Thi trắc nghiệm sẽ không lọt sổ người tài

Theo ông Nguyễn An Ninh, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định Giáo dục, Bộ GD-ĐT, hình thức thi trắc nghiệm rất có ưu điểm trong các kỳ thi đại trà. Với hình thức thi này, người tài, người giỏi sẽ không bị lọt sổ.

Ngày 27/1, tại tỉnh Thừa Thiên - Huế và thành phố Đà Nẵng, Tiến sĩ Nguyễn An Ninh, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định Giáo dục Bộ GD-ĐT làm Trưởng đoàn tổ chức cuộc thi khảo sát trắc nghiệm thí điểm cho học sinh THPT ở 3 môn Lý - Hóa - Sinh.

Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn An Ninh về vấn đề này.

Xin Cục trưởng cho biết mục đích của đợt thi khảo sát lần này là gì?

Trong các kỳ thi những năm qua, hình thức thi tự luận bộc lộ một số bất cập như dễ lộ đề, dễ sử dụng tài liệu, dễ quay cóp... gây nên mất công bằng trong giáo dục, cũng như gây nên những tiêu cực trong thi cử.

Đồng thời, thi tự luận tốn nhiều thời gian, mỗi môn thi mất 3 giờ đồng hồ. Đó là chưa nói đến những khó khăn và mất ổn định trong khâu chấm thi. Một thầy cô chấm quá nhiều bài thi sẽ dẫn đến kết quả bài thi chênh lệch nhau.

Ngoài ra, với kiểu chấm thi tự luận sẽ rất dễ xảy ra tiêu cực trong chấm thi như chạy điểm, nâng điểm… Chính vì thế, sắp đến Bộ GD-ĐT sẽ áp dụng hình thức thi trắc nghiệm.

Để có cơ sở áp dụng hình thức thi trắc nghiệm vào kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH - CĐ sắp đến, chúng tôi tiến hành cuộc khảo sát này.

Lần này, bộ sẽ khảo sát 3 môn Lý, Hóa, Sinh, mỗi môn có 40 câu hỏi trắc nghiệm. Và đến nay đã khảo sát được hai tỉnh thành đó là tỉnh Thừa Thiên -Huế và thành phố Đà Nẵng. Mỗi địa phương có 6 phòng thi.

Vậy hình thức thi trắc nghiệm sẽ có ưu và khuyết điểm như thế nào so với thi tự luận truyền thống?

Đối với thi trắc nghiệm, số lượng đề thi lớn nên tránh được tình trạng “dạy tủ - học tủ” và khó quay cóp trong khi làm bài.

Đối với việc chấm thi, do máy chấm nên sẽ rất ổn định trong chấm thi cũng như tránh được tình trạng tiêu cực trong chấm thi. Chính vì thế, cả người dạy và người học điều không có chuyện dạy - học đối phó.

Trắc nghiệm không phải là một phương pháp thi hoàn hảo, nó cũng có mặt ưu và khuyết của nó. Khuyết điểm của hình thức thi này là ở xây dựng ngân hàng câu hỏi và khả năng viết câu hỏi trắc nghiệm cho phù hợp đối tượng.

Tuy nhiên, đối với kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH - CĐ, hình thức thi trắc nghiệm hoàn toàn phù hợp. Những người giỏi thì đương nhiêm làm trắc nghiệm tốt. Đối với những em trông chờ vào tài liệu, quay cóp thì không thể làm được bài.

Hình thức thi trắc nghiệm rất có ưu điểm trong các kỳ thi đại trà - những kỳ thi chống việc gian lận. Với hình thức thi này thì người tài, người giỏi sẽ không bị lọt sổ.

Tại sao Bộ GD-ĐT lại chọn tỉnh Thừa Thiên - Huế và thành phố Đà Nẵng để khảo sát trong đợt này. Việc chọn trường để khảo sát dựa trên những tiêu chí nào?

Chúng tôi chọn hai tỉnh thành trên để khảo sát vì hai tỉnh thành này lâu nay phối hợp rất chặt chẽ với cục trong việc thực hiện ngân hàng đề thi cũng như áp dụng thử nghiệm hình thức thi trắc nghiệm trong các kỳ thi học kỳ.

Theo đó, trong đợt này, bộ chọn một trường trong nội thành và một trường ở ngoại ô với hai mức độ khác nhau để kết quả đánh giá khách quan và chính xác hơn.

Hiện nay, dưới sự phối hợp với các Sở GD-ĐT, bộ đã xây dựng hoàn thành một ngân hàng đề thi khá phong phú và sẵn sàng đưa vào áp dụng trong năm tới.

Vậy việc áp dụng thi trắc nghiệm ở trường phổ thông sẽ có những lộ trình cụ thể như thế nào?

Công cuộc đổi mới trong thi cử mà Bộ GD-ĐT phát động vừa qua là có hai hướng. Một là đổi mới đề thi, hai là đổi mới cách thức tổ chức thi.

Theo đó, năm 2006 bộ đã áp dụng thi trắc nghiệm môn Ngoại ngữ, năm 2007 thi môn Lý - Hóa - Sinh và năm 2008 sẽ áp dụng thi trắc nghiệm đối với môn Ngữ văn.

Tuy nhiên, đối với môn Ngữ văn, hình thức trắc nghiệm có điểm đặc biệt hơn, trong đó có một phần trắc nghiệm và một phần tự luận theo tỷ lệ 30 - 70 hoặc 50 - 50.

Qua thí điểm thi trắc nghiệm môn Ngoại ngữ năm vừa qua, bộ có rút ra bài học nào bổ khuyết cho những năm tới?

Thật ra nói về nhược điểm thì không có gì lớn nhờ có sự chuẩn bị rất kỹ. Nhưng cái rút ra được là: Thứ nhất, thầy và trò phải dạy thật, học thật mới có thể làm bài tốt. Và các hình thức đối phó như phao thi, quay cóp... trong thi cử thật sự đã “lỗi thời”.

Thứ hai là kỹ năng, kỹ thuật trong làm bài không có gì quá khó đối với học sinh kể cả học sinh thành thị hay nông thôn. Học sinh ở mọi nơi đều tiếp cận tốt, miễn sao học sinh có kiến thức.

Theo ông thì việc thi trắc nghiệm có ảnh hưởng như thế nào đến việc dạy và học trong thời gian tới?

Nhiều người cho rằng, thi trắc nghiệm thì phải dạy theo trắc nghiệm hay ngược lại. Theo tôi thì không phải như thế. Chương trình của bộ quy định như thế nào thì đòi hỏi thầy và trò đều phải dạy và học hết. Đối với thi trắc nghiệm không có chuyện đâu là kiến thức trọng tâm và đâu là không trọng tâm, tất cả đều quan trọng.

Thi trắc nghiệm là một yêu cầu tự thân của quá trình giáo dục hay là một giải pháp để chống bệnh thành tích và tiêu cực trong giáo dục?

Trên thế giới việc kết hợp các phương thức trong kiểm tra đánh giá là rất bình thường. Tùy theo từng mục đích kiểm tra đánh giá mà áp dụng từng phương thức thi tự luận, vấn đáp, trắc nghiệm sao cho phù hợp.

Nếu những kỳ thi nào có quá đông thí sinh, giáo viên không đủ chấm điểm thì nên chọn hình thức thi trắc nghiệm là phù hợp nhất.

Hiện nay thi trắc nghiệm được áp dụng ở kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH-CĐ, vậy đến khi nào hình thức này được áp dụng vào các kỳ thi học kỳ?

Thực ra ở thành phố Đà Nẵng và một số địa phương khác đã áp dụng hình thức này từ mấy năm nay trong các kỳ thi học kỳ. Vì thế, việc áp dụng hình thức này vào các kỳ thi học kỳ sẽ được áp dụng rộng rãi trong nay mai.

Xin cảm ơn Cục trưởng!

Theo Nguyên Khôi
Sài Gòn Giải Phóng