Thí sinh “lo” cách tuyển sinh hơn quan tâm ngành nào “nóng”

(Dân trí) - Năm nay đa phần thí sinh quan tâm nhiều về cách tuyển sinh, làm thế nào trúng tuyển ngành đã chọn hơn là xu hướng ngành nghề nào đang “nóng” hoặc dễ trúng tuyển.

Đó là nhận định của các chuyên gia tư vấn có mặt tại ngày hội tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp 2016 do Báo Tuổi trẻ và Bộ GD-ĐT phối hợp tổ chức tại trường ĐH Bách Khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) ngày 28/2.


Đông học sinh đến từ các tỉnh lân cận quanh TPHCM đến tìm hiểu thông tin tuyển sinh tại ngày hội tư vấn

Đông học sinh đến từ các tỉnh lân cận quanh TPHCM đến tìm hiểu thông tin tuyển sinh tại ngày hội tư vấn

Thạc sĩ Phạm Thái Sơn, trưởng phòng Tư vấn tuyển sinh và dịch vụ đào tạo trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM cho biết năm nay tham gia nhiều chương trình tư vấn hướng nghiệp thì nhận thấy có sự tiến bộ trong năm nay khi thí sinh hỏi nhiều hơn về vấn đề cần gì đề phục vụ cho ngành mình đã chọn chứ ít không phải là ngành đó "hot" hay không, có dễ tìm việc làm hay không. Ông Sơn cho rằng những lưu ý của thí sinh đã đi theo xu thế chung là quy mô của thị trường lao động rất lớn. Điều này có thể do báo chí cũng phân tích nhiều về cơ hội việc sẽ như thế nào, phân tích nguyên nhân vì sao sinh viên không có việc làm nên hiểu hơn.

Tương tự, Tiến sĩ Lê Thị Thanh Mai, Trưởng ban Công tác sinh viên ĐH Quốc gia TPHCM cũng cho biết đa số thí sinh hỏi về những đổi mới trong phương thức tuyển sinh, cách thức nộp hồ sơ như thế nào. Ngoài ra, đối với một ngành nghề đã chọn thì thí sinh quan tâm đến việc trang bị kỹ năng gì, bổ sung kiến thức gì mới có thể theo đuổi được.


Tiến sĩ Lê Thị Thanh Mai là thành viên ban tư vấn giải đáp thắc mắc của học sinh

Tiến sĩ Lê Thị Thanh Mai là thành viên ban tư vấn giải đáp thắc mắc của học sinh

Ngày hội tư vấn hướng nghiệp có sự tham gia của gần 30.000 học sinh đến từ TPHCM cùng các tỉnh như Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh, Bình Phước, Long An, Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Kiên Giang… Tại đây, các học sinh, phụ huynh được tìm hiểu những thông tin liên quan đến ngành nghề tại 163 gian tư vấn của gần 100 trường ĐH, CĐ, Trung cấp, trường nghề và các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực giáo dục.

Bên cạnh các gian tư vấn, Ban tổ chức đã tổ chức hai khu vực tư vấn chuyên sâu để giải đáp, tư vấn cho học sinh liên quan đến nhóm ngành, các trường các lĩnh vực. Kỳ thi THPT quốc gia năm nay có một số điểm mới và thay đổi trong tổ chức các cụm thi tại các tỉnh, và khâu xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ… Vì vậy, các thành viên ban tư vấn đã trực tiếp cung cấp, chia sẻ và giải đáp một số câu hỏi của học sinh, phụ huynh những thông tin cần thiết về kỳ thi THPT quốc gia năm 2016.


Tại các gian tư vấn, nhân viên các trường cũng lắng nghe và trả lời các thắc mắc của học sinh

Tại các gian tư vấn, nhân viên các trường cũng lắng nghe và trả lời các thắc mắc của học sinh

Những câu hỏi của các học sinh xoay quanh các vấn đề như thời gian nộp hồ sơ, thủ tục mua hồ sơ, thời gian sơ tuyển khi thi vào trường công an, quan đội? Nếu khi nộp hồ sơ ở đợt xét tuyển lần đầu, đậu cả 2 trường ĐH, thì có được quyền chọn học trường nào mình thích không? Có điểm sàn chung cho xét tuyển ĐH không? Lựa chọn giữa đam mê, sở thích hay khả năng của mình?...

Có mặt tại ngày hội, Tiến sĩ Phạm Mạnh Hùng, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT chia sẻ rằng, đây sẽ là cơ hội để học sinh có những thông tin bổ ích liên quan đến ngành nghề, được tư vấn, hướng nghiệp, định hình ngành nghề tương lai và cả cách thức ôn tập hiệu quả, thông qua đó có những bước chuẩn bị tốt nhất trong kỳ thi THPT quốc gia tới. Thông qua đó, Bộ sẽ lắng nghe được nhiều tâm tư, nguyện vọng, ý kiến đóng góp của phụ huynh, học sinh để từ đó sẽ tiếp thu chọn lọc các ý kiến để tìm ra các giải pháp để tiếp tục tổ chức kỳ thi hiệu quả, chất lượng, an toàn, tiết kiệm.

Lê Phương