Thủ khoa nhà nghèo và khoa học đỉnh cao

Kết quả mùa tuyển sinh đại học - cao đẳng năm nay có rất nhiều thủ khoa có gia cảnh khó khăn. Sự nỗ lực học tập của các chàng trai và các cô gái ấy thật đáng trân trọng. Thế nhưng, khi cánh cổng giảng đường đã mở ra, thì những điểm số hôm nay sẽ không có gì đảm bảo cho tương lai của mỗi cử nhân trên hành trình khám phá tri thức nhân loại!<br><a href='http://dantri.com.vn/event-2624/hung-thu-khoa-khoi-C-cao-diem-nhat.htm'><b>&nbsp;>>&nbsp; Những thủ khoa khối C cao điểm nhất</b></a><br><a href='http://dantri.com.vn/event-2620/Chan-dung-thu-khoa-DH-2014.htm'><b>&nbsp;>>&nbsp; Chân dung thủ khoa ĐH 2014</b></a><br><a href='http://dantri.com.vn/event-2626/hung-thu-khoa-29-diem-tro-len.htm'><b>&nbsp;>>&nbsp; Những thủ khoa 29 điểm trở lên</b></a>

Giáo dục đại học khác biệt hoàn toàn với giáo dục phổ thông. Phương pháp chăm chỉ lắng nghe bài giảng, ghi chép cẩn thận và cố gắng học thuộc lòng có thể tạo những gương mặt xuất sắc ở bậc phổ thông, nhưng không thể tạo ra sinh viên ưu tú ở bậc đại học. Cụ thể hơn, đại học đề cao quá trình tự đào tạo và tự nghiên cứu theo chiều sâu.

Trong cuộc đối thoại về giáo dục đại học tổ chức đầu tháng 8/2014 tại TPHCM, GS. Ngô Bảo Châu cảnh tỉnh rằng, chúng ta đang làm ngược thế giới và nguy cơ đi giật lùi là có thật! Nghĩa là ước mơ chinh phục khoa học đỉnh cao của Việt Nam vẫn còn xa xôi.

Hai câu chuyện về thủ khoa nhà nghèo và khoa học đỉnh cao, ngỡ không liên quan với nhau mà lại nhói lên một niềm thao thức cho những ai hy vọng vào ngày mai phát triển.

Học trò nhà nghèo đậu thủ khoa thực ra cũng không có gì phải ngạc nhiên. Bởi lẽ học hành là lối thoát duy nhất trước cái nghèo đeo bám. Học trò nghèo cũng không có điều kiện để tham gia các thú vui khác, nên chỉ có sách vở làm bạn.

Hơn nữa, học trò nghèo có thể thủ khoa thi tuyển nhưng sau khi tốt nghiệp có thành tựu gì không, hầu như chẳng ai dám chắc chắn.

Chưa tính vấn đề phụ giúp thân nhân, một cử nhân nghèo muốn cải thiện đời sống một cách lương thiện thì phải mất hơn mười năm sấp ngửa lo tiền lo bạc. Vậy thì còn đâu cơ hội tiếp cận khoa học đỉnh cao?

Không thấy học trò nhà giàu giành lấy vị trí thủ khoa đại học mới thực sự là điều cần bận tâm. Học trò nhà giàu không coi trọng trí tuệ thì mai này với tài sản có sẵn họ sẽ dùng phương pháp kinh doanh “trường vốn - trốn thuế” gây tác động xấu cho cộng đồng. Còn nếu học trò nhà giàu chọn con đường du học, thì của cải sẽ theo họ rời khỏi Việt Nam.

Để làm những việc đòi hỏi cần cù thì học trò nhà nghèo hơn hẳn học trò nhà giàu. Thế nhưng, muốn chạm đến khoa học đỉnh cao thì phải chờ đợi ở học trò nhà giàu. Bởi lẽ, học trò nhà giàu không vướng bận cơm áo mới toàn tâm toàn ý cho việc tìm tòi và sáng tạo.

Ngay cả GS. Ngô Bảo Châu cũng là một ví dụ điển hình. Nếu bố mẹ Ngô Bảo Châu thiếu trước hụt sau và Ngô Bảo Châu mỗi ngày đến giảng đường trong nước với bộ dạng lam lũ, thì làm gì có được “Bổ đề cơ bản”?

Theo Lê Thiếu Nhơn
Nông nghiệp Việt Nam