Thêm một chuyện "đẽo cày giữa đường"
Quy định mới nhất của Bộ GD-ĐT là từ học kỳ 2 năm học trước, các lớp 1, 2, 3 sẽ không được sử dụng sách bài tập trong giờ học chính khóa.
Thế nhưng đến đầu năm học này, NXB Giáo dục, đơn vị chịu trách nhiệm xuất bản SGK vẫn cho in các loại sách bài tập cho lớp trên. Đa phần các trường yêu cầu học sinh (HS) đăng ký mua sách giáo khoa (SGK) theo lớp, vẫn bắt HS phải mua trọn bộ sách, trong đó có đủ loại sách bài tập.
Chuyện ngược đời: cho in sách rồi mới cấm
Sách bài tập cho các lớp 1, 2, 3 bắt đầu được in cùng với sự đổi mới chương trình SGK lớp 1, 2, 3 và mặc nhiên được xem như sách nằm trong chương trình học bắt buộc.
HS làm bài tập trực tiếp vào phần để trống trong sách bài tập mà không cần chép ra vở viết. Với các sách bài tập in, HS có thuận lợi ở chỗ không tốn thời gian chép đề bài. Sách bài tập Toán, tiếng Việt có nhiều dạng bài tập đa dạng. Duy có nhược điểm là sách bài tập in không thể sử dụng lại cho HS năm sau, vì đã được các HS viết bài giải trực tiếp vào sách. Nhiều vùng khó khăn hiện nay vẫn phải sử dụng tủ sách dùng chung, tiếp nhận các loại SGK cũ dùng cho HS nhiều thế hệ, nhưng riêng với sách bài tập thì bắt buộc phải mua mới.
Hơn nữa trên thực tế, nhiều giáo viên ở ngay các thành phố lớn không xem sách bài tập là "vở làm bài tập duy nhất của HS" mà vẫn bắt HS có vở bài tập khác (vở ô li). Cặp sách HS trở nên quá tải vì có quá nhiều sách. Tại lớp, cả cô và trò phải chạy đua với thời gian để vừa học bài mới, vừa làm bài tập trong sách bài tập, vừa làm bài tập do cô giáo giao. Học cả ngày trên lớp không hết, HS vẫn phải giải quyết hàng loạt bài tập tại nhà.
Lãng phí và quá tải, dư luận lên tiếng. Và thay vào việc đi tìm nguyên nhân để giải quyết, Bộ GD-ĐT ra một quyết định chữa cháy và "trấn an" dư luận: Cấm toàn bộ việc sử dụng sách bài tập trên lớp.
Trên thực tế: lệnh cấm ban ra, nhưng sách bài tập vẫn cứ được in bởi NXB Giáo dục, và phụ huynh vẫn cứ bị ép mua. |
Trên cấm, dưới vẫn in, vẫn bắt mua
Ông Trịnh Quốc Thái, Vụ trưởng Vụ Tiểu học - Bộ GD-ĐT, lý giải: "Bộ yêu cầu bỏ sách bài tập trong giờ học chính khóa để tránh tốn kém cho xã hội, đồng thời giảm áp lực cho HS".
Nhưng sách vẫn cứ được in, phụ huynh vẫn cứ bị ép mua. Dù là nhà trường mua hộ phát cho HS hay phụ huynh tự đến các nhà sách, đều được thông báo: Sách bài tập nằm trong danh mục SGK theo quy định. Tất cả các sách bài tập HS các trường đang sử dụng đều do NXB Giáo dục ấn hành. "Tốn kém, lãng phí" không những không được giải quyết mà thậm chí còn trầm trọng hơn khi sách mua rồi phải bỏ. Việc dùng các sách bài tập trên ở đâu, nếu không phải ở trên lớp?
Đầu năm học mới này, nhiều địa phương "chấp hành chỉ đạo của Bộ" bằng cách đối phó. Ông Phạm Xuân Tiến, Trưởng phòng Giáo dục tiểu học - Sở GD-ĐT Hà Nội, cho biết: "Hà Nội là nơi có 90% HS học 2 buổi/ngày, cả hai buổi ấy chúng tôi đều coi là giờ học chính thức. Việc Bộ yêu cầu không dùng vở bài tập trong giờ học chính khóa khiến chúng tôi phải phân biệt giữa hai khái niệm "chính thức" và "chính khóa". Giờ chính khóa (buổi học thứ nhất) chỉ đạo giáo viên không cho HS sử dụng sách bài tập. Nhưng giờ học chính thức (buổi thứ 2) HS được sử dụng sách bài tập".
Cách "lách luật" này nhằm đảm bảo vừa thực hiện chủ trương của Bộ, vừa sử dụng được sách bài tập đã có. Ông Tiến cho biết thêm: Cùng với chỉ đạo bỏ sách bài tập, Bộ cũng yêu cầu các trường tiểu học tổ chức học 2 buổi/ngày không được giao bài tập về nhà cho HS. Bởi vậy, nếu không sử dụng sách bài tập ở trên lớp thì không dùng được vào lúc nào.
Bỏ sách bài tập: chỉ giảm tải được về hình thức!
Cô giáo Trần Thu Lan, giáo viên Trường Thành Công B - Hà Nội, nhận xét: Sách bài tập in viết hay, sử dụng sách bài tập rất thuận lợi, thầy trò không mất thời gian đọc, ghi chép. Chính vì thế khi phải bỏ sách bài tập, HS không có thời gian để luyện tập trên lớp. Vì với chương trình như hiện nay, học hai buổi còn xoay xở được chứ học một buổi thì không biết làm sao để đảm bảo dạy kiến thức như yêu cầu của chương trình, chưa kể đến việc phải dành thời gian để đọc cho HS chép yêu cầu của các dạng bài tập.
Điều này có nghĩa, quá tải là do chương trình chứ đâu phải sự có mặt của những quyển sách bài tập. Bà Nguyễn Thị Liên, hiệu trưởng Trường tiểu học Trưng Vương cho rằng: Không nên bỏ đi một phương tiện dạy học hữu hiệu là sách bài tập (trước đây phải dùng bảng phấn, vở viết).
Hơn nữa bỏ sách bài tập cũng không giảm tải đi được chút nào, mà có khi còn gây quá tải thêm do HS và giáo viên phải chạy đua với thời gian, vừa học ở lớp lại vừa học ở nhà. Thay vì mang theo sách bài tập in, HS phải mang vở bài tập viết... Hãy để cho các địa phương có điều kiện, được phép dùng sách bài tập!...
Theo Thể thao & Văn hóa