Thi tốt nghiệp lần 2: Liệu có lặp lại sai lầm 20 năm trước? | Báo Dân trí

Thi tốt nghiệp lần 2: Liệu có lặp lại sai lầm 20 năm trước?

(Dân trí) - Có thể đề nghị này không được Bộ GD-ĐT đồng tình, nhưng là một cán bộ giáo dục lâu năm đã từng “góp phần làm hỏng nền giáo dục nước nhà trong thời gian công tác”, tôi xin nói lời tâm huyết đầy trách nhiệm: Hãy bỏ kỳ thi đợt 2 này thay bằng một giải pháp thực chất có tác dụng giáo dục hơn!

Khi kết quả TNPT năm 2006-2007 được công bố, nhiều thầy giáo đứng lớp đều cho rằng đây là kết quả thực có thể tin được, họ đã điểm danh từng em và chỉ có tiếc một vài em nếu so với em được đỗ mà bị trượt thì hơi "thiệt"! Nhưng ai cũng cho rằng, những học sinh này không đủ trình độ để vào cao đẳng và đại học.

 

Nếu độ khó của đề thi tương đương với năm 2005 - 2006 cộng với việc coi thi nghiêm túc như năm nay thì kết quả chắc chắn còn thấp hơn nữa. 66,7% là con số không đến nỗi đau buồn hay đáng thất vọng, mà còn là hy vọng nếu là "thực".

 

Con số 66,7% này đã nói lên điều gì?

 

Tỷ lệ cả nước 66,7% nghĩa là nhiều tỉnh và nhiều trường có tỷ lệ TNPT trên 90% (9 tỉnh đạt trên 80%, TPHCM có đến 10 trường đạt 100% và nhiều tỉnh số lượng trường đạt trên 90% không phải ít).

 

Như vậy cũng có niềm an ủi, có thể nói cứ 8 tỉnh thì có trên 1 tỉnh khá, giỏi; cứ 10 trường thì có gần 7 trường đạt chuẩn toàn quốc và cứ 100 em dự thi có gần 67 em đỗ tốt nghiệp. Với thực tế chất lượng Dạy và Học như ta đã biết thì con số đó không có gì để làm ta quá buồn nản!

 

Rồi đây Đảng, Nhà nước, ngành Giáo dục chắc chắn sẽ nhanh chóng tổng kết để hoạch định một chiến lược dài lâu, để cho mỗi năm qua mỗi mùa thi ta nâng thêm một tỉ lệ thực chất do ta đã kịp đưa được ra những chủ trương, chính sách, thiết thực, phù hợp. Tuy nhiên trước mắt, chúng ta cần phải rút được bài học kinh nghiệm để có những giải pháp phù hợp.

 

Là một nhà giáo có gần 50 năm làm công tác giáo dục - khuyến học, tôi mạnh dạn đề nghị Bộ GD-ĐT không tổ chức kỳ thi đợt 2 và trình Chính phủ cho một giải pháp thích hợp cho việc mở đường để hơn 400.000 học sinh trượt tốt nghiệp THPT có con đường học lên một cách thực chất không hình thức.

 

Ví dụ: Bộ GD-ĐT cấp chứng chỉ đã hoàn thành chương trình lớp 12 phổ thông cho các em. Chứng chỉ đó có đủ điều kiện để dự tuyển vào các trường dạy nghề, trung cấp, kể cả cao đẳng (trừ đại học). Ta cũng nên làm quen với "chứng chỉ" thay cho các văn bằng. Trên thế giới chưa thấy nước nào tổ chức kỳ thi tú tài 2 lần trong một năm học!

 

Cuối những năm 80, để giải quyết sức ép phải cho học sinh tốt nghiệp phổ thông nhiều hơn, Bộ GD-ĐT đã có chủ trương tổ chức 2 kỳ thi tốt nghiệp phổ thông, đợt I công nhận những học sinh đạt chuẩn THPT để thi vào CĐ, ĐH, đợt II vớt những học sinh "học tài thi phận" và nâng thêm tỉ lệ 10% - 15% nữa.

 

Chủ trương "nhân ái" này chỉ tồn tại được 2 mùa thi, sau đó "phá sản" và Bộ phải xoá bỏ, vì cách làm này không góp phần nâng cao chất lượng Dạy và Học như ý muốn mà bộc lộ tư tưởng ỷ lại, hình thức và rất tốn kém mất thì giờ, học sinh không vì thế mà cố gắng học tốt, giáo viên tích cực Dạy tốt và tạo ra một hệ lụy, cán bộ quản lý, giáo viên không có thời gian nghỉ hè, học tập chuyên môn nghiệp vụ để chuẩn bị cho năm học mới.

 

Vậy, có nên lặp lại chủ trương không khoa học - không sư phạm mà trước đây, Bộ GD-ĐT đã từng phải trả giá khá đắt?! Có thể đề nghị này không được Bộ đồng tình nhưng là một cán bộ giáo dục lâu năm đã từng "góp phần làm hỏng nền giáo dục nước nhà trong thời gian công tác", tôi xin nói lời tâm huyết đầy trách nhiệm: Hãy bỏ kỳ thi đợt 2 này thay bằng một giải pháp thực chất có tác dụng giáo dục hơn!

 

Bỏ kỳ thi này, lấy số tiền chi cho việc tổ chức kỳ thi đợt 2 này (theo dự tính cũng không dưới 200 tỷ VNĐ - 500.000 đồng x 400.000 thí sinh), chưa kể số tiền mà xã hội, gia đình, cán bộ, giáo viên và các em phải bỏ ra để ôn luyện, đi lại tốn kém. Số tiền này nếu dùng để xây dựng sẽ được 400 ngôi trường mẫu giáo hoặc 200 trường tiểu học cho miền núi, những ngôi trường này sẽ góp phần vào việc nâng chất lượng đầu vào cho các trường phổ thông miền núi, chắc chắn sẽ giúp tỉ lệ tốt nghiệp phổ thông cao hơn.

 

Chúng ta ai cũng tiếc và cũng thương các cháu đã không đỗ tốt nghiệp; nhưng chúng ta cũng phải làm rõ, nếu chỉ cần một tấm bằng để có điều kiện đi thi vào các trường chuyên nghiệp, trường nghề thì hà tất cứ phải có 1 cái bằng hơn 1 cái chứng chỉ. Cái bằng không thay được chất lượng thật mà cái chứng chỉ mới là cái bằng thực để các em bước vào đời ở các trường đại học.           

 

Phan Đăng Hùng
(Nguyên Cán bộ Vụ Giáo dục cấp III, Bộ GD-ĐT)