Thôn nghèo “thi đâu đỗ đấy”

(Dân trí) - Chưa có năm nào người dân thôn Vĩnh Phước (xã Đại Đồng, huyện Đại Lộc, Quảng Nam) lại vui như năm nay. Vì trong số 15 em thi đại học có đến 12 em thi đỗ và đỗ cao vào các trường đại học chất lượng trên cả nước.

Bữa tiệc mừng con cháu trong làng đỗ đạt không phải là những mâm cỗ, mà là tiếng nói cười hỉ hả và những ánh mắt rạng ngời hạnh phúc của những người cha, người mẹ một đời lam lũ trên đồng quê nghèo khó.

Thôn nghèo...

“Con cái học hành đỗ đạt, ăn cơm mắm bữa một cũng thấy ấm lòng. Hồi con bé Luyến thi đỗ vào trường chuyên Lê Quý Đôn ngoài Đà Nẵng, hắn cứ khóc suốt, nói là ra ngoài đó học không có bạn quen, nhưng tui biết hắn lo ra ngoài phố học hành tốn kém ba mẹ, không chịu đi học xa. Vợ chồng tui cũng biết khó nhưng có cha mẹ nào thấy con mình học hành tấn tới mà không ráng lo.

Hắn là chị cả, còn 3 đứa em nhỏ mà bỏ đi học xa rứa là tui mất một cánh tay phải phụ việc nhà cho cha mẹ ra đồng nhưng tui phải năn nỉ hắn ra ngoài phố học. Dễ chi mà đỗ được vào trường chuyên mà bỏ.

Hồi hắn đạt học sinh xuất sắc nhất tỉnh, rồi mới đây thi đỗ thủ khoa đại học, cả nhà vui chưa từng thấy. Mấy năm ni học ở Đà Nẵng, còn chừ thì chuẩn bị vô tận trong Sài Gòn” - chị Bùi Thị Dân, mẹ em Võ Thị Luyến, thủ khoa Đại học Luật TPHCM kể về đứa con gái đầu nổi tiếng cả làng vì học giỏi.

Kể chuyện, giọng chị cười vui nhưng chúng tôi vẫn nghe được tiếng thở dài nén những lo toan. Để lo cho các con ăn học, hai vợ chồng ngoài lo làm ruộng, lúc nông nhàn lại sáng sớm lên rừng đón củi đến tối mịt mới về, chắt chiu từng đồng dành dụm, mấy cũng để cho con nộp tiền học. Rồi chị tiếp lời, giọng quê chân chất: “Ở đây thì chẳng riêng chi nhà ni khó khăn. Toàn làm nông hết. Nhà tui mới có bé Luyến vừa đỗ, chứ như nhà bà Năm bên kia, 5 đứa con lần lượt nhận giấy báo vào đại học. Đứa ni ra trường là đứa khác vô. Mười mấy năm chưa sửa xong cái chái bếp…”

Ông Đỗ Khá Em, trưởng thôn Vĩnh Phước cho biết: Cả thôn có 195 hộ, hơn 900 nhân khẩu, quá 80% hộ là làm nông, còn lại là tiểu thương buôn bán nhỏ lẻ. Bà con nghèo khó nhưng con em học hành được là ráng chăm lo. Năm nào cũng có con em trong làng đỗ đạt, lớp trước làm gương động viên lớp sau cố gắng học hành. Nhưng năm nay là nhất. Ấn tượng ở chỗ không phải là có 12 em thi đỗ mà là 15 em đi thi thì đã có 12 em thi đỗ. Ông Khá Em nói vui: “Thôn nghèo còn nghèo thêm vì… nuôi cử nhân. Con đỗ đại học, cha mẹ mừng mà lo trắng đêm làm sao công ruộng mà lo được cho con ăn học ở thành phố đắt đỏ”.

...Chí cử nhân

Nhìn vào thành tích học tập của cô bé thủ khoa ĐH Luật TPHCM Võ Thị Luyến không ai không nể phục: 12 năm liền là HSG toàn diện. Năm lớp 9, em là học sinh nhận kỷ niệm chương tại Đại hội thi đua cấp tỉnh. Năm lớp 10 và 11 em đoạt 2 Huy chương, 1 Huy chương Vàng và 1 Huy chương Bạc Olympic Văn học Khu vực phía nam…

Trong học bạ 3 năm THPT, kết quả học tập đều trên 9 “phẩy” và những lời phê đầy trìu mến của thầy cô chủ nhiệm: “Học rất giỏi. Khiêm tốn. Giàu lòng tự trọng”. Có chuyện trò với Luyến mới thấy hết giá trị của những lời phê. Em nói: “Đừng viết về em nhiều quá. Vì em thấy mình cũng bình thường thôi. Bạn bè em ở đây cũng như nhau hết cả. Biết ba mẹ khó nhọc mới nuôi được mình ăn học thì cố gắng học cho ba mẹ vui lòng và sau này có con chữ có điều kiện phụ ba mẹ nuôi em út ăn học, đền đáp công ơn ba mẹ, cho ba mẹ đỡ nghèo, cho thôn mình đỡ nghèo.

Có bài báo trước đó đã viết là em đi học ngoài Đà Nẵng phải làm thêm dạy kèm, phụ rửa chén để có thêm tiền học nhưng thật ra không có điều đó. Việc học ở trường đã rất áp lực và muốn có thành tích tốt em phải dành hết thời gian cho việc học. Toàn bộ tiền học là ba mẹ em gửi ra cho.

Cầm những đồng tiền thấm đẫm mồ hôi ba mẹ, hiểu lòng ba mẹ, em càng thấy mình phải cố gắng học. Có chăng là tiết kiệm chi tiêu để nhẹ gánh lo cho ba mẹ ở nhà thôi.

Em vẫn mong muốn được theo các ngành nghiên cứu nhưng lại chọn thi ĐH Luật vì em nghĩ học ngành này thực tế, ra trường mau có việc làm, có thu nhập phụ giúp gia đình. Em nôn nóng lắm, muốn học xong ngay thôi để được đền đáp công ơn ba mẹ”. Nghe nói trường học trong Sài Gòn cách khá xa trung tâm thành phố mà cô bé thủ khoa mừng thầm vì “xa trung tâm thành phố thì chắc là tiền trọ, tiền sinh hoạt phí sẽ đỡ đắt đỏ hơn”…

Không học cấp 3 xa nhà như Luyến, em Võ Duy Linh, đậu vào khoa Máy tính, trường ĐH Công nghệ TPHCM với điểm số 27 (Lý: 9.5, Hoá: 9.25, Toán: 8.25) lại một buổi đến lớp, một buổi ở nhà phụ việc nhà cho ba mẹ. Quyết tâm đậu đại học, ngoài thời gian ở trường và phụ việc nhà cho ba mẹ, em dành hết thời gian còn lại cho giờ tự học ở nhà.

Chuẩn bị cho Linh nhập trường học vào đầu tháng 9 tới, ba mẹ em phải bán cả vụ ngô vừa thu hoạch công tiền dành dụm từ tiền bán lúa “cho con lận lưng làm vốn… đi học”, việc chi tiêu trong nhà trông vào quán bún điểm tâm nhỏ trước hiên nhà. Linh đã tính: “Vào đó trước tiên là em cố gắng học rồi sẽ kiếm việc làm thêm phụ vốn cho ba mẹ nuôi con ăn học”.

Dẫu nghèo, nhưng người dân thôn Vĩnh Phược vẫn luôn vui cười lạc quan, tự hào con cháu học hành đỗ đạt và tin vào tương lai làng mình sẽ tươi sáng hơn với những quả ngọt cử nhân.

12 học sinh thôn Vĩnh Phước thi đỗ ĐH trong kỳ thi tuyển sinh 2008:

1.Võ Thị Luyến (ĐH Luật TPHCM)

2. Võ Duy Linh (ĐH Công nghệ TPHCM)

3. Từ Tự Do (ĐH CNTT TPHCM)

4. Lê Ngọc Dưỡng (ĐH Bách khoa Đà Nẵng)

5. Võ Đức Nam (Học viện Hàng không TPHCM)

6. Nguyễn Thị Lựu (Khoa Kinh tế, ĐHQG TPHCM)

7. Trương Tấn Tín (ĐH Công nghiệp TPHCM)

8.Trần Văn Sỹ (ĐH CNTT TPHCM)

9.Từ Lê Chí Vinh (ĐH CNTT TPHCM)

10. Nguyễn Thị Kim Thoa (ĐH Nông lâm TPHCM)

11. Võ Đức Châu (ĐH Bách khoa TPHCM)

12. Lê Thị Hương (ĐH Quy Nhơn)  

Khánh Hiền - Ô Châu