Thi đánh giá năng lực: Tiền đề cho trung tâm khảo thí độc lập?
(Dân trí) - Năm 2019 có gần 30 trường đại học sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia TPHCM chủ trì để xét tuyển. Nhiều chuyên gia tuyển sinh nhận định, cách thức thi nhẹ nhàng, không áp lực nhưng vẫn đảm bảo đánh giá được năng lực vào học đại học của thí sinh.
Đợt 1 kỳ thi đánh giá năng lực diễn ra vào cuối tháng 3/2019 đã thu hút tới trên 33.000 thí sinh dự thi. Thí sinh chỉ thi một buổi với 150 phút làm bài trắc nghiệm 120 câu hỏi trắc nghiệm. Kết quả thi được công bố sau 9 ngày chấm cho thấy có 66 bài thi đạt điểm 1.001 điểm trở lên (theo thang điểm 1200).
Thống kê cụ thể hơn thì có 3,4%, tương đương khoảng 1.125 thí sinh có điểm từ 901 điểm trở lên; mức điểm thi từ 801 trở lên chiếm 16,4% khoảng 5.429 thí sinh; khoảng 13.870 thí sinh (chiếm 41,9%) đạt từ 701 điểm trở lên; 23.651 bài thi đạt điểm từ 601 trở lên. Với phổ điểm này, đơn vị tổ chức kỳ thi nhận định kết quả này đáng tin cậy để các trường tin tưởng sử dụng.
Tiến sĩ Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm Khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo, ĐH Quốc gia TPHCM (ĐHQG) chia sẻ: Tuyển sinh là công tác quan trọng trong hoạt động đào tạo của các trường ĐH, giúp tuyển chọn được người có kiến thức, kỹ năng, thái độ phù hợp với định hướng và mục tiêu của các chương trình đào tạo tại trường. Tại Việt Nam, trong hơn 15 năm qua, phương thức đánh giá được đa số trường ĐH tin tưởng sử dụng là kỳ thi quốc gia; cụ thể là kỳ thi “3 chung” trong giai đoạn 2002-2014 và kỳ thi THPT quốc gia từ năm 2015 đến hiện tại. Mặc dù có ưu điểm giúp giảm nhẹ gánh nặng thi cử cho học sinh nhờ việc gộp 2 kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH thành kỳ thi duy nhất, nhưng kỳ thi THPT quốc gia vẫn lộ những hạn chế khi tập trung chủ yếu vào đánh giá khả năng hiểu và vận dụng kiến thức phổ thông của học sinh. Như vậy khả năng phân loại thí sinh và khả năng đánh giá những năng lực cần thiết để học ĐH của thí sinh chưa thể hiện được hết.
TS Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm Khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo, ĐH Quốc gia TPHCM
Nhận ra những điều này nên đầu năm 2016, ĐHQG TPHCM quyết định thực hiện đề án “Xây dựng và tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực phục vụ công tác tuyển sinh ĐH, CĐ tại ĐHQG TPHCM”. Để thực hiện đề án, ĐHQG TPHCM đã tập hợp đội ngũ chuyên gia có chuyên môn cao, giàu kinh nghiệm ở các lĩnh vực: quản lý giáo dục, đo lường đánh giá, toán học, ngôn ngữ, khoa học tự nhiên, khoa học xã hội… Sau khi thử nghiệm thành công năm 2018, ĐHQG TPHCM quyết định mở rộng kỳ thi từ năm 2019.
Tiến sĩ Chính cũng cho biết thêm từ khi xây dựng đề án, ĐHQG TPHCM đã xác định rõ mục tiêu và lộ trình phát triển của kỳ thi này. Trong giai đoạn đầu, kỳ thi chủ yếu phục vụ mục tiêu tuyển sinh cho các trường, khoa thành viên. Sau đó, kỳ thi sẽ được mở rộng để giúp các trường ĐH, CĐ trong hệ thống giáo dục ĐH Việt Nam. ĐHQG TPHCM từng bước xây dựng một trung tâm khảo thí độc lập, chuyên trách thực hiện công tác đánh giá năng lực.
Ông Chính cũng cho rằng, nếu trung tâm này hoạt động tốt sẽ xây dựng phương thức đánh giá chuyên nghiệp, bao gồm công cụ đánh giá (bài thi) và quy trình đánh giá (cách tổ chức thi). Khi đó, trung tâm sẽ phối hợp với đơn vị ở các địa phương để thường xuyên và định kỳ tổ chức các kỳ thi đánh giá năng lực, tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh tham dự. Các trường ĐH, CĐ sẽ dùng kết quả thi của thí sinh như điều kiện tuyển sinh. Đây chính là phương thức tuyển sinh được sử dụng ở khá nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới.
Diễn tiến của những ấp ủ này đã phần nào thành hiện thực khi năm 2019 có tới 21 trường ngoài ĐHQG TPHCM sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực. Nhiều đơn vị ĐH cũng đặt nhiều kỳ vọng vào cách thức này để chọn được người học phù hợp.
Thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Giám đốc trung tâm tuyển sinh của trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM cho biết: "Ngay khi có thông tin ĐHQG TPHCM có chủ trương tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực thì trường chúng tôi chủ động liên hệ xin sử dụng kết quả kỳ thi để xét tuyển. Chúng tôi cho rằng thi đánh giá năng lực như kiểu ĐHQG TPHCM thực hiện chính là một phương án để kiểm tra đầu vào cho phù hợp năng lực. Tuy nhiên, trường chúng tôi không đủ lực để làm một kỳ thi riêng. Điểm thuận lợi nữa là nhiều ngành của trường chúng tôi phù hợp với các ngành đào tạo của các trường thành viên thuộc ĐHQG TPHCM. Do đó, nếu bản thân trường tổ chức thi riêng thì có nhiều rủi ro, chưa chắc thành công mà khâu tổ chức lại tốn kém. Giải pháp của chúng tôi sử dụng kết quả kỳ thi do ĐHQG TPHCM thực hiện là ổn nhất”.
Thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Giám đốc trung tâm tuyển sinh của trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM
Ông Sơn nhìn nhận, hiện tại việc xét tuyển theo tổ hợp môn truyền thống vẫn còn phù hợp nhưng nếu áp dụng chương trình phổ thông mới thì e rằng sẽ không phù hợp cũng như ảnh hưởng nhiều đến chất lượng đầu vào. Lúc đó, nếu tuyển theo khối truyền thống thì không đánh giá hết các kỹ năng mà học sinh đã có trong quá trình học tập. Điều này dẫn đến trường hợp tuyển đầu vào bị lệch, việc tiếp cận chương trình đào tạo bậc ĐH của người học sẽ gặp khó khăn. Bản thân các trường ĐH cũng gặp khó trong xây dựng chương trình đào tạo cũng như kéo theo đó là không thể kiểm định chương trình được.
Mặc dù vậy, ông Sơn cũng còn chút băn khoăn, “Do mới năm đầu tiên nên trường cũng chỉ đưa ra chỉ tiêu tuyển bằng cách thức này ở số lượng ít để thăm dò khả năng thí sinh tiếp cận và đáp ứng với quá trình học tốt hay không. Trường chỉ xét tuyển với số lượng 10% chỉ tiêu tuy nhiên vẫn là những ngành hot các năm trước với đầu vào cao. Nếu số thí sinh trúng tuyển bằng phương thức này đáp ứng tốt thì năm sau trường sẽ tăng chỉ tiêu thêm".
Ông Sơn cũng kỳ vọng: "Với sự chủ trì của ĐHQG TPHCM và nhiều trường hưởng ứng, tôi nghĩ rằng trong tương lai sẽ hình thành những trung tâm khảo thí độc lập và làm dịch vụ cho các trường tuyển sinh. Về lâu dài, nếu phía ĐHQG TPHCM thực hiện tốt việc đánh giá năng lực cũng như khảo thí độc lập thì trường chúng tôi sẵn sàn thuê họ đánh giá năng lực cho trường mình không chỉ tuyển sinh đầu vào mà còn là các kỳ đánh giá năng lực ngoại ngữ hoặc kỹ năng”.
Với chủ trương của Bộ GD-ĐT là chuyển dịch tự chủ trong tuyển sinh thì bản thân các trường ĐH phải tìm các phương án thay thế. Thành lập một trung tâm khảo thí độc lập để tổ chức thi và tách bạch trong tuyển sinh có lẽ là một xu hướng cần thiết.
Lê Phương