Thịt ôi, cá ươn vào nồi cơm sinh viên

(Dân trí) - Không chỉ vào nhà hàng, quán cơm…, những thực phẩm như thịt ôi, cá ươn còn “đi đường thẳng” vào nồi cơm của nhiều sinh viên xa nhà. Đây là sự lựa chọn bất đắc dĩ của họ khi đối phó với cuộc sống khó khăn.

Bữa cơm… giá 5.000 đồng

“Em rất hiếm khi ăn quán vì đắt, ít nhất cũng phải 15.000 đồng. Trong khi mỗi bữa ở nhà bọn em nấu có lúc chỉ hết 5.000 đồng/người”. Đó là lời khẳng định của H.T.V., sinh viên (SV) năm thứ 3 ĐH Công nghiệp TPHCM.

Phòng V. ở 4 người, toàn SV từ miền Trung. Với cuộc sống xa nhà đắt đỏ, họ phải thắt lưng buộc bụng cho chi tiêu ăn học. Với những khoản cố định như học phí, nhà trọ, điện nước… không thể cắt giảm nên bữa ăn luôn là khoản được cả 4 “ưu tiên” giảm giá. Để tiết kiệm cho mỗi bữa ăn của mình, họ chấp nhận lựa chọn những thực phẩm giá thấp nhất mặc dù kém tươi ngon nhất.

Tại chợ Căn Cứ (P.17, Q. Gò Vấp), có mặt ở một hàng bán cá, V. khẳng định cô có thể mua được loại cá giá 25.000 - 27.000 đồng/kg. Trong khi các loại cá bày bán ở đây như cá nục, diêu hồng, cá rô… thấp nhất cũng phải 45.000 đồng/kg. Vân “ra tay” hỏi mua cá rô “loại 2”, cô bán hàng nhận ra người quen chỉ cười rồi lấy bịch cá rô ở trong thùng xốp sau lưng.

Thịt ôi, cá ươn vào nồi cơm sinh viên  - 1

Tại chợ Căn Cứ, V. chọn mua loại cá rô ươn dành bán cho quán cơm với giá 25.000 đồng/kg, rẻ gần gấp 3 so với cá tươi.

Cô bán hàng gỡ bịch ra, nhiều chú cá rô đã bị bỏ đầu, một vài con còn nguyên thì khi cầm lên cùng rụng đầu xuống liền. Dù được ướp đá kỹ lưỡng nhưng có lẽ do quá lâu ngày nên chúng bốc mùi khi cúi xuống chọn, V. phải đưa tay… bịt mũi. Cô chọn được 5 con, cân lên 4 lạng hết 10.000 đồng. So với cá tươi trẻ gần gấp 3 lần. Cô bán cá nói: “Hàng này tôi để phần bán cho quán cơm nhưng lâu lâu cũng có khách lẻ mua, chủ yếu là SV và mấy người đồng nát”.

V. liệt kê thêm một số “mặt hàng” đồ ăn giá trẻ mà SV chỗ trọ mình thường mua như thịt ươn chiều tối ở chợ An Nhơn giá 7.000 đồng/lạng, các loại cá biển muối mà nhiều gia đình mua về cho mèo, mua 7.000 đồng về đủ cho 4 người ăn bán nhiều ở chợ Gò Vấp”.

“Đồ ăn “kém ngon” nên bọn em ướp gia vị kỹ hơn để át mùi nhưng cũng không ăn thua đâu. Dạo đầu còn không ăn nổi phải bỏ, giờ thi quen rồi”, V. cho hay.
 
Không chỉ riêng phòng trọ của V. mà nhiều phòng khác cùng khu trọ với V., nhiều SV cũng phải lựa chọn những thực phẩm hạng bét từ thịt cá cho đến rau quả cho cuộc sống hàng ngày.

Nguyễn Thị Huyền (quê ở Nam Đàn, Nghệ An), tốt nghiệp ngành Kế toán tại của một trường CĐ cho biết, từ hơn một năm nay, cô và hai người bạn cùng phòng cũng thường xuyên phải chọn những thực phẩm giá rẻ về nấu ăn để tiết kiệm.

“Nhớ dạo đầu tôi đi mua cá, mua thịt loại này ngại lắm, còn nói với người bán hàng mua về… cho mèo, người ta lại càng chọn cho miếng dở. Cuối cùng nói thật mua để ăn thì được chọn kỹ hơn”, Huyền nói. Cô cho biết thêm, những đồ ăn tưởng là bỏ “bỏ đi” cũng tăng giá, tuy nhiên so với thực phẩm tươi thì luôn rẻ hơn rất nhiều lần.

Chỉ còn cách cắt giảm tiền ăn

Không chỉ khi ăn cơm quán, cơm bụi, SV mới bị các thực phẩm kém chất lượng “đe dọa” mà ngay khi nấu ăn ở nhà nhiều người buộc phải tự nguyện lựa chọn thực phẩm giá rẻ có thể ảnh hưởng đến sức khỏe vì điều kiện kinh tế.

Thoáng chút ngại ngần, Ngô Thị Trang, cô gái quê ở Phú Yên, cùng phòng trọ với V. bộc bạch rằng nếu không ăn uống như vậy, cô chỉ còn nước bỏ học. Bố mẹ ở quê mỗi tháng chỉ có thể gửi cho con gái 1,5 triệu đồng bất kể giá cả tăng thế nào. Số tiền đó chưa đủ cho Trang trang trải tiền học phí, tiền trọ và các khoản chi tiêu cố định khác. Tiền ăn Trang tự lo bằng cách đi làm thêm nhưng công việc bập bùng, mỗi tháng vài trăm nghìn nếu không chọn đồ ăn “rẻ” thì cách tốt nhất là... nhịn đói.

Thịt ôi, cá ươn vào nồi cơm sinh viên  - 2

Làm thêm là cách để nhiều SV cải thiện đời sống nhưng không phải lúc nào việc làm thêm cũng suôn sẻ.

Đây cũng là hoàn cảnh chung của những bạn còn lại trong phòng, gia cảnh đều cũng khó khăn. Để “sống sót” thì tiết kiệm là trên hết với SV nghèo thì chẳng còn gì ngoài bữa ăn để tiết kiệm dù bữa ăn với họ chưa bao giờ là dư giả. Nhiều bạn cũng cố gắng đi làm thêm, cải thiện đời sống nhưng như V. nói: “Làm thêm cũng không đơn giản như mọi người tưởng vì việc học ở trường rất nặng. Đi làm không phải lúc nào cũng suôn sẻ, có lúc làm cả tháng còn bị quỵt lương”.

Ra trường đi làm với mức lương gần 1,8 triệu, Huyền bị cắt sạch tiền “trợ cấp” từ gia đình nên cuộc sống của cô còn… khổ hơn cả hồi SV khi giá cả tăng quá cao. Các khoản chi tiêu hàng tháng đều được Huyền lên lịch “bất di bất dịch”: tiền trọ, điện nước 720.000 đồng, tiền điện thoại, xăng xe 400.000 đồng, tiền chi tiêu sinh hoạt cá nhân 150.000 đồng. Còn lại chỉ hơn 500.000 đồng cho tiền ăn.

“Bữa trưa đi làm ăn cơm quán đã hết 15.000 đồng nên bữa tối ăn ở nhà buộc phải tiết kiệm tối đa. Chủ yếu là cơm chan mắm, rau… kể cả thịt ôi, cá ươn không phải hôm nào cũng dám mua. Còn việc bỏ ra 20.000 đồng mua chưa được 2 lạng thịt tươi ngon thì lấy đâu ra tiền", Huyền xót xa.

Huyền không dám nói thật với bố mẹ cuộc của mình, lâu lâu còn phải gửi tiền về giúp đỡ gia đình và cũng để họ yên lòng. Đi làm nhưng cô gái này chẳng mấy khi mua sắm đồ dùng gì cho mình, quần áo vẫn duy trì từ hồi SV. Huyền muốn học liên thông nhưng hiện tại không thể vì có tiền để học cũng là cả vấn đề.

Với SV xa nhà cũng như với những người đi làm thu nhập thấp sống trọ ở thành phố, trong khi giá cả mọi thứ tăng cao thì họ lại phải cắt giảm tiền ăn. Họ phải chấp nhận chọn cho mình những thực phẩm càng rẻ càng tốt bất chấp điều đó có thể ảnh hưởng đến sức khỏe.

Hoài Nam