Thời gian nghỉ hè học sinh: Nên giữ nguyên hay thay đổi?
(Dân trí) - Mới đây, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị ngành giáo dục xem lại thời gian nghỉ ở hè ở Việt Nam còn phù hợp hay không. Nhất là ở đô thị, thời gian nghỉ hè dài quá nên phụ huynh khó khăn trong việc giữ trẻ nên nhiều trường đã tựu trường sớm...
Nhiều năm gần đây, các địa phương bắt đầu nghỉ hè vào giữa tháng 5 và tựu trường vào giữa tháng 8 hàng năm. Theo khung kế hoạch thời gian năm học áp dụng từ năm học 2017-2018 do Bộ GD-ĐT ban hành vào ngày 16/6/2017, thời gian tựu trường sớm nhất vào ngày 1/8 hàng năm và kết thúc năm học trước ngày 31/5, còn các tỉnh thành sẽ chủ động xây dựng kế hoạch thời gian năm học cụ thể.
Nhiều nhiều ý kiến cho rằng thời gian nghỉ hè như hiện tại là hợp lý. Trẻ và cả đội ngũ giáo viên cần có thời gian để nghỉ ngơi, học năng khiếu, bồi dưỡng nghiệp vụ. Tuy nhiên, thời gian nghỉ hè có thể thu xếp một cách hợp lý hơn để tránh tình trạng mà rất nhiều người phản ứng lâu nay là tựu trường, học rồi mới... khai giảng.
Bà Phạm Thúy Hà, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi, Q.4, TPHCM cho hay, với ý kiến cá nhân tôi nếu được vẫn thích đầu tháng 9 mới đi học, học trò được nghỉ trọn vẹn 3 tháng hè đúng nghĩa luôn. Thời gian kết thúc năm học có thể muộn hơn chút để “đầy lùi” thời gian nhập học.
Theo bà Hà, bắt đầu thời gian nghỉ hè phụ huynh đều quay cuồng, lao đao chuyện giữ trẻ trong dịp hè. Rất nhiều trường kết thúc năm học giữa tháng 5, chi bằng kế hoạch thời gian năm học kéo dài đến cuối tháng 5 rồi đầu tháng 9 mới vào năm học mới. Học trò không cần phải tựu trường sớm như hiện nay.
Phụ huynh kiểu gì cũng sẽ tìm cách thu xếp phù hợp. Và việc học trước lễ khai giảng như hiện nay không giải quyết được vấn đề gì mà lấy đi cảm xúc của các em rất nhiều.
Nhiều ý kiến cũng chia sẻ, thời gian nghỉ hè cũng là lúc thời thiết khắc nghiệt, nắng nóng nhất. Nhất là ở các tỉnh miền Trung, nếu rút ngắn thời gian nghỉ hè để bắt thầy trò đến trường vào mùa nắng nóng thì chẳng khác nào “hành” nhau, học cũng không nổi.
Cô Nguyễn Thị Hảo, giáo viên tiểu học ở Khánh Hòa chia sẻ, cô thấy thời gian nghỉ hè như hiện tại là hợp lý. “Thời điểm nghỉ hè thời tiết khắc nghiệt nên nghỉ đến trường là phù hợp cũng như nghỉ đông ở một số nước. Như giờ đi học lại nhiều nơi vẫn còn rất nắng nóng, cực cho tụi nhỏ vô cùng”, cô Hảo nói.
Cô Phan Tuyết, giáo viên ở Bình Phước cũng bộc bạch, hiện nay chúng ta đang hướng đến để học sinh học hai buổi. Như vậy có thể nói, học hai buổi và nghỉ hè như hiện nay đã đủ thời gian để cung cấp kiến thức của một năm học. Nghỉ để các em vui chơi, tham gia các môn năng khiếu, rèn luyện thể chất. Còn thầy cô vừa có thời gian tự học, bồi dưỡng chuyên môn cũng như nghỉ giải lao sau một năm học để nạp thêm năng lượng cho năm học mới.
Đối với ý kiến thời gian nghỉ hè dài, cha mẹ ở thành phố khó khăn trong việc quản lý con, một giáo viên đã đặt câu hỏi vậy việc rút ngắn thời gian nghỉ hè là để tốt cho trẻ hay để được việc cho người lớn? Việc nghỉ hè trước nhất phải cân nhắc đến lợi ích của chính học trò.
Hơn nữa, nói như cô Nguyễn Thị Hảo, nói là nghỉ hè dài nhưng thực tế hè bây giờ đã không còn là hè, các cháu vẫn phải bò ra học.
Lâu nay, nhiều phụ huynh có tâm lý “khoán trắng” con trẻ cho nhà trường, nới lỏng vai trò giáo dục gia đình. Điều này, theo các chuyên gia tâm lý chính là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến rất những bất ổn trong đạo đức, nhân cách, lối sống của thế hệ trẻ.
Nếu ngành giáo dục dài thời gian học không chỉ gây áp lực cho trẻ, cho giáo viên mà còn góp phần “nới lỏng” thêm vòng tay của phụ huynh với con trẻ.
Suy cho cùng, nhiệm vụ lớn nhất của nhà trường là giáo dục, không có nghĩa vụ giữ trẻ thay phụ huynh. Trường học không thể “ôm” hết mọi vấn đề của gia đình vào mình, ôm luôn cả việc giữ trẻ khi mà nhiệm vụ chính là chất lượng giáo dục còn đang rất nhiều bàn cãi.
Hoài Nam