Thí điểm đào tạo tiến sĩ định hướng ứng dụng nghề nghiệp
(Dân trí) - ĐH Quốc gia TPHCM đang nghiên cứu Đề án Thí điểm tuyển sinh và đào tạo tiến sĩ định hướng ứng dụng nghề nghiệp cho hai ngành là Quản trị kinh doanh và ngành Quản lý giáo dục. Nếu triển khai, đây sẽ là chương trình đào tạo tiến sĩ định hướng ứng dụng đầu tiên tại Việt Nam.
Đề án Thí điểm đào tạo tiến sĩ định hướng ứng dụng của ĐH Quốc gia TPHCM (ĐHQG TPHCM) vừa công bố tại hội thảo vào cuối tuần qua sẽ làm thay đổi cách nhìn và quan niệm của xã hội về tiến sĩ từ trước đến nay.
Theo các chuyên gia, chương trình tiến sĩ định hướng ứng dụng đầu tiên được xây dựng tại ĐH Toronto (Canada) vào năm 1894 về lĩnh vực giáo dục. Đến nay, có hơn 1.000 chương trình tiến sĩ định hướng ứng dụng nghề nghiệp tại các trường đại học trên thế giới. Sự phát triển của các chương trình tiến sĩ định hướng ứng dụng nhằm mở rộng khả năng làm việc của người học tiến sĩ ra ngoài môi trường học thuật.
PGS.TS Vũ Phan Tú, Trưởng ban sau Đại học, ĐHQG TPHCM cho rằng hiện có 5 hình thức đào tạo tiến sĩ trên thế giới cùng với 2 cách ghi trên văn bằng tiến sĩ: nghiên cứu và ứng dụng. Thế nhưng, ở Việt Nam chỉ có một loại hình đào tạo tiến sĩ duy nhất.
“Đây là điều mà chúng ta khác với một số nước trên thế giới, thậm chí là khác so với khu vực. Người ta có thể phân định ra hai loại tiến sĩ: academic (hàn lâm) và Professional (ứng dụng). Ở Việt Nam hiện đang thiếu tiến sĩ professional, hoặc gom lại và đào tạo chung. Như vậy, sẽ rất khó cho những người đang đi làm bên ngoài và chúng ta cũng không giải quyết được thực tế bài toán của họ khi họ đang làm việc ở môi trường bên ngoài” ông Tú chia sẻ.
Theo ông Tú, hiện ĐHQG TPHCM đang nghiên cứu Đề án Thí điểm tuyển sinh và đào tạo tiến sĩ định hướng ứng dụng nghề nghiệp cho hai ngành là Quản trị kinh doanh và ngành Quản lý giáo dục. Điều kiện đầu vào đòi hỏi ứng viên có ít nhất 5 năm kinh nghiệm trong ngành và đang giữ vị trí quản lý. Ứng viên có bằng thạc sĩ các lĩnh vực phù hợp. Người học cũng có thể chỉ cần bằng đại học từ loại khá trở lên.
PGS. TS Vũ Hải Quân, Phó Giám đốc ĐHQG TPHCM cũng cho biết, “trong nước đang có hệ thống đào tạo tiến sĩ. Hầu như tất cả chúng ta đều nghĩ rằng tiến sĩ là phải làm một cái gì đó hay một công trình khoa học gắn với việc sáng tạo ra một tri thức mới. Cách nhìn nhận như vậy không sai nhưng nên chăng, đã đến thời điểm chúng ta bắt đầu nên mở rộng khái niệm về tiến sĩ, nhìn nhận vấn đề về tiến sĩ để chúng ta có những chương trình đào tạo, có những thương hiệu mang tính đột phá”.
Bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD-ĐT cho rằng theo khung trình độ quốc gia Việt Nam hiện nay thì đào tạo tiến sĩ được đặt ở luồng theo định hướng nghiên cứu. Tuy nhiên nếu đời sống kinh tế xã hội có yêu cầu lực lượng lao động trình độ cao trong lĩnh vực ứng dụng thì cần có chương trình đào tạo phù hợp. Bà Phụng cho biết rất hoan nghênh việc ĐHQG TPHCM là đơn vị tiên phong trong lĩnh vực này.
Mặc dù vậy, theo bà Phụng có 10 vấn đề cần phải lưu ý giải quyết rõ khi thực hiện chương trình này. Cụ thể gồm xác định lĩnh vực đào tạo, mục tiêu, đầu vào, phương thức đào tạo, phương pháp kiểm tra đánh giá, đội ngũ giảng dạy, khả năng liên thông, sự công nhận văn bằng với các nước khác… Theo bà Phụng, nhà nước chỉ đặt ra nguyên tắc và khung pháp lý nhưng các trường phải giải quyết được 10 câu hỏi trên để thuyết minh với xã hội.
Cũng theo bà Phụng, thời gian đào tạo ngắn hay dài không quan trọng. Vấn đề là chất lượng đào tạo để một tiến sĩ ứng dụng phải tương đương với tiến sĩ khác.
Lê Phương