Ký ức học đường:

Thầy Nhung

Năm học 1952 - 1953, tôi học lớp bốn với Thầy Trần Nguyên Nhung. Thế là đã năm mươi mốt năm trôi qua. Năm mươi mốt năm ấy đã nối tuổi thiếu niên với tuổi già gần bảy mươi của tôi thành một chuỗi. Bây giờ đã sau năm mươi mốt năm mà mọi việc vẫn như mới đó. Hình ảnh Thầy vẫn hiện lên sống động trước mắt tôi.

Thầy Nhung khoẻ, đẹp, rất vui nhưng cũng rất nghiêm. Thầy rất mê bóng đá và văn nghệ. Hồi ấy, quê tôi nghèo lắm. Thầy tôi ở trong nhà dân nhưng cơm không đủ ăn. Giường dành cho Thầy nằm cũng chỉ là chiếc chõng tre. Thầy tập văn nghệ, tổ chức bóng đá, tổ chức cho học sinh đi lao động ở các thôn xóm và đi tham quan. Thời ấy, giặc Pháp cho máy bay ném bom vùng hậu phương nên lớp học cũng đặt trong nhà dân. Thầy hướng dân học sinh đào hầm trú ẩn, làm đèn học đêm.

 

Điều làm chúng tôi nhớ mãi về Thầy là tấm lòng tận tuỵ, chăm lo dạy bảo với cả tình thương yêu quý mến học trò. Tuy dạy lớp cuối cấp một nhưng Thầy vẫn chăm lo cho chúng tôi từng nét chữ, quan tâm đến cách cầm bút, đặt bút, dưa nét của từng học sinh. Mấy bạn tay lóng ngóng viết ngệch ngoạc làm Thầy gần như nổi nóng nhưng rồi Thầy nén lại, kiên trì bày vẽ. Cái lạ lùng là hầu hết học sinh lớp tôi viết chữ giống nét chữ của Thầy. Thầy nhìn chữ rồi nhìn chúng tôi tươi cười như có điều gì xúc động lắm.

 

Có một việc làm thật cảm động mà tôi không bao giờ quên được. Đó là lần Thầy và tôi đi dự liên hoan tổng kết ngành cấp huyện. Bà nội và mẹ tôi đau yếu không đưa tôi đi được. Cái thời ấy đã ai có xe cộ gì đâu. Thầy Nhung đi họp cũng cũng chỉ đôi dép mỏng, cái xắc vải và cái nón đội đầu. Lúc đầu còn hăng, tôi lẽo đẽo đi được kịp Thầy.

 

Đi được mấy cây số, chân tôi mỏi nhừ, đi tụt lại. Thế là Thầy lại dắt, hết dắt rồi lại cõng cứ thế. Đến chỗ cầu Đông, đường hai bên cầu gồ ghề, lầy lội. Thầy cõng tôi đi qua hai đoạn đường lầy sục và chiếc cầu tre vắt vẻo ấy. Để Thầy phải cõng, tôi sợ và thương Thầy quá nhưng không biết làm sao. Đến bây giờ, tôi vẫn hình dung ra chiếc cầu kháng chiến hồi bấy giờ và hình ảnh Thầy Nhung cõng tôi đi trong mưa gió.

 

Sang năm học mới, ngày chia tay Thầy mới bịn rịn làm sao! Khi cầm giấy báo được lên thẳng cấp hai từ tay Thầy trao cho, tôi không cầm được nước mắt. Thầy ôm chặt tôi vào lòng khá lâu. Khi buông tôi ra, mắt Thầy nhấp nháy mấy lần rồi Thầy nói lạc giọng và nhỏ hẳn đi: “Em gắng học giỏi nhé!”

 

Đã làm Thầy ngót bốn mươi năm đủ buồn vui xúc động nhưng không sao tôi quên được thầy giáo Nhung - một người Thầy để làm trong lòng tôi nỗi nhớ thương, tình yêu, niềm tin và nghị lực.

Cuối mùa thu năm 2002, một tháng sau khi tôi nhận được bức thư dài cùng với tấm ảnh của Thầy thì Thầy đã ra đi giữa tuổi bảy mươi tám.

 

Thầy vĩnh viễn ra đi nhưng hình ảnh, đức độ vài tài năng của Thầy thì mãi mãi ở lại với quê hương tôi, ở lại trong lòng mỗi học trò chúng tôi.

 

Trần Danh Hải

Thạch Thắng - Thạch Hà - Hà Tĩnh