Thầy trò trường nghề mở xưởng sửa xe lăn miễn phí
(Dân trí) - Tại Trường Cao đẳng Nghề Đà Nẵng có một xưởng sửa chữa xe lăn vô cùng đặc biệt. Những người khuyết tật chỉ cần gọi điện, thầy và trò sẽ đến nhận xe, sửa hoàn toàn miễn phí.
Xưởng sửa xe lăn trong trường học
Khoảng 14h chiều, tiếng cờ lê, ốc vít loảng xoảng, tiếng hội ý giữa thầy trò Trường Cao đẳng Nghề Đà Nẵng vẫn râm ran.
Bỗng một cuộc điện thoại vang lên, thầy Nguyễn Anh Vũ - Bí thư Đoàn trường - nhấc máy: "Chị cần sửa xe lăn à, 15 phút nữa chúng em đến mang xe về sửa nhé".
Thầy giáo vừa cúp máy, phía bên ngoài, sinh viên Lê Văn Dương (22 tuổi, khoa cơ khí) lại đẩy thêm một chiếc xe lăn về để "khám bệnh".
"Lốp chắc phải thay mới, khung gỉ sắt cả rồi, phần ghế đã cũ rách hết. Chiếc này hỏng nặng đấy", Dương nói và xắn tay ngay vào công việc của mình.
Đó là những gì diễn ra hằng ngày tại xưởng sửa xe lăn miễn phí của thầy trò Trường Cao đẳng Nghề Đà Nẵng.
Thầy Lê Thanh Ngà - Phó Bí thư Đoàn trường - cho biết mô hình xe lăn yêu thương là dự án phi lợi nhuận được Phòng Công tác sinh viên cùng Đoàn Thanh niên Trường Cao đẳng Nghề Đà Nẵng thành lập.
Với thế mạnh về đào tạo nghề trong lĩnh vực cơ khí, xe lăn yêu thương sẽ thực hiện sửa chữa xe hư, làm mới những chiếc xe lăn cũ, tạo những chiếc xe mới để tặng cho người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn thành phố.
Ngay khi mới thực hiện, mô hình đã nhận được sự quan tâm và tham gia của hơn 20 sinh viên mỗi khoa. Nhà trường liên kết với Hội Người khuyết tật TP Đà Nẵng để thông báo cho các hội viên có nhu cầu sửa xe.
Xe lăn bị hư, không thể sử dụng được sẽ được đưa đến Hội Người khuyết tật hoặc thông báo địa chỉ, các thầy giáo hoặc sinh viên sẽ đến để đưa xe về sửa chữa sau đó bàn giao lại cho người dân.
"Nói là xưởng cho lớn, chứ chúng tôi chỉ tận dụng những thiết bị có sẵn trong của trường để sửa. Sau 6 tháng triển khai, xưởng đã sửa, trao trả gần 20 chiếc xe lăn cho người khuyết tật", thầy Ngà chia sẻ.
Sửa "đôi chân" cho người khuyết tật
"Thầy ơi, phanh xe này không có linh kiện thay thế, giờ "chế" sao đây thầy?", sinh viên Nguyễn Hồng Quân (22 tuổi, khoa cơ khí) đặt câu hỏi. Thầy Lê Thanh Ngà tiến lại và hướng dẫn kỹ thuật "độ chế" gỡ khó trong quá trình sửa chữa.
Theo thầy Ngà, trong quá trình sửa, gặp không ít khó khăn bởi xe lăn là loại đặc biệt, không có phụ tùng thay thế. Những trường hợp đó, các thầy và sinh viên phải mày mò "chế" lại từ những vật liệu, linh kiện có sẵn trong xưởng.
Bên cạnh đó, những linh kiện bắt buộc phải mua mới, nhưng kinh phí khá hạn chế nên đây cũng là trở ngại vô cùng lớn của xưởng.
"Xe cơ thì chúng tôi sửa dễ dàng, nhưng xe điện thì mất rất nhiều thời gian độ chế. Có trường hợp phải chế từ xe bình thường thành xe tự động để người già, khuyết tật tay chân dễ sử dụng", thầy Ngà bộc bạch.
Khi đăng ký tham gia vào mô hình, sinh viên Nguyễn Hồng Quân khá lo lắng vì kiến thức, kỹ năng mình khá ít. Nhưng nhờ sự giúp đỡ của các giáo viên mà giờ đây Quân đã thành một anh "thợ sửa xe lăn" lành nghề.
Quân vẫn còn nhớ rõ, chiếc xe lăn đầu tiên xuất xưởng, Quân cùng các thầy ở đây phải mất hơn hai ngày sửa chữa. Khi bàn giao xe về cho chủ, nhận lại lời cảm ơn và nụ cười khiến em rất vui và tự hào với công việc mình đang làm.
"Em rất tự hào vì công việc mà bản thân em cùng các thầy đang làm giúp những người khiếm khuyết đi lại dễ dàng hơn. Sau này ra trường, em sẽ quay lại trường để giúp đỡ xưởng sửa xe lăn miễn phí", Quân thổ lộ.
Thầy Nguyễn Anh Vũ chia sẻ, xe lăn là vật bất ly thân với người khuyết tật. Trước đây, nếu xe hư hỏng, họ phải tự sửa chữa hoặc nhờ người thân sửa giúp, nhưng việc này thực sự khó khăn.
Vì vậy, mô hình này không chỉ rèn tay nghề, dùng những kiến thức đã học để hỗ trợ cộng đồng. Các em sinh viên sẽ được học về lòng nhân ái, sẻ chia, sẵn sàng giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn.
Mô hình này sẽ tiếp tục được trường duy trì để hỗ trợ thêm nhiều người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn và các tỉnh lân cận.