“Thầy ơi, thầy online đi ạ”

Hình thức học trực tuyến đã có mặt ở rất nhiều nước trên thế giới. Trong một năm trở lại đây, nhiều người trẻ đã đăng ký vào những lớp học dạng này. Và đương nhiên một phiên bản mới của người thầy ra đời: thầy cô online.

Thầy gấp máy lại sau khi đã trả lời hàng chục comment trên diễn đàn, lại thấy tin nhắn đến tíu tít trên điện thoại: “Thầy ơi, thầy online đi, em muốn hỏi ạ”. Thầy lại tiếp tục online. Online tranh thủ khi ngồi trên ô tô. Online vội vàng sau cuộc họp công ty. Online nhanh chóng khi có tin nhắn thắc mắc của trò.

 

Thầy Vũ Đức Nam, giảng viên của chương trình đào tạo trực tuyến TOPICA nói rằng: “Trong phần profile của thầy, thời điểm truy cập gần đây nhất, câu trả lời mới nhất rất có thể là 2h sáng”.


“Thầy ơi, thầy online đi ạ” - 1

Học online cũng là cách mà nhiều sinh viên chọn học hiện nay. (Ảnh minh họa)

 

“Thầy ơi, thầy online đi ạ”

 

Thầy Vũ Đức Nam, nguyên là Phó Tổng giám đốc Công ty sở hữu trí tuệ Davilaw được mời làm giảng viên cho môn Pháp luật đại cương, Luật kinh tế. Công việc của một thầy giáo e-learning khiến anh say mê thực sự: “Lấy ví dụ là môn Pháp luật đại cương, bạn sẽ hình dung việc dạy và học của chúng tôi như thế nào.

 

Môn học này được học trong 8 tuần. Buổi đầu tiên và buổi cuối cùng sinh viên sẽ gặp nhau trên lớp với những tình huống và bài học sinh động. Phần lớn thời gian còn lại, các bạn sẽ học trên diễn đàn, hay học trong không gian 3D. Sinh viên tham gia vào một game tên là Giải mã các thời kỳ và nội dung của những câu hỏi trắc nghiệm trong game chính là lý thuyết nền tảng của môn Pháp luật đại cương.

 

Trong thế giới của second life, bạn sẽ tham quan lần lượt từng thời kỳ: từ thời chiếm hữu nô lệ, Nhà nước phong kiến đến Nhà nước tư sản, Nhà nước xã hội chủ nghĩa...”.

 

Sau mỗi lượt tham quan, chương trình sẽ tự động tính điểm các câu trả lời trắc nghiệm của bạn (đừng nghĩ đến chuyện đi “chùa Thầy” hay “mua điểm” trong những lớp học như thế này).

 

Quy định của chương trình đào tạo trực tuyến là thầy cô phải dành ít nhất 30 phút mỗi ngày để trả lời các thắc mắc của sinh viên. Nhưng thời gian học viên online để cùng học với các thành viên trong diễn đàn còn nhiều hơn thế.

 

Thay vì điểm danh như các lớp học truyền thống thì profile của mỗi sinh viên hay giảng viên đều cập nhật số lượt vào, thời gian truy cập và điểm số mỗi lần làm bài tập.

 

Người thầy có thể nắm được chất lượng của sinh viên thay đổi theo từng tuần và mức độ chuyên cần thay đổi theo từng ngày. Và nếu bạn vào diễn đàn của môn Luật kinh tế mà thấy dòng thông tin: “Hạn làm xong bài là 23h55phút ngày 22/11” (hoặc có thể deadline sẽ chi tiết đến từng giây) thì cũng đừng ngạc nhiên nhé, vì đây là lớp học trực tuyến mà.

 

Thầy được tặng... máy bay để cất cánh

 

Phần lớn giảng viên của chương trình này là các doanh nhân, tổng giám đốc, giám đốc của các công ty và tập đoàn lớn (TOPICA đã hoàn thành được một phần của chương trình 1000 doanh nhân truyền kinh nghiệm cho thanh niên qua e-learning).

 

Nếu chỉ vì lý do tăng thu nhập, nhiều doanh nhân sẽ không chọn thêm công việc giảng dạy này. Thầy Vũ Đức Nam nói: “Tôi trở thành giáo viên trực tuyến vì người thầy của môi trường học đường này luôn được thể hiện tối đa ý tưởng của mình. Giống như một thầy giáo khác đã nói, chúng tôi như được tặng cả máy bay, xăng dầu, nguyên liệu để những ý tưởng cất cánh”.

 

Thay vì đến lớp vào những buổi sáng thì thầy giáo của e-learning vào giảng bài khi... mọi người đã ngủ, khi chờ chuyến bay, khi đã hoàn thành xong 8 giờ công sở.

 

Thay vì xây trường, mở lớp, các chương trình đào tạo trực tuyến tập trung vào việc xây dựng học liệu. Một môn học có thể có cả 3 thầy “đứng lớp” cùng một lúc và có thêm vài cố vấn giáo dục. Những người này sẽ giúp cho các ý tưởng trở nên khả thi hơn.

 

Trong câu chuyện của thầy Vũ Đức Nam có nhắc đến một ý tưởng làm tiểu phẩm với tên gọi là “Ma phố” cho bài giảng môn Luật những tưởng là khô khan của mình.

 

Các thầy sử dụng điện ảnh như một ngôn ngữ khác để biểu đạt những loại hình phạm tội trong tình huống phim. Thầy giáo đóng vai các nhân vật trong phim kể về một tình huống trộm đồ, làm giả vé xe, lừa đảo để lấy xe... và phân nhóm để sinh viên thảo luận.

 

Tiểu phẩm “Ma phố” do các thầy vào vai nhân vật chính khiến không ít sinh viên trong lớp ngỡ ngàng.  Trong không gian 3D, mọi ý tưởng đều có thể được thể hiện.

 

Khi học trò là... đối tác

 

Thầy Vũ Đức Nam cho biết: “Nhiều thời điểm trong ngày tôi nhận được những cuộc gọi của sinh viên hỏi về một vấn đề mà họ đang vướng mắc ngay tại thời điểm đó. Người thì hỏi về việc thành lập công ty, thay đổi loại hình kinh doanh, người thì băn khoăn về chuyện vốn điều lệ, hay một vụ kiện liên quan đến chuyện đòi nợ.

 

 Có khi cùng một vấn đề nhưng có đến cả chục comment, sau khi giải đáp cho sinh viên này thì sinh viên khác lại tiếp tục phản biện.

 

Sinh viên là động lực để các thầy online luôn phải cập nhật những kiến thức mới, tình huống mới trong cuộc sống. Bởi sinh viên đều là những người đang đi làm nên họ có thể tự học từ chính những câu chuyện của nhau. Và người thầy cũng thấy được những yếu tố mới lạ từ các câu chuyện này”.

 

“Có lần, một anh trưởng phòng đi học và cần tìm người giúp việc set up hệ thống thuế cuối năm. Vậy là ngay lập tức mình có thể giới thiệu cho anh này một sinh viên ở lớp khác hoàn toàn có thể đáp ứng được nhu cầu công việc.

 

Những yêu cầu xin link để load tài liệu, cố vấn pháp luật cho các vụ việc thực tế ở công ty được chuyển đến thầy thường xuyên” - thầy Nam cho biết.

 

Theo Sinh Viên Việt Nam