Thi trên máy tính: Những việc cần làm

Phương án đổi mới kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia hướng tới việc thí sinh làm bài thi trên máy tính đang được dư luận quan tâm. Tuy nhiên, để hiện thực hóa điều này còn nhiều việc cần phải làm, trong đó vấn đề chuẩn hóa ngân hàng đề thi phải được đầu tư xây dựng sớm. Riêng với câu hỏi thi trên máy tính có giảm được gian lận hay không, đến nay vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau.

Thi trên máy tính: Những việc cần làm - 1

Làm bài kiểm tra trên máy tính là xu hướng tất yếu, tuy nhiên cần tính đến đặc thù của các địa phương.

Phương án đổi mới kỳ thi THPT quốc gia hướng tới việc thí sinh làm bài thi trên máy tính có giảm thiểu được gian lận hay không vẫn đang là vấn đề nhận được nhiều quan tâm của xã hội.

Cần chuẩn hóa ngân hàng đề thi

Mặc dù phương án thi, làm bài kiểm tra trên máy tính là xu hướng tất yếu đã được nhiều nền giáo dục tiên tiến trên thế giới áp dụng song ở Việt Nam, việc này vẫn còn khá mới mẻ. Hiện mới có một số trường đại học (ĐH) tiên phong trong việc sử dụng công nghệ cao vào việc kiểm tra, đánh giá sinh viên. Trường ĐH Y Hà Nội từ năm đã tổ chức thi học kỳ trên máy tính bảng. 

Tuy nhiên, để chuẩn bị cho việc này, từ năm 2010, nhà trường đã chuyển đổi các bài thi sang hướng thi trắc nghiệm trên giấy, đến năm 2013, trường cho sinh viên thi trắc nghiệm trên 200 máy tính. Đến năm 2018, nhà trường trang bị 780 máy tính bảng phục vụ thí sinh dự thi.

Như vậy, thí sinh đi thi không cần mang theo bất kỳ giấy bút, chứng minh thư mà chỉ cần chạm vân tay lên màn hình máy tính sẽ hiện lên thông tin cá nhân, vị trí ngồi và môn thi. Về độ tin cậy của hình thức thi này, nhà trường trang bị 100 camera giám sát với độ bảo mật cao.

Nhà trường cũng cho biết thêm, một vấn đề quan trọng không kém việc giám sát kỳ thi là việc chuẩn bị cho thi trắc nghiệm, nhà trường phải xây dựng ngân hàng câu hỏi với 70.000 câu trắc nghiệm. Từ nguồn này, các bài thi sẽ được xây dựng đảm bảo không trùng nhau và chất lượng tương đương giữa các mã đề đảm bảo cho việc thi của sinh viên đảm bảo khách quan, công bằng và đánh giá chính xác học lực của sinh viên.

Từ kinh nghiệm này, nhiều chuyên gia cho rằng vấn đề chuẩn hóa ngân hàng đề thi cần được đầu tư xây dựng từ sớm vì việc tổ chức thi nhiều lần đòi hỏi phải có các đề thi tương ứng với độ khó tương đương nhau nhằm đánh giá chính xác thí sinh. Kinh nghiệm từ các đề thi các năm cho thấy có sự chênh lệch rất rõ. Đơn cử như năm 2017, đề thi dễ, mức điểm của thí sinh rất cao nên Trường ĐH Y Hà Nội lấy điểm chuẩn ngành Bác sĩ đa khoa là 29,25. Thế nhưng, sang năm 2018, vẫn là thi THPT quốc gia, kết quả điểm thi lại thấp nên điểm trúng tuyển ngành Bác sĩ đa khoa của trường này giảm xuống còn 24,7.

Công tác chuẩn hóa đề thi cần được đặt lên hàng đầu để kết quả phản ánh đúng được năng lực của thí sinh, tránh tạo ra sự thiệt thòi cho những thí sinh không có điều kiện dự thi nhiều lần, đặc biệt là các thí sinh vùng sâu vùng xa còn nhiều khó khăn.

Thi trên máy tính: Những việc cần làm - 2

Vẫn không chắc chắn giảm gian lận

Đối với câu hỏi thi trên máy tính có giảm được gian lận hay không, đến nay vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau. Bởi theo các chuyên gia, công nghệ cũng là do con người thiết lập và vận hành. Khi tổ chức thi trên máy tính, có ứng dụng công nghệ thì yếu tố con người được giảm bớt và hy vọng góp phần hạn chế gian lận, tiêu cực trong thi cử.

Tuy nhiên, trên thực tế việc sử dụng công nghệ vào bài thi của kỳ thi THPT quốc gia nếu được tổ chức ở tại địa phương vẫn không thể chắc chắn giảm thiểu được gian lận như cách Trường ĐH Y Hà Nội đang triển khai. Bởi yếu tố “nhất thân nhì quen”, bởi lo lắng cho con em của chính mình hay bệnh thành tích trong giáo dục lâu nay vẫn tồn tại…

Về vấn đề này, nguyên Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ GD-ĐT) Quách Tuấn Ngọc cho rằng, trên thực tế chưa có sự trải nghiệm, cũng chưa thí điểm kỳ thi tại bất kỳ địa phương nào nên chưa thể khẳng định thi trên máy tính có giảm được tiêu cực hay không. “Bộ GD-ĐT phải lường trước được việc gian lận khi trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 là do một số cán bộ câu kết với nhau.Hơn nữa, 1 đợt thi cần hàng trăm nghìn máy tính nhưng chỉ dùng mấy tiếng đồng hồ thì rất lãng phí. Vì vậy, Bộ GD-ĐT phải lấy ý kiến góp ý của người dân, sau đó có đề án trình Chính phủ phê duyệt” - ông Ngọc nói.

Ông Ngọc cũng lưu ý khi áp dụng thi trên máy tính, việc nối mạng cũng là vấn đề cần quan tâm đối với những trường ở vùng sâu, vùng xa. Mặc dù trong giai đoạn đầu Bộ GD-ĐT dự định áp dụng thí điểm tại những tỉnh thành phố có điều kiện trước sau đó mới triển khai trên diện rộng nhưng về lâu dài, chắc chắn cần tính đến điều này,

Sắp tới, Luật Giáo dục sửa đổi có hiệu lực, nhiều ý kiến đề xuất Bộ GD-ĐT nên tạo hành lang pháp lý và cơ chế tài chính thông thoáng, hấp dẫn để thành lập trung tâm khảo thí độc lập với sự tham gia của các tổ chức bên ngoài. Những trung tâm khảo thí này độc lập với Bộ, hoàn toàn có thể xây dựng được ngân hàng đề thi tốt trong một thời gian ngắn khi có sự đầu tư nguồn lực lớn.

Tất nhiên, Bộ GD-ĐT vẫn cần thanh tra, kiểm tra, giám sát… nhưng để giữ uy tín đối với xã hội, các trung tâm khảo thí độc lập sẽ cạnh tranh với nhau về chất lượng nên tin tưởng sẽ có kết quả thi đáng tin cậy, phản ánh đúng năng lực của thí sinh sẽ được các trường ĐH tín nhiệm sử dụng.

Trước mắt, trong giai đoạn đầu thí điểm thi trên máy tính vẫn còn hình thức thi song song là viết bài trên giấy như lâu nay chúng ta đang triển khai. Tuy nhiên, cần tính đến những thí sinh có nguyện vọng, nhu cầu có thể thoải mái đăng ký tham dự. Như vậy, không chỉ những thí sinh ở thành phố lớn mà những tỉnh thành vùng ven có nguyện vọng vẫn có thể được tham dự. Tuy nhiên, cần tính toán thận trọng, nếu không học sinh ở các tỉnh lại đổ dồn về thi trên máy tính để tự tạo thêm cơ hội cho mình thì sẽ làm áp lực của kỳ thi THPT quốc gia lại tăng lên…

Theo Thu Hương

Đại Đoàn Kết

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm