn sống thành sơn chín vì nhựa cây sơn rất dễ gây nổi mẩn ngứa, mụn nước.

Toát mồ hôi để có những bức tranh sơn mài đẹp, phẳng, sâu

Xinh đẹp, là Đảng viên thủ đô tiêu biểu, tình nguyện viên năng động trong nước và quốc tế với hàng loạt bằng khen, Phạm Quỳnh Anh (sinh năm 1992) vừa xuất sắc “ẵm” tiếp danh hiệu Thủ khoa tốt nghiệp năm 2016 của trường Đại học Mỹ thuật công nghiệp với điểm học tập toàn khóa 8,24 và điểm rèn luyện toàn khóa xuất sắc.

Ngành học cô gái này theo đuổi khá đặc biệt – sơn mài và đối với con gái, đây là một ngành học nhiều vất vả. Quỳnh Anh chia sẻ chân thành về cơ duyên đến với khoa Mỹ thuật thuật truyền thống do một chút không may mắn trong thi cử, em không đỗ nguyện vọng một vào khoa Đồ họa (một ngành đang hot của trường lúc bấy giờ).


Nữ thủ khoa xinh đẹp trường ĐH Mỹ thuật công nghiệp năm 2016 Phạm Quỳnh Anh

Nữ thủ khoa xinh đẹp trường ĐH Mỹ thuật công nghiệp năm 2016 Phạm Quỳnh Anh

Vì yêu thích hội họa, muốn tìm hiểu sâu hơn và một phần nào đó gìn giữ được những kỹ thuật vẽ sơn mài truyền thống của ông cha ta, Quỳnh Anh táo bạo chọn ngành Sơn mài (thuộc Khoa Mỹ thuật Truyền thống) ở nguyện vọng 2 để theo học mặc dù gia đình thời gian đầu không ủng hộ sự lựa chọn của em. Do đặc thù phải tiếp xúc với sơn và dầu hỏa khá nhiều, một số bạn của Quỳnh Anh bị dị ứng quá nặng đã phải chuyển ngành học.

“Hay như công đoạn mài tranh sau khi vẽ cũng khá vất vả, dùng giấy ráp mài tranh tỉ mỉ từng chút một để tranh thật phẳng (với những tranh khổ lớn thì còn vất vả hơn). Việc ngâm tay khá lâu trong nước cũng có thể bị nước ăn tay hoặc rộp nước. Nhưng đổi lại với việc bỏ công sức vất vả để thể hiện, em sẽ có được những bức tranh sơn mài đẹp, phẳng và sâu”, Quỳnh Anh tâm sự.

Năm thứ 2 bắt đầu vào học chuyên ngành, cả lớp Quỳnh Anh phải thực hành bài “đánh sơn” – thao tác chế biến sơn sống (sơn thô lấy từ nhựa cây sơn) thành sơn chín. Vì được biết nhựa cây sơn khi chưa chế biến thành sơn chín, rất dễ gây dị ứng (nổi mẩn ngứa, mụn nước), đôi khi chỉ cần ngửi mùi sơn cũng có thể gây dị ứng nên Quỳnh Anh và các bạn đã chuẩn bị rất kỹ cho bài tập này.

“Khi cô giáo bước vào lớp cũng đã phải giật mình vì ngồi học trong lớp mà ai cũng bịt kín mít như Ninja (mũ, kính, khẩu trang, găng tay) vì sợ sẽ bị dị ứng trong lần tiếp xúc đầu tiên với nhựa cây sơn”, cô thủ khoa kể về những trải nghiệm không thể quên.

Thế nhưng cô gái trẻ vẫn quyết tâm theo đuổi đến con đường đã chọn với tinh thần “khó khăn nào cũng vượt qua”. Với đôi bàn tay khéo léo, sự tỉ mẫn và tình yêu ngành học, Quỳnh Anh nhận tặng thưởng của Hội mỹ thuật Việt Nam tại triển lãm “Tranh tĩnh vật” năm 2013.


Phạm Quỳnh Anh gặt hái được không ít thành tích trong cả học tập lẫn hoạt động Đoàn.

Phạm Quỳnh Anh gặt hái được không ít thành tích trong cả học tập lẫn hoạt động Đoàn.

Nhiều năm liền em đạt kết quả học tập giỏi, điểm rèn luyện loại tốt, nhận học bổng của nhà trường. Bài thi tốt nghiệp (Đồ án và thuyết minh đồ án) của Quỳnh Anh đạt 9,64 điểm, điểm GPA 5 năm đạt mức xuất sắc (8,24).

Nhưng đó mới là một phần trong bảng thành tích đáng nể của cô gái Hà Nội xinh xắn…

Đảng viên trẻ thủ đô xuất sắc, tham gia tình nguyện trong và ngoài nước

Hoạt bát, hướng ngoại và toàn diện, Quỳnh Anh là gương mặt thanh niên thủ đô tiêu biểu trong công tác Đảng và tình nguyện. Em nhận hàng loạt danh bằng khăn, giấy khen: Chứng nhận "Đảng viên trẻ thủ đô xuất sắc" cấp thành phố, Giấy khen "Sinh viên 5 tốt" cấp trường, Bằng khen "Bí thư chi đoàn giỏi thủ đô" cấp thành phố, Bằng khen "Đã có thành tích trong công tác hội và phong trào sinh viên năm 2008-2013" cấp thành phố, Bằng khen “Đảng viên trẻ tiêu biểu thủ đô là sinh viên năm 2014” cấp thành phố, Bằng khen “Đã có thành tích trong công tác Đoàn và phong trào thanh niên năm” cấp Trung ương 2015...

Với tinh thần góp sức trẻ cho cộng đồng, nữ sinh trường Mỹ thuật không ngần ngại xốc vác trong nhiều hoạt động tình nguyện như tiếp sức mùa thi, tham gia ban tổ chức các chương trình chào tân sinh viên, khai giảng và các chương trình chào mừng ngày lễ lớn; hoạt động "Tình nguyện mùa đông" tại Mai Châu và Tuyên Quang…

Là gương mặt đại diện cho chương trình "Mô hình xanh" của Thành Đoàn, Quỳnh Anh còn khoác áo xanh tình nguyện Việt Nam đến các nước láng giềng. Em tham gia hoạt động tình nguyện quốc tế tại Viêng Chăn- Lào năm 2016 do Hội liên hiệp Thanh niên Việt Nam thành phố Hà Nội tổ chức, tham gia “Giao lưu hữu nghị thanh niên Việt Trung lần thứ XVI”…

Mới đây, em vinh dự nhận bằng khen “Đã có thành tích xuất sắc trong hoạt động tình nguyện của tuổi trẻ Thủ đô tại Viêng Chăn-Lào năm 2016” của Hội LHTN Việt Nam thành phố Hà Nội.


Quỳnh Anh phát biểu tại Lễ Mít tinh kỷ niệm 40 năm quốc khánh CHDCND Lào.

Quỳnh Anh phát biểu tại Lễ Mít tinh kỷ niệm 40 năm quốc khánh CHDCND Lào.

“Lập trình” mục tiêu viết nên 5 năm tuổi trẻ rực rỡ ở giảng đường

Để có 4 năm tuổi trẻ rực rỡ và gặt hái nhiều thành tích như vậy ở giảng đường đại học, Quỳnh Anh đã “lập trình” cho mình những mục tiêu phấn đấu cụ thể rõ ràng ngay từ năm nhất, học cách quản lý thời gian hợp lý, học lý thuyết đi đôi với thực hành. Ngoài những môn chuyên ngành, liên quan đến môn năng khiếu và nghệ thuật, em cũng phấn đấu học thất tốt và đều các môn khác.

Khi được hỏi “Sự thông minh chiếm bao nhiêu phần trăm trong những thành quả bản thân em đạt được?”, nữ thủ khoa đáp: “Theo em, khi học tại một trường đặc thù về nghệ thuật, để có được kết quả học tập tốt, trước hết phải có năng khiếu. Và năng khiếu của mỗi người theo quan điểm của em chiếm tới 50%, 30% cho sự thông minh và 20% còn lại cho sự chăm chỉ”.

“Hãy học tập và cống hiến hết mình, đừng để phí hoài sức trẻ, ngoài việc học tập thật tốt, tham gia những hoạt động cồng đồng, công tác xã hội, vì sau khi tốt nghiệp Đại học, nhìn lại chặng đường 5 năm của mình bạn sẽ có được những bài học và trải nghiệm đáng nhớ!” là chia sẻ tâm huyết của thủ khoa trường ĐH Mỹ thuật công nghiệp đến các bạn tân sinh viên để có được những năm tháng trọn vẹn nhất ở giảng đường đại học.

Cô gái này cũng khẳng định: “Song song với việc học tập đạt kết quả cao, sinh viên cần trau dồi cho mình những kiến thức xã hội, những kỹ năng làm việc nhất định. Lý thuyết phải đi đôi với thực hành. Nếu bạn chỉ giỏi trên lý thuyết mà không áp dụng được vào công việc thực tế thì sau khi ra trường, dù bạn có tốt nghiệp thủ khoa đầu ra cũng sẽ gặp một số hạn chế khi đi xin việc”.

Hiện tại, Quỳnh Anh đang làm công việc thiết kế cho một công ty truyền thông, tổ chức sự kiện. Dự định sắp tới của em là học tiếp thạc sỹ trong nước. Cô thủ khoa xinh đẹp mong muốn được ở lại công tác và tiếp tục cống hiến cho trường ĐH Mỹ thuật Công nghiệp - ngôi trường mà em đã gắn bó suốt 5 năm vừa qua.

Xa hơn nữa, em muốn mở một lớp dạy sơn mài nho nhỏ cho người nước ngoài với ước mong “mọi người trên thế giới biết đến sơn mài truyền thống của Việt Nam”.


Quỳnh Anh (áo đỏ) tại hoạt động giao lưu hữu nghị thanh niên Việt Trung lần thứ XVI.

Quỳnh Anh (áo đỏ) tại hoạt động giao lưu hữu nghị thanh niên Việt Trung lần thứ XVI.


Vẽ tranh tường tại Trường Nakhuay – Lào.

Vẽ tranh tường tại Trường Nakhuay – Lào.


Nhận bằng khen tại Viêng Chăn-Lào.

Nhận bằng khen tại Viêng Chăn-Lào.


Cô gái sinh năm 1992 xinh tươi, năng động trong buổi chụp hình giao lưu bóng đá.

Cô gái sinh năm 1992 xinh tươi, năng động trong buổi chụp hình giao lưu bóng đá.

Lệ Thu

Ảnh: NVCC