Thiếu kỹ năng, khó có việc

Nhiều ứng viên mất việc chỉ vì không biết sử dụng máy photocopy, xử lý tình huống kém, thiếu kiên nhẫn…

Sau giờ làm việc ở quán cà phê trên đường Thống Nhất, quận Gò Vấp (TPHCM), chị Nguyễn Thị Tuyền (26 tuổi) lại tất tả đến lớp nghiệp vụ văn phòng buổi tối để học thêm. “Chỉ vì thiếu kỹ năng này mà tôi rớt phỏng vấn, mất cơ hội được tuyển dụng. Trong thời gian làm thêm, tôi cố gắng học để tránh bị thất bại lần nữa” - chị Tuyền kể.

Thiếu kỹ năng, khó có việc
Ứng viên tìm việc tại “Ngày hội Việc làm Nhân lực trẻ” tổ chức tại Trường Đại học Kinh tế TPHCM năm 2012. (Ảnh: Hồng Nhung)

 

Bị loại vào phút chót

Tốt nghiệp Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM từ năm 2011 nhưng đến nay, chị Tuyền vẫn chưa tìm được việc làm. Vừa ra trường, chị chuẩn bị hồ sơ để ứng tuyển vào vị trí nhân viên văn phòng của một doanh nghiệp (DN) thuộc Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai.

 

“Tôi rất tự tin với tấm bằng tốt nghiệp loại giỏi. Tuy nhiên, đến lúc phỏng vấn, nhà tuyển dụng (NTD) không hề để ý đến bằng cấp mà chỉ hỏi về khả năng xử lý văn bản, sự cố trên máy tính. Vì không đáp ứng yêu cầu này nên tôi bị loại” - chị Tuyền cho biết. Sau nhiều lần thất bại vì cùng một lý do, chị Tuyền quyết tâm tham gia các khóa học về kỹ năng mềm.

 

Giống như chị Tuyền, dù tốt nghiệp ngành quản trị kinh doanh Trường Đại học Văn Hiến TPHCM loại khá nhưng loay hoay cả năm nay, Nguyễn Hoàng Diễm vẫn chưa tìm được việc làm. Diễm nộp hồ sơ ứng tuyển vào một DN nước ngoài và vượt qua 30 ứng viên để vào vòng phỏng vấn cuối. Ở vòng quyết định này, Diễm trả lời trôi chảy nhiều câu hỏi, được hội đồng tuyển dụng đánh giá cao. 

 

Nhưng bất ngờ là khi một thành viên trong hội đồng tuyển dụng yêu cầu photocopy hồ sơ xin việc thành 10 bản thì Diễm loay hoay không làm được, vì.... trước giờ chưa hề sử dụng máy photocopy. Diễm tiếc nuối: “Tôi thật sự bối rối khi nghe NTD yêu cầu như vậy. Tôi bị NTD trả lại hồ sơ và giải thích bất kỳ vị trí nào trong công ty cũng phải biết những công việc cơ bản về photocopy, in ấn, đóng tập văn bản… để chủ động làm việc, tránh làm phiền các nhân viên khác”.

 

Khả năng xử lý tình huống kém

Kỹ năng xử lý tình huống là một trong những bước kiểm tra quan trọng để NTD tìm ra ứng viên phù hợp. Đây cũng là bước mà nhiều bạn trẻ thường thất bại khi tham gia phỏng vấn. Anh Vũ Tiến Dũng, Công ty Điện tử Samsung, nhớ lại năm 2010, anh và một số người khác dự tuyển nhân viên kế toán tại một cửa hàng kinh doanh điện thoại. Người được mời phỏng vấn đầu tiên là một bạn gái mới tốt nghiệp đại học.
 

Trong 45 phút, hàng loạt câu hỏi được NTD đưa ra: “Nếu được cửa hàng giao giữ một khoản tiền lớn thì có sinh lòng tham không?”, “nếu cửa hàng thiếu nhân viên, buộc cô phải ra bán hàng, gặp khách hàng khó tính hoặc vô văn hóa thì phải xử lý thế nào?”... Trước những câu hỏi không có trong sách vở, nữ ứng viên không biết ứng phó như thế nào và kết cục là bị loại. “Tôi cũng bị xoay như chong chóng với những câu hỏi xử lý tình huống như thế. Dù bị rớt phỏng vấn lần đó nhưng nó giúp tôi rút ra được nhiều kinh nghiệm cho bản thân” - anh Dũng nói.

 

Còn chị Nguyễn Khánh Trang (24 tuổi) vừa phải nhận lại hồ sơ tìm việc từ một DN. Với bằng cử nhân quản trị kinh doanh loại giỏi, 3 chứng chỉ ngoại ngữ, chị Trang tự tin sẽ chinh phục được NTD. Nhưng do có quá đông người dự tuyển, chờ hoài không thấy gọi tên mình, chị bỏ về. Khi vừa ra đến cổng thì hội đồng tuyển dụng gọi vào phỏng vấn. Sau một vài câu hỏi về marketing, NTD yêu cầu chị trình bày lý do bỏ về.

 

Chị thú nhận là mình mất kiên nhẫn sau nhiều giờ chờ đợi. Kết quả là dù được đánh giá cao năng lực chuyên môn nhưng Trang vẫn bị gạch tên. “Chỉ trong 5 phút phỏng vấn ngắn ngủi, tôi nhận ra mình thiếu một đức tính rất cần thiết của người làm marketing. Đây là bài học sâu sắc cho tôi” - chị Trang chia sẻ.

 

Kỹ năng mềm rất quan trọng

Bà Trần Kim Hằng, Trưởng Phòng Tuyển dụng Nhà máy P&G, cho rằng trong quá trình phỏng vấn, NTD thường đặt những câu hỏi tưởng chừng chẳng ăn nhập gì với vị trí tuyển dụng nhưng đó lại là cách để “đo” kỹ năng mềm, mức độ thích nghi công việc của ứng viên. Theo bà Hằng, kỹ năng mềm ngày càng được các NTD coi trọng. Ngoài bằng cấp chuyên môn, việc bổ sung, học hỏi thêm các kỹ năng bổ trợ cho công việc sẽ giúp mọi người dễ dàng tìm kiếm và giữ được việc làm.

 

Theo Phan Anh - Hồng Nhung

Người Lao Động