Thiết bị giáo dục: Các nhà sản xuất chỉ dám "ăn đong"

Do thời gian duyệt giá đến tháng 8 mới xong, nên chỉ những đơn vị cung ứng có năng lực về vốn, nhà xưởng, máy móc thiết bị, công nhân lành nghề... mới có đủ tiềm lực để sản xuất TBGD cung ứng cho thị trường. Thế nhưng, số lượng các đơn vị này hiện nay chưa nhiều.

Thực tế cho thấy, những đơn vị vốn ít, sản xuất nhỏ, thì hoặc là không đủ công suất để sản xuất hàng loạt hàng trong một thời gian rất ngắn, hoặc là không dám sản xuất trước chờ sẵn để sẵn sàng cung ứng khi các địa phương có nhu cầu.

 

Ông Lê Ngọc Quang - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho rằng, vì tính chất bị động nói trên, nên việc sản xuất TBGD hiện nay đang có nhiều bất cập. Các DN chưa dám đầu tư cơ sở hạ tầng, một số loại thiết bị chưa thể sản xuất được trong nước, phải nhập từ nước ngoài rồi lắp lại nên còn mang tính chắp vá, manh mún, thủ công, chất lượng kém, chưa đáp ứng được yêu cầu của ngành giáo dục.

 

Ông Lê Ngọc Quang, Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính, Sở GDĐT (HN): Chất lượng thiết bị giáo dục chưa đảm bảo

 

Cần phải nhìn nhận một cách công bằng và nghiêm khắc, rằng khâu xây dựng danh mục, phê duyệt mẫu, duyệt giá còn chậm. Cụ thể là năm học 2004-2005, đến tận 5.8, bộ mới có quyết định phê duyệt giá, trong khi đó đến 5.9 đã khai giảng năm học mới. Như vậy, quỹ thời gian để các nhà sản xuất mua sắm nguyên liệu, triển khai làm thiết bị chỉ có 1 tháng, rất cập rập. Điều này không thể tránh khỏi hiện tượng làm nhanh, làm ẩu cho kịp thời hạn hợp đồng, khiến chất lượng một số TBGD không đảm bảo.

 

Về phương thức mua sắm TBGD của các địa phương vẫn chưa được thống nhất và có sự chỉ đạo phù hợp. Điều này dẫn đến hiện tượng có những tỉnh dùng biện pháp chỉ định thầu, có tỉnh lại tổ chức đấu thầu... hình thức mua sắm thiết bị khác nhau, rất dễ nảy sinh tiêu cực. Về chất lượng, thời gian qua đã có nhiều tiến bộ, tuy nhiên một số thiết bị chất lượng chưa đảm bảo. Ví dụ như một số dụng cụ thí nghiệm vật lý có độ bền không cao, cho kết quả chưa chính xác...

 

GS Nguyễn Đức Thâm - tác giả viết SGK: Người viết sách giáo khoa nên vào cuộc

 

Một nguyên nhân khác khiến thiết bị chưa được như yêu cầu, là do sự phối hợp giữa nhà sản xuất và tác giả viết sách chưa tốt. Chỉ có tác giả mới biết rõ nhất, bài học này cần những thiết bị gì và thiết bị đó cần được thiết kế, sản xuất như thế nào. Đối với mỗi thiết bị trước khi đưa vào sản xuất đại trà, cần có sự đóng góp, điều chỉnh của tác giả viết sách. Ngoài ra, khi thẩm định thiết bị, cần có sự tham gia của tác giả.

 

Hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã bắt đầu thực hiện điều này nên đã giảm bớt một số sai sót không đáng có. Theo tôi, đánh giá về chất lượng TBGD cần có sự tham gia đóng góp ý kiến của chính giáo viên đứng lớp, vì chỉ giáo viên đứng lớp mới nắm rõ từng ưu điểm và nhược điểm của các loại TBGD qua quá trình thực hành. Một điều quan trọng nữa là khi đã có thiết bị, cần bồi dưỡng trực tiếp đến từng giáo viên, có như vậy TBGD mới khai thác hết được giá trị của thiết bị, tránh tình trạng thiết bị mua về lại phải "đắp chiếu" do giáo viên không biết sử dụng.

 

Theo Lao động