Thi môn Văn: Sáng tạo, sẽ mất điểm!

Trong quá trình chấm thi môn Văn, có nhiều ý rất hay, thậm chí còn hay hơn cả những bài văn mẫu, gặp những bài dạng này giáo viên chấm “mừng lắm” nhưng rất tiếc phải chấm thấp vì các ý hay đó lại không có trong đáp án.

Giảng viên Trần Ngọc Hồng - Đại học Khoa học xã hội và nhân văn TPHCM cho biết: “Thường thì trong số 30 bài có khoảng 5 - 7 bài hai giám khảo tự điều chỉnh cho đến khi khớp điểm (chênh nhau từ 1 - 1,5 điểm), 3 bài phải chấm lại lần ba (chênh nhau trên 1,5 điểm)”.

 

Vậy, đâu là chuẩn chấm thi cho môn văn? Đã có bao nhiêu thí sinh rớt oan uổng do cán bộ chấm thi không thống nhất quan điểm?

 

Rớt oan vì giám khảo bất đồng quan điểm

 

Không có một sự thống nhất trong cách nhìn nhận một bài văn là chuyện thường thấy khi chấm các môn xã hội, đặc biệt là môn văn. So với năm 2006, đáp án môn văn năm nay đã được Bộ GD-ĐT giảm bớt các tiểu tiết từ hai mươi mấy mục xuống còn mười mấy mục. Tuy vậy, sự bất đồng quan điểm giữa giáo viên chấm vòng 1 với vòng 2 vẫn xảy ra.

 

Tổ chấm thi môn văn trường Đại học Ngoại ngữ - tin học có trường hợp cùng một bài văn nhưng có giám khảo 1 cho đến 7 điểm nhưng lại có giám khảo 2 chỉ cho điểm 4. Vì theo giám khảo 1 khả năng diễn đạt của thí sinh này rất tốt, sâu sắc, lồng ghép tính hiện đại và cổ điển rất tài tình, chữ đẹp, viết đúng chính tả, ngữ pháp, bộc lộ năng khiếu cảm nhận văn học hiếm thấy, kiến thức vượt xa cả đáp án, tuy trả lời chưa được sát sườn với yêu cầu đáp án đưa ra. Vị giám khảo thứ 2 lại bám sát đáp án của bộ, cho điểm theo barem định sẵn, trả lời đúng ý nào cho điểm ý đó. Cuối cùng, bài làm này được đưa ra chấm lần 3, sau khi bàn bạc, cuối cùng Hội đồng quyết định cho điểm 5 bài văn này vì phải tôn trọng đáp án của bộ.

 

Tiến sĩ Trần Diễm Thuý - giáo viên môn văn trường phổ thông Năng khiếu - ĐH Quốc gia TPHCM kể, trong quá trình chấm thi, có những bài văn lạ trong cách thể hiện, có nhiều ý rất hay, thậm chí còn hay hơn cả những bài văn mẫu, gặp những bài dạng này giáo viên chấm “mừng lắm” nhưng rất tiếc phải chấm thấp vì các ý hay đó lại không có trong đáp án.

 

"Đề thi môn văn năm nay làm "thui chột" tính sáng tạo thể hiện trong bài thi. Đề ra vẫn nặng về học thuộc là chính" - Ông Phan Nhật Chiêu, giảng viên khoa Văn - Đại học Khoa học xã hội và nhân văn nhận định.

Trong khi đó, có những bài viết có lối hành văn luộm thuộm, sai chính tả, chữ đọc muốn mờ cả mắt, nhưng vì trả lời đúng theo đáp án đành phải cho điểm cao hơn. “Vốn cũng là giáo viên có tham gia dạy luyện thi, tôi nhận thấy rõ ràng những em này có học luyện thi vì các ý nêu bài đúng theo các mẫu mà các trung tâm vẫn thường luyện cho thí sinh. Như vậy sẽ có nhiều em có năng khiếu, bài làm sáng tạo thật sự nhưng dễ bị “điểm oan” hơn”, bà nói.

 

Đâu là chuẩn?

 

Thật sự hiện nay đang có hai trường phái trong việc chấm thi môn văn: một trường phái trung thành một cách máy móc với đáp án của Bộ GD-ĐT, trường phái thứ hai cho rằng đáp án chỉ đảm bảo đầy đủ các yêu cầu đề thi, việc trình bày, bố cục bài viết của thí sinh mới quan trọng. Theo ông Trần Ngọc Hồng, đối với môn văn, đôi khi kiến thức chỗ này chỗ kia có chệch đi chút đỉnh nhưng nếu trình bày tốt cũng nên đánh giá cao hơn những bài trả lời đúng hết các ý nhưng diễn đạt rối rắm, lủng củng, những bài này theo ông chỉ đáng được điểm trung bình.  

Từ những quan điểm trái ngược trên, nhiều giáo viên chấm thi môn văn kiến nghị: riêng đối với môn văn trong đáp án nên có thang điểm cho khả năng diễn đạt, tính sáng tạo, vì có những em tuy không nói được đầy đủ các ý, từ ngữ, như yêu cầu trong đáp án nhưng bài viết của các em rất tốt. Ngược lại có những em bài viết tuy đáp ứng được yêu cầu nêu trong đáp án nhưng cách diễn đạt lại rất kém. Vì thế đáp án không nên chỉ bám sát nội dung bài làm mà bỏ qua hình thức, nghệ thuật, phong cách diễn đạt, có như vậy nhiều em sẽ không rớt một cách oan uổng.

Theo Phúc An

Sài Gòn Tiếp Thị