GS.TSKH Nguyễn Ngọc Trân:
Thị trường giáo dục đại học còn mập mờ
(Dân trí) - “Đối chiếu với thực tế nước ta, có rất nhiều điều không chuẩn, nếu không nói là bất bình thường, đang tồn tại trong giáo dục đại học hiện nay, nhất là ngoài công lập. Chúng làm biến dạng thị trường giáo dục ĐH, làm cho các thị trường bị cuốn hút theo lợi nhuận...”.
GS.TSKH Nguyễn Ngọc Trân, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại Quốc hội đã thẳng thắn chia sẻ như vậy tại Hội nghị lấy ý kiến cho kết quả báo cáo việc thực hiện chính sách, pháp luật về thành lập trường, đầu tư và đảm bảo chất lượng đào tạo đối với giáo dục ĐH do Ủy ban Thường vụ Quốc Hội tổ chức ngày 2/4 tại Hà Nội.
“Hổng” văn bản quy phạm pháp quy, phát sinh tiêu cực
Theo GS. Nguyễn Ngọc Trân, báo cáo tổng kết ba năm thi hành Luật Giáo dục (2006 - 2008) đã đánh giá. Tuy nhiên, xét trong cả 3 năm này công tác soạn thảo, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đặc biệt là ban hành văn bản theo kế hoạch chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra.
Với các văn bản pháp quy về giáo dục đại học còn chậm, thiếu và yếu... chính những điều này làm giảm uy tín của Bộ GD-ĐT và làm chậm quá trình đưa quy định của Luật Giáo dục vào cuộc sống. Tình trạng này là mảnh đất màu mỡ cho phát sinh tiêu cực, cho một số cán bộ biến quyền lực nhà nước thành quyền lợi cá nhân, tha hóa ngành giáo dục.
Ví dụ: Việc chuyển đổi các đại học dân lập sang tư thục; có quá nhiều chỉ tiêu và tiêu chí mà các văn bản của Bộ yêu cầu các trường khai báo để thực hiện “ba công khai”, để làm “thước đo chất lượng” đào tạo đại học, để chuẩn hóa đội ngũ lãnh đạo các trường đại học, để giao chỉ tiêu tuyển sinh hàng năm... chuẩn đầu ra được khá nhiều trường ngoài công lập khai báo mang tính đối phó, không ít nơi sao chép lẫn nhau và sao chép từ các trường nước ngoài qua mạng.
Chỉ tiêu tuyển sinh hàng năm là cả một công việc bề bộn cho Bộ và cho các trường nhưng rồi tình trạng vượt chỉ tiêu vẫn không giảm, số ngành đào tạo mới với tên gọi rất “ăn khách” đua nhau ra đời, mặc cho thực tế giảng viên dạy theo kiểu chạy “sô”, giảng viên trình độ đại học dạy đại học, “thuê mượn” tên người có học vị tiến sĩ, ngày càng gay gắt tỉ lệ thuận với số trường đại học ngoài công lập được phép thành lập. Bởi một lẽ đơn giản: chỉ tiêu nhân với học phí là nguồn thu của các trường.
Hơn thế nữa, trong điều hành, nhiều trường không tuân thủ các tiêu chí và chỉ tiêu cuối cùng cũng được “thông cảm” hoặc cùng lắm là bị xử phạt hành chính, điển hình là Trường ĐH Phan Thiết.
GS. Trân cho biết: “Học phí là một bài toán không dễ, rất nhạy cảm, cần được nhìn từ nhiều phía, nhất là nước ta là một nước nghèo và đang có sự phân hóa giàu nghèo khá rõ. Giám sát ở một số trường khẳng định rằng có môi trường và điều kiện giảng dạy và học tập tốt hơn thì chất lượng đào tạo ở đó tốt hơn, đồng thời cho thấy có tình trạng một phần không nhỏ học phí đi vào thu nhập khá cao của lãnh đạo và bộ phận quản lý ở một số không ít nhà trường.
Học phí không thể quy định cào bằng và quá thấp, nhưng cũng không thể định tùy tiện. cho dù sinh viên là người chấp nhận hay không, nhưng vấn đề mấu chốt là Bộ quy định những gì, thanh tra ra sao để học phí, mà phần lớn sinh viên và gia đình phải chắt chiu mới đóng được, không bị lạm dụng và trường quyết định những khoản thu nào, công khai việc sử dụng và kết quả đạt được.
Mập mờ thị trường giáo dục đại học
Ông Nguyễn Ngọc Trân cho rằng: “Sản phẩm của giáo dục đại học là tri thức và kỹ năng thực hành được cụ thể hóa bằng các loại văn bằng, chứng chỉ, tín chỉ... mà bên cầu là sinh viên và bên cung là các trường đại học. Các trường đại học cung cấp kiến thức cho sinh viên thông qua giảng viên. Không phải không có lý do mà trên thế giới, cho tới nay giáo sư, phó giáo sư phải có trình độ tiến sĩ. Khi chưa có trình độ này chỉ làm trợ lý giảng dạy, phụ trách thực tập, nhiều lắm mới chỉ được giảng một số bài do giáo sư phụ trách giao. Hoàn toàn không có chuyện “lấy đại học dạy đại học”.
Đối chiếu với thực tế nước ta, có rất nhiều điều không chuẩn, nếu không nói là bất bình thường, đang tồn tại trong giáo dục đại học hiện nay, nhất là ngoài công lập. Chúng làm biến dạng thị trường giáo dục đại học, làm cho các thị trường bị cuốn hút theo lợi nhuận, lợi dụng cao nhất lúc “tranh tối tranh sáng” trong quản lý nhà nước để thu lợi tối đa trong khoảng thời gian này, hơn là truyền thụ kiến thức đúng nghĩa.
Cụm từ Xã hội hóa trong giáo dục hiện nay chưa được làm rõ vì khách quan có cầu và có cung, thị trường cho hoạt động giáo dục đại học đã và đang phát triển ở nước ta. Quản lý nhà nước chậm trễ trực diện với thực tế này là tự gây cho mình những khó khăn lúng túng và ngăn trở sự phát triển lành mạnh của thị trường”.
Theo ông Trân: “Kêu gọi các thành phần kinh tế, các cá nhân đầu tư vào giáo dục, dành những ưu đãi về thuế, về đất đai nhưng “cấm lợi dụng các hoạt động giáo dục vì mục đích lợi nhuận” bằng rất nhiều điều kiện “phải xin” và “được cho”, là chưa đủ, thoạt nhìn vào tưởng là chặt chẽ và kín kẽ, nhưng thực ra đầy mâu thuẫn và khe hở.
Chỉ có được lợi nhuận, thậm chí lợi nhuận cao, khi nhà đầu tư bằng cách này hay cách khác có được giấy phép thành lập trường đại học và sau đó hoạt động của các trường là chạy giấy phép chiêu sinh, xin chỉ tiêu tuyển sinh càng cao, càng tốt, tổ chức việc giảng dạy theo kiểu dạy chay, thầy thuê, trường mướn, hợp tác, liên kết đào tạo đủ ngành mà mình có thể xoay xở và xin được phép.
Thực tế này nảy sinh từ một sự mập mờ về thị trường giáo dục đại học chưa được thừa nhận, từ sự quản lý nhà nước bất cập sử dụng rất nhiều điều kiện hành chính “phải xin” và “được cho” để đối phó với một vấn đề kinh tế, mở ngõ cho tiêu cực chui vào hoạt động giáo dục đại học.