Thí sinh "lao vào" đăng ký, nhóm ngành Kinh doanh và Quản lý cao chót vót

Nhật Hồng

(Dân trí) - Chiều ngày 14/5, Bộ GD&ĐT đã thống kê số lượng nguyện vọng thí sinh đăng ký vào các nhóm ngành. Theo đó, nhóm ngành Kinh doanh và Quản lý có số lượng nguyện vọng cao nhất là hơn 1 triệu.

Cụ thể số nguyện vọng vào nhóm ngành Kinh doanh và Quản lý là 1.218.773/118.679 chỉ tiêu; tiếp đến là nhóm ngành Máy tính và Công nghệ thông tin với 336.001/ 49.582 chỉ tiêu; nhóm ngành Nhân văn năm nay  số lượng nguyện vọng tăng lên với 272.692/43.076 chỉ tiêu…

Bảng thống kê nguyện vọng vào các nhóm ngành ĐH,CĐ năm 2021 của Bộ GD&ĐT như sau:

Nhóm ngành

Chỉ tiêu

Nguyện vọng

% nguyện vọng/tổng nguyện vọng

% nguyện vọng/chỉ tiêu

Nhóm ngành nhiều NV nhất

Kinh doanh và quản lý

118679

1218773

32.781%

1026.95%

Khoa học xã hội và hành vi

29052

239491

6.442%

824.35%

Máy tính và công nghệ thông tin

49582

336001

9.037%

677.67%

Nhân văn

43076

272692

7.335%

633.05%

Công nghệ kỹ thuật

45136

257288

6.920%

570.03%

Khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên

50737

228821

6.155%

450.99%

Những nhóm Ngành ít nhất

Cao đẳng Sư phạm ngành GDMN

14534

9641

0.259%

66.33%

Dịch vụ xã hội

2808

13024

0.350%

463.82%

 

Trước đó, theo thống kê của Bộ GD&ĐT đến cuối ngày 11/5, tổng số thí sinh đăng ký dự thi (ĐKDT) là 1.014.972 thí sinh.

Số thí sinh xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh: 758. 837 (chiếm 74,76%); tổng số lượng nguyện vọng đăng ký xét tuyển ĐH, CĐ là 3.508.718.

Như vậy, trung bình mỗi em đăng ký 5 nguyện vọng xét tuyển đại học. Đặc biệt, có em đăng ký tới 99 nguyện vọng tính đến thời điểm này. Đây cũng là kỷ lục của các kỳ thi xét tuyển đại học từ trước tới nay. 

Các chuyên gia tuyển sinh cho rằng, việc thí sinh đăng ký quá nhiều nguyện vọng với các ngành khác nhau vào các trường đại học khác nhau là không cần thiết và không nên.  Khi thí sinh đăng ký vào quá nhiều ngành khác nhau, sự tập trung vào ngành học, khối thi của thí sinh sẽ bị phân tán. 

PGS. TS Đỗ Văn Dũng, trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM cho biết, hiện nay, sự chênh lệch ngành nghề giữa các trường ĐH đang rất lớn. Có những ngành sinh viên học xong ra trường không xin được việc. Chính vì vậy, theo PGS. Đỗ Văn Dũng, thí sinh nên cân nhắc thật kỹ khi đăng ký nguyện vọng, chỉ nên đăng ký từ 10 nguyện vọng trở xuống. Mặc dù, Bộ GD&ĐT cho phép thí sinh đăng ký không giới hạn nguyện vọng, nhưng nếu có đăng ký đến 100 nguyện vọng thì lệ phí cũng chỉ mất 2,5 triệu đồng.

"Lệ phí đăng ký không tốn bao nhiêu, nhưng điều quan trọng nhất nếu đăng ký để bằng mọi giá đỗ được vào đại học, sau  một thời gian học thấy không hợp phải thi lại, hay sau 4 năm ra trường rồi mới hối hận thì những thiệt hại về kinh tế, về thời gian không thể bù đắp được", PGS Dũng nhấn mạnh.

Chính vì vậy, theo PGS Dũng, đăng ký nhiều nguyện vọng với mục đích bằng mọi giá đỗ được vào ĐH là rất nguy hiểm và thật sự không nên.

Theo số liệu thống kê của Bộ GD&ĐT, trong thời gian qua, khi cho phép thí sinh đăng ký xét tuyển không giới hạn nguyện vọng, hầu hết các em trúng tuyển và nhập học với 2-3 nguyện vọng đầu tiên trong lần xét tuyển đợt 1. Số thí sinh trúng tuyển trong những đợt xét tuyển lần 3, 4, 5 chiếm tỷ lệ rất ít.