“Thi trắc nghiệm môn Toán, phải viết lại SGK!”

(Dân trí) - Đó là ý kiến của GS Văn Như Cương trước thông tin Bộ GD-ĐT vừa đưa ra là trong kỳ thi tuyển sinh ÐH, CÐ năm 2008, môn Toán sẽ được thi theo hình thức trắc nghiệm; đồng thời Bộ cũng sẽ nghiên cứu để năm 2009, ra đề trắc nghiệm cho các môn còn lại.

Dân trí đã có cuộc trao đổi với GS Cương về vấn đề này.

 

Tại sao ông lại phản đối thi trắc nghiệm môn Toán?

 

Tôi phản đối thi trắc nghiệm tất cả các môn vì nếu như thế học sinh của chúng ta sẽ không viết nổi 1 câu văn, không biết chứng minh một phép toán. Riêng đối với môn Toán cần phải có sự tư duy lôgic, điểm cao thường ở những bài giải xuất sắc, cách giải hay, tư duy khác thường còn thi trắc nghiệm thì lấy đâu ra bài giải hay, giáo viên không thể kiểm tra được tư duy lôgic của học sinh.

 

Ngày trước khi trả một bài toán tự luận cho học sinh, chúng tôi phải phân tích từng ý sai trong bài để học sinh hiểu, còn bây giờ thi trắc nghiệm học sinh không biết sai ở chỗ nào. Với Toán học thì cách giải mới là quan trọng. Cách giải đúng nhưng đáp án sai, giáo viên vẫn có thể cho điểm. Còn đáp án đúng mà lời giải sai thì giáo viên sẽ không cho điểm.

 

Thi trắc nghiệm vừa qua điểm thi rất cao đó chứ, thưa ông?

 

Hôm qua, có một cô giáo trường Ngô Thì Nhậm nói với tôi, trường cô ấy có 1 học sinh rất yếu về môn tự nhiên nhưng khi thi trắc nghiệm môn Hóa được 9 còn Toán 1 điểm. Do đó, thi trắc nghiệm không thể phản ánh được thực chất của học sinh. Hơn nữa, thi trắc nghiệm vẫn có gian lận, có tiêu cực… với thi tự luận thì ném bài vào đã khó, quay cóp thì cũng phải chép. Bên cạnh đó, một bài thi trắc nghiệm, nếu học sinh nào toàn tô ý A thì chí ít cũng có từ 2 - 3 điểm.

 

Được biết, hiện nay ông là hiệu trưởng của một trường dân lập Hà Nội và vẫn tham gia giảng dạy. Vậy ông dạy cho các em theo phương pháp tự luận hay trắc nghiệm?

 

Tất nhiên là trường chúng tôi chỉ dạy tự luận cho học sinh. Vì chúng tôi dạy theo chương trình sách giáo khoa.

 

Ông cũng là một trong những GS đã nhiều năm biên soạn sách giáo khoa, ông có ý kiến gì về sự tương thích giữa sách giáo khoa hiện tại với hình thức thi trắc nghiệm?

 

Chúng tôi viết cuốn sách Toán đang dùng hiện nay các đây 3 năm và bây giờ chuyển thành sách chính thức. Hồi ấy khi chúng tôi viết sách, không ai bảo chúng tôi là thi trắc nghiệm. Cho nên toàn bộ cuốn sách của chúng tôi là viết theo cách dạy và thi tự luận chứ không có trắc nghiệm. Nếu bây giờ tổ chức thi như thế này, sẽ phải làm lại bộ sách giáo khoa nếu không thì nguy to.

 

Có nhất thiết phải viết lại toàn bộ sách giáo khoa không, thưa GS?

 

Tất cả các sách giáo khoa hiện nay đều viết theo cách dạy và thi tự luận. Thậm chí đến sách Anh văn trở đi cũng không có câu hỏi trắc nghiệm chứ chưa nói đến Toán. Theo tôi, không viết lại được sách giáo khoa thì ít nhất cũng phải viết lại phần bài tập.

 

Bộ GD-ĐT đã quyết định năm 2008 thi trắc nghiệm môn Toán và sẽ không có sự thay đổi?

 

Phải thay đổi. Nếu không thay đổi thì đó là sai lầm của Bộ trưởng. Sai lầm này hậu quả sẽ rất lớn.

 

Nhưng Bộ đã lấy ý kiến của các nhà giáo và nhân dân?

 

Chưa bao giờ lấy cả. Hội đồng giáo dục quốc gia 1 năm nay không họp. Trong khi đó, theo quy chế thì 3 tháng họp 1 lần. Và vấn đề này chưa được đưa ra thảo luận tại Hội đồng. Các thành viên trong hội đồng cũng có bức xúc hỏi nhưng chưa có câu trả lời.

 

Được biết, ông là một thành viên trong Hội đồng Giáo dục quốc gia mà những thay đổi lớn như thế này trong ngành giáo dục, ông lại không có ý kiến ngay từ đầu?

 

Tại sao Bộ GD-ĐT quyết định thi trắc nghiệm các môn mà không thông qua Hội đồng Giáo dục quốc gia? Thủ tướng đã nói thay đổi gì trong giáo dục phải hỏi ý kiến của thầy giáo, phụ huynh, trong khi đó Bộ thay đổi mà không hỏi ý kiến, tự quyết định thi trắc nghiệm và nhập 2 kỳ thi tốt nghiệp và đại học vào một.

 

Tôi đang chờ đợi văn bản chính thức của Bộ. Nếu vấn đề này trở thành văn bản chính thức thì nguy to cho ngành giáo dục vì thi tốt nghiệp nó cũng như trong thể dục, vượt qua 1m là mức tối thiểu, còn kỳ thi ĐH là 1m7 học sinh phải qua mức này thì mới đỗ được. Một kỳ thi là cho qua còn 1 kỳ thi là tuyển chọn nhân tài. Nhập 2 vào 1 là không nên.

 

Do đó, tôi kiến nghị với Bộ GD-ĐT và Chính phủ nên suy xét lại thi trắc nghiệm và nhập 2 kỳ thi vào 1. Nếu trong năm nay và năm sau tiến hành 2 việc này thì nền giáo dục sẽ càng xuống cấp trầm trọng sẽ đẩy sự học và sự dạy của chúng ta càng thụt lùi, kém càng kém hơn. Mong các nhà lãnh đạo suy xét.

 

Xin cảm ơn ông!

 

Hồng Hạnh

(Thực hiện)