Thi tốt nghiệp THPT tại TPHCM: "Còn phương án an toàn, sao phải mạo hiểm?"
(Dân trí) - Về đề nghị tổ chức thi Tốt nghiệp THPT vào ngày 7/7 và 8/7 của Sở GD&ĐT TPHCM, nhiều giáo viên và phụ huynh bày tỏ lo ngại: "Mình còn nhiều phương án an toàn hơn, tại sao phải mạo hiểm?".
Ngày 28/6, Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) TPHCM đã triển khai việc lấy ý kiến của phụ huynh học sinh khối 12 để làm cơ sở xem xét khi quyết định tổ chức thi tốt nghiệp THPT năm 2021 vào hai ngày (7 - 8/7).
Hiện UBND TPHCM vẫn chưa chốt lịch sẽ tổ chức kỳ thi này trong ngày nào. Tuy nhiên, giáo viên và phụ huynh ở nhiều trường đang lo ngại an toàn cho các em học sinh khi phải thi tập trung trong thời điểm dịch Covid-19 vẫn đang còn diễn biến phức tạp tại TPHCM.
Ông Trần Văn Đúng, giáo viên tổ Văn trường THPT Lương Thế Vinh (Quận 1, TPHCM) chia sẻ: "Tôi nghĩ người quyết định thi hay không thi cũng có nỗi khổ riêng, cụ thể ở đây là UBND TPHCM và Sở GD&ĐT TPHCM".
"Riêng tôi, với góc đứng của một người đang dạy học sinh lớp 12 và có khả năng tham gia vào kì thi này, tôi thấy nếu dịch căng thẳng thì nên chuyển sang thi đợt 2. Nếu đợt 2 còn căng thì mình vẫn có thể đợi thêm một ít thời gian nữa, hoặc áp dụng hình xét tuyển học bạ".
Thầy Đúng nhấn mạnh: "An toàn là trên hết, bây giờ mà thi thì bất an lắm, không biết được ai đã bị nhiễm rồi. Còn học sinh ngoại tỉnh đang học ở TPHCM sẽ thiệt thòi hơn thấy rõ. Năm ngoái có tỉnh thi đợt 2 vẫn rất an toàn và làm được".
Theo thầy Đúng, nếu 2/3 ý kiến phụ huynh không đồng ý thi vào đợt 1 thì không nên tổ chức thi. Vì lỡ có sơ suất gì thì trách nhiệm không phải của riêng ai mà là của cả ngành giáo dục, gây hậu quả nặng nề cho các em học sinh, phụ huynh và cả xã hội.
Thầy Đúng cho rằng: "Cả thầy cô, cha mẹ học sinh và một số lớn học sinh bất an thì tại sao mình phải thi? Tôi nghĩ còn phương án an toàn hơn sao mình lại mạo hiểm? Thời gian thi mình còn chủ động được, "chống dịch như chống giặc" thì không thể suy nghĩ như lúc bình thường, cứ "đúng hẹn lại lên".
Hiện thầy Đúng đang dạy lớp 12, khi lịch thi kéo dài thì thầy vẫn phải đứng lớp dạy online trong dịp hè này để ôn tập, đảm bảo kiến thức cho các em có thể tham gia kỳ thi tốt nghiệp bất cứ lúc nào. Nếu kỳ thi bị dời thời gian càng lâu, thầy Đúng phải đứng lớp càng nhiều trong những ngày hè, trong khi nhiều đồng nghiệp khác đã được nghỉ ngơi.
Nhưng thầy Đúng tâm sự: "Tôi cũng mệt nhưng an toàn là trên hết. Tôi sẵn sàng dạy online tiếp cho đến khi thi tốt nghiệp vào đợt 2 nếu phải dời thời gian thi. Bộ GD&ĐT và Sở GD&ĐT TPHCM cũng nên nghĩ đến an toàn của nhân viên mình, của học sinh và phụ huynh. Tôi khá lo vì tiêm 1 mũi vắc xin vẫn có thể nhiễm bệnh mà".
Còn thạc sĩ Phạm Thái Sơn, trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM nói thẳng: "Thi tốt nghiệp THPT trong đợt này ở TPHCM là không nên vì nhiều lý do".
Thứ nhất, phụ huynh của thí sinh sẽ lo lắng cho bản thân thí sinh đi thi chưa được tiêm chủng ngừa Covid-19, nếu như thí sinh mắc bệnh thì phải làm sao?
Thứ hai, các phụ huynh học sinh khi đưa con thi tốt nghiệp cũng lo lắng cho bản thân mình, không biết có bị nhiễm Covid-19 hay không? Mình bị nhiễm thì đã đành nhưng lây lan sang nhiều người nữa thì biết làm sao?
Thứ ba, Chủ tịch hội đồng thi sẽ lo lắng cho thí sinh thi tốt nghiệp THPT ở Hội đồng mình quản lý, không lẽ có 1 thí sinh bị Covid-19 thì xét nghiệm lại toàn bộ Hội đồng thi (vì mọi người đã được xét nghiệm trước khi thi).
Thứ tư, cán bộ coi thi cũng lo lắng cho bản thân mình hơn là lo lắng cho thí sinh dự thi thì có công bằng, minh bạch được không?
Từ các lý do trên, thạc sĩ Phạm Thái Sơn đề nghị nên cho học sinh lớp 12 tại TPHCM thi trong đợt 2.
Ông Sơn nói: "Nếu phải bắt buộc thi trong đợt 1 (vào ngày 7/7 và 8/7) thì phải có biện pháp làm sao cho bớt lây lan dịch Covid-19. Nhưng lúc này lại chưa có biện pháp để phòng ngừa nên thi trong đợt 2 cho an toàn hơn".
Một phụ huynh có con học lớp 12 tại một trường ở quận 3 không tiện nêu tên cũng cho rằng việc sở GD&ĐT lấy ý kiến của phụ huynh để làm cơ sở quyết định thi tốt nghiệp vào đợt 1 hay không là một cách "đá bóng" trách nhiệm về phía phụ huynh.
Vị phụ huynh này đặt vấn đề: "Nếu ý kiến của phụ huynh đồng ý thi đông hơn, TP tổ chức thi rồi lây lan dịch bệnh trong các hội đồng thi, lây lan cho học sinh thì làm sao? Lúc ấy lại đổ trách nhiệm do phụ huynh đồng ý thi à?".