Thoáng buồn sau những tấm huy chương

(Dân trí) - Chủ nhân của cả 3 tấm Huy chương vàng của đội tuyển Toán Việt Nam là Đỗ Xuân Bách, Phạm Thành Thái, Phạm Duy Tùng đều chung một dự định đi học ở Mỹ, Anh hoặc Úc. Không một ai trong số các em có ý nghĩ sẽ chọn một trường ĐH nào đó của Việt Nam sau khi kết thúc IMO 48.

Phạm Thành Thái, học sinh lớp 12 chuyên Toán tỉnh Hải Dương tâm sự: “Em sẽ đi Mỹ du học. Nếu không đi Mỹ được thì đi Anh hoặc Úc. Còn học tại Việt Nam thì...”. Thái lên Hà Nội từ tháng 5 vừa rồi, hai tháng sống ở Hà Nội, hầu như đối với em không để lại ấn tượng gì đặc biệt vì tối ngày chỉ quanh quẩn với việc học và phấp phỏng đợi ngày đi thi.

 

Khi trả lời câu hỏi của chúng tôi rằng nếu định đi du học, sẽ phải xa nhà một thời gian dài và em đã sẵn sàng cho điều ấy chưa. Thái trả lời em không nghĩ đến chuyện đó vì trước mắt là chỉ háo hức được đi vì năm nay, IMO tổ chức ngay tại Việt Nam đã là một chuyện không... thích mấy vì bọn em không được ra nước ngoài như các đoàn IMO Việt Nam những năm trước!

 

Cũng như Thái, cậu học trò lớp 11, khối chuyên Toán, ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội - Phạm Duy Tùng cũng chọn Mỹ hoặc Anh là điểm đến cho những dự định của mình vì đó là nơi có những trường ĐH tốt nhất. Cả Bách cũng vậy và hiện Bách cũng đang có một người chị gái đang du học ở Mỹ...

 

Như vậy, quả thật là rất thừa khi người thầy trực tiếp dìu dắt các em đến với vinh quang của IMO 48, PGS.TS Vũ Đình Hoà, trưởng đoàn IMO 48 Việt Nam đã có những “toan tính” cho tương lai của những học trò của mình rằng, sẽ đề nghị Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cho phép rút ngắn thời gian học ĐH của những học sinh đoạt giải để các em sớm có bằng và sớm có điều kiện được cống hiến...  

Bản thân Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Trần Văn Nhung mặc dù rất hãnh diện rằng “chúng ta có truyền thống đào tạo nhân tài nói chung và trong lĩnh vực Toán học nói riêng” nhưng ông vẫn khẳng định: Để đào tạo được một nhân tài thực thụ phục vụ đất nước thì cần phải có cả một quá trình. Chủ trương của Bộ GD-ĐT là những người tài phải được đào tạo theo quy trình đặc biệt. Những em đoạt giải cao sẽ được cấp học bổng du học ở các trường nổi tiếng thế giới...

 

Hiện nay, chúng ta chưa hề có trường ĐH nào nằm trong top 100 trường ĐH hàng đầu thế giới. Theo Quy hoạch mạng lưới các trường ĐH, CĐ giai đoạn 2006-2020 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thì đến năm 2020, hệ thống ĐH Việt Nam sẽ phấn đấu để có một vài trường ĐH được nằm trong top 200 trường hàng đầu thế giới.

 

Nếu Đề án Quy hoạch này thành công, phải hơn 10 năm nữa, chúng ta mới có quyền hy vọng rằng tài năng của Việt Nam cũng có thể được nuôi dưỡng và toả sáng ngay tại quê hương và khi đó không phải tất cả những “tấm huy chương vàng” đều muốn ra đi như ngày hôm nay...

 

Mai Minh