Bạn đọc viết:

Thi vào lớp 10 - nấc thang đầu đời

(Dân trí) - Lâu nay, dư luận cũng như bản thân học sinh và gia đình luôn đặt sự quan tâm đặc biệt khi các em bước vào năm lớp 12 với nhiều kỳ thi khác nhau - cũng phải thôi bởi đây là bước ngoặt lớn của một đời người. Nhưng có một kỳ thi khác cũng vô cùng quan trọng, nó sẽ đặt tiền đề, làm bệ phóng cho tương lai của mỗi con người, đó là kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10.

Là giáo viên đã nhiều năm dạy lớp 9 và ôn thi tuyển sinh 10, tôi vẫn thường theo dõi các thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng, kể cả các tờ báo lớn và địa phương nhưng thấy rất ít những định hướng dư luận cho các em học sinh lớp 9. Rồi mỗi lần nhà trường tổ chức mời họp phụ huynh để ôn thi tuyển sinh thì thấy các bậc cha mẹ vẫn còn gia đình thờ ơ trước một “nấc thang đầu đời” của con em mình. Chỉ một bộ phận cha mẹ đặc biệt quan tâm đến bến đỗ của con mình khi bước vào cấp THPT, còn lại họ vẫn quan niệm trường nào cũng được, miễn là đậu vào cấp 3.

Nhằm hướng tới cả xã hội cùng học tập nên hiện nay trong cùng một huyện, thị sẽ có nhiều trường cấp 3 cùng hoạt động nhưng bề dày truyền thống và thương hiệu mỗi trường vẫn khác nhau. Ngay trong cùng một hệ thống trường công lập thì chất lượng cũng khác nhau. Chính vì thế mà việc lựa chọn những trường có chất lượng cao luôn là những lựa chọn thông minh và cần thiết cho các em học sinh lớp 9 và các bậc phụ huynh khi hướng tới tương lai sau này.

Nếu các em chú ý và học tập tốt, cộng thêm yếu tố kinh tế gia đình thì rõ ràng các em vào các trường có “thương hiệu” là đảm bảo một tương lai rộng mở với các em sau này. Cổng trường đại học không phải là quá tầm với. Nói như vậy không có nghĩa là các em có hoàn cảnh khó khăn là không được vào trường lớn bởi hiện nay chúng ta có rất nhiều chính sách hỗ trợ cho con em có hoàn cảnh khó khăn, có rất nhiều loại học bổng cho các em nếu thành tích học tập của các em tốt.

Hiện nay, chúng ta có nhiều loại hình đào tạo ở cấp THPT. Chính vì có nhiều hình thức đào tạo như vậy nên mỗi loại trường đều có những thương hiệu và chi phí khác nhau. Nếu các em có học lực tốt thì vào các trường công lập, học phí sẽ thấp hơn, các chế độ ưu đãi cũng nhiều hơn, quyền lợi nhiều hơn. Và, đặc biệt trong những ngôi trường uy tín thì các em sẽ gặp nhiều bạn học giỏi, ngoan hiền, cùng một chí hướng thì sẽ là nơi để các em thi đua học hỏi để tiến bộ. Các em vào các trường có loại hình đào tạo khác thì chi phí sẽ lớn hơn và tất nhiên các thành phần học sinh cũng khác nhau…

Trong quá trình giảng dạy trên lớp, bên cạnh những em học sinh có ý chí tiến thủ để vào các trường lớn thì vẫn còn rất nhiều học sinh an phận, phó mặc tương lai. Bởi các em quan niệm không vào trường này thì vào trường khác. Bởi các em qua, các trường A, B kia vẫn “vét sạch” học sinh đó sao? Chính từ những suy nghĩ non nớt như vậy nên các em vẫn học cầm chừng để hướng vào các trường tốp dưới. Nhưng, nếu nhà trường, các bậc phụ huynh cung cấp cho các em tỉ lệ đậu đại học được thống kê hàng năm thì rõ ràng sẽ định hướng cho các em rất nhiều trong tương lai.

Từ lớp 1 đến lớp 9 các em chưa phải trải qua cuộc thi cạnh tranh nào, các em cứ đủ điểm là lên lớp. Vì thế nên các em chưa ý thức nhiều được sự cạnh tranh khi bước vào lớp 10 khi các bạn của mình sẽ là đối thủ cạnh tranh trực tiếp. Số lượng tuyển sinh của từng trường đã được các Sở GD-ĐT phê duyệt nên tính cạnh tranh lại càng cao. Chính vì vậy, đây được xem là nấc thang đầu đời của các em. Thành công của học tập chỉ dành cho những em chịu khó, có ý thức học tập và được sự kèm cặp, giáo dục nghiêm khắc và cả những định hướng của gia đình và nhà trường thì các em sẽ ý thức được tương lai của mình sau này.

Nguyễn Văn Khánh

Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn . Xin trân trọng cảm ơn!

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm