Thu hút nhân tài không chỉ bằng khía cạnh tài chính

Vấn đề quan trọng nhất đối với trí thức chân chính là môi trường làm việc, sự trọng thị cảm thông của giới lãnh đạo.

GS Nguyễn Đăng Hưng: Tôi đã nghe nhiều về chính sách trọng dụng nhân tài nhất là ở các tỉnh trong cả nước như Nghệ An, Đà Nẵng... Nay là tại thủ đô Hà Nội mà chế độ đãi ngộ tài chính có vẻ khá đột phá!

Môi trường làm việc chưa ổn

Theo tôi khía cạnh tài chính là điều quan trọng nhưng không phải tất cả. Nhất là Hà Nội muốn chiêu mộ người tài đức chân chính, chẳng những có trình độ mà còn phải có tâm huyết nữa. Vấn đề quan trọng nhất đối với trí thức chân chính là môi trường làm việc, sự trọng thị cảm thông của giới lãnh đạo nhất là khả năng trao quyền quyết định đầy đủ về chuyên môn. Nhà trí thức chân chính thường coi trọng hiệu quả công việc, tính khoa học của những quyết định, tính độc lập và minh bạch trong cung cách hành xử.

Hiện nay người Việt Nam đi du học đều muốn khi thành tài trở về phục vụ đồng bào mình. Nếu họ quyết định ở lại nước ngoài thì đó là vì công việc dành cho họ tại Việt Nam chưa thỏa đáng. Làm thế nào để thu hút họ? Như tôi đã nói cái quan trọng là môi trường làm việc trong đó có chính sách đãi ngộ. Môi trường làm việc tại Việt Nam vẫn còn chưa ổn. Những giá trị khoa học (tôn trọng sự thật), tôn trọng dân chủ (đánh giá và giao việc đúng với thực tài) chưa được ý thức một cách đồng bộ. Cơ chế xin, cho vẫn còn nặng nề và người trí thức chân chính có đầu óc độc lập thường không có chỗ đứng xứng đáng. Muốn thu hút người du học về nước, chính quyền cần cải tiến tư duy lãnh đạo, cải tiến cơ chế vận hành theo hướng dân chủ hóa, lấy dân làm gốc chứ không lấy phe phái làm gốc…

Như tôi đã nói, hiền sĩ là người có tài và có đức. Thành đạt ở nước ngoài là bằng chứng cho cái tài. Ý hướng muốn về phục vụ nhân dân mình, đất nước mình chính là tâm huyết, là đức độ. Nhưng đây chỉ là những cá nhân. Phải có xã hội tạo điều kiện, cá nhân mới có thể thi thố triển khai. Tại Việt Nam, xã hội còn nhiều bất cập, chính nhà cầm quyền nên can thiệp để xây dựng một môi trường thân thiện thu hút hiền tài. Việc này đâu có mới! Hãy xem và học Singapore và Hàn Quốc! Họ đã làm gì cách đây 30 năm để từ một nước trình độ tương đương với miền Nam trước 1975 nay đã là những nước phát triển…

Bài học từ thế giới

Tôi vừa nói đến Hàn Quốc, Singapore thời buổi họ đang trên đường phát triển. Còn những nước khác như các nước châu Âu, họ cũng phải không ngừng đưa ra các chính sách để giữ chân người tài. Đơn cử một ví dụ, các đại học Bỉ có chính sách thâu nhận các giáo sư mà không quan tâm đến quốc tịch. Hễ có trình độ đạt yêu cầu là được bổ nhiệm. Nếu không có chính sách này thì tôi đã không thể là giáo sư đại học tại Bỉ, vì thời ấy tôi còn giữ quốc tịch Việt Nam. Năm 1999, toàn thể các nước châu Âu đã cùng nhau đưa ra một chính sách cải tổ đại học sâu rộng và đồng bộ cũng vì muốn tạo điều kiện để châu Âu thu hút sinh viên giỏi, bất cứ từ đâu đến. Người ta đã có nền giáo dục với hiệu quả tỏ rõ hàng mấy thế kỷ mà họ cũng phải làm hết sức để cải tổ, làm hay hơn nữa… Còn ta thì bình chân như vại…

Đây là điều mà tôi hy vọng, cả nước chưa có chính sách chung thì các địa phương, các trường có lãnh đạo sáng suốt, ý thức vấn đề nên bắt tay vào việc. Hy vọng lần này Hà Nội làm thiệt. Chứ như năm ngoái, năm kia, đưa ra kế hoạch cán bộ chính quyền Hà Nội người nào cũng có bằng tiến sĩ thì là cách làm lạ kỳ, buồn cười. Theo chỗ tôi biết các trường như ĐH Tôn Đức Thắng, Hoa Sen cũng đang cố gắng phấn đấu làm chính sách cầu hiền.
 
Theo Yên Trang
Pháp luật TPHCM