Hà Nội:
Thí điểm mô hình trường mầm non tư thục chất lượng cao
(Dân trí) - 5 trường mầm non được coi là đỉnh điểm nhất của Hà Nội hiện nay là Trường mầm non A, Trường mầm non B, Trường mầm non Việt- Bun, Trường 20-10 và Trường Việt-Tiệp sẽ tuyển sinh không cần theo tuyến, những gia đình có điều kiện thu nhập cao đều có thể cho con theo học tại những trường này.
Đó chính là nội dung của Đề án chuyển đổi một số trường mầm non bán công của Sở GD- ĐT Hà Nội đang chờ UBND TP phê duyệt. Theo Đề án này, trong năm 2007 và 2008, Sở GD- ĐT Hà Nội sẽ thí điểm chuyển đổi 5 trường trên từ mô hình trường mầm non bán công sang loại hình tư thục chất lượng cao. Đây đều là những trường bán công (ngoài công lập), có chất lượng cao, có đội ngũ giáo viên tốt, cơ sở vật chất đảm bảo, thuộc tốp đầu của thành phố và ở những địa bàn thuận lợi nhất.
Theo lộ trình, trong hai năm đầu, thành phố vẫn đầu tư cơ sở vật chất, trường vẫn được sử dụng đất của Nhà nước mà chưa phải thuê. Trong giai đoạn này sẽ giảm dần việc thành phố chi lương cho giáo viên, tăng phần đóng góp của nhân dân để đảm bảo công bằng xã hội. Nếu sự chuyển đổi này thành công thì tại 5 trường này, con em những gia đình có điều kiện thu nhập bình thường rất khó có thể vào học. Song, Hà Nội vẫn còn 353 trường mầm non công lập khác dành cho những đối tượng học sinh còn lại.
Hai phương án học phí cụ thể đối với 5 trường này là: nếu không có ngân sách hỗ trợ thì mức học phí là 500.000 đồng/cháu/ tháng. Nếu có hỗ trợ của thành phố thì mức học phí này sẽ thấp hơn.
Hiện, UBND TP Hà Nội chưa thông qua Đề án này. Tuy nhiên, từ phía Bộ GG- ĐT thì Bộ cũng không phản đối việc chuyển đổi này. Trong công văn do Thứ trưởng Nguyễn Văn Vọng ký về trả lời dư luận về vấn đề học phí giải thích: Tại thành phố Hà Nội hiện có 358 trường mầm non, với khoảng 140.000 học sinh; việc thí điểm chuyển đổi mô hình hoạt động nói trên nếu được thông qua chỉ liên quan đến 5 trường mầm non với 3.740 học sinh. Đối với 353 trường mầm non còn lại (chiếm 98,6%) và tất cả các trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông của Hà Nội không có bất kỳ sự thay đổi học phí nào so với trước.
Theo đánh giá chung của dư luận thì đã đến thời điểm ngành giáo dục không nên tiếp tục chính sách “cào bằng” và mô hình chuyển đối trên là hoàn toàn phù hợp với điều kiện hiện tại.
Việc chuyển đổi như vậy nếu tiếp tục được nhân rộng thêm ở một số trường điểm còn có tác động mạnh mẽ trong việc giảm thiểu được những tiêu cực phát sinh trong quá trình “chạy trường” và đây còn được xem là một giải pháp tích cực nhất để “hạ hỏa” cho những bức xúc của phụ huynh như chầu chực cả đêm để mua hồ sơ xin học cho con ở mỗi mùa tuyển sinh mầm non tại Hà Nội trong thời gian qua.
MM