Thầy Hậu của trẻ đường phố
Dù Hậu chưa một ngày đứng lớp, chưa một ngày giảng bài, nhưng nhiều đứa trẻ lang thang cơ nhỡ được Hậu giúp đỡ đều gọi người giáo dục viên đường phố này là thầy Hậu. Thầy Hậu không chỉ dạy điều hay lẽ phải mà còn là chỗ dựa tinh thần cho các em.
Người ốm, nước da ngăm đen hay chạy xe Cub 50 đến các khu ổ chuột - nơi ở của những đứa trẻ nghèo, lang thang cơ nhỡ để bầu bạn. Đó chính là phác thảo về Nguyễn Trung Hậu, 23 tuổi, giáo dục viên của dự án Bình Minh tại TP Cần Thơ. Trần Thanh Thế, một đồng nghiệp, nói về Hậu: “Cái được nhất của Hậu là rất nhiệt tình. Những ca khó thường người khác bỏ chứ Hậu nhất định đeo đến cùng”.
Bạn của trẻ đường phố
Giữa năm 2009, đang đi qua đường Trần Hưng Đạo, Hậu dừng xe khi thoáng thấy một cậu bé ngồi co ro trên vỉa hè, tay cầm sổ dò vé số. Giác quan nghề nghiệp mách bảo Hậu đến bắt chuyện với cậu bé đang run lên vì đói và sợ. “Hôm qua em bị trấn lột gần 100 tờ vé số nên không dám về nhà vì sợ bị đòn. Tối em nằm ngủ ở ghế đá trong khi bụng đói mà không có tiền mua đồ ăn”, cậu bé vừa khóc vừa kể cho Hậu nghe câu chuyện của mình. Cho cậu bé ăn no, Hậu chở em về đến tận nhà và nói chuyện với bố mẹ em. Cả gia đình gặp nhau vừa mừng vừa tủi.
Bất kể ngày đêm, có điện thoại ở đâu đó báo tin là Hậu lại cùng chiếc Cub 50 lên đường. Những điểm nóng về trẻ em có nguy cơ bị bỏ học cao hay nơi các em lang thang cơ nhỡ sinh sống là nơi Hậu có mặt thường xuyên nhất. Cả ngày Hậu tất tả đi đến các khu ổ chuột để trò chuyện và tìm hiểu cảnh ngộ của những trẻ cơ nhỡ, đêm xuống lại lang thang cùng trẻ bụi đời đi “thực tế” đường phố.
Dự án nhân đạo Dự án Bình Minh là tên gọi của dự án Hội nhập xã hội nghề nghiệp cho trẻ có hoàn cảnh đường phố tại Q.Ninh Kiều, TP Cần Thơ. Dự án đi vào hoạt động từ tháng 9-2006 trên cơ sở hợp tác giữa Sở Lao động-thương binh & xã hội TP Cần Thơ và Tổ chức Terre des hommes Foundation Lausanne (Thụy Sĩ). Mục tiêu của dự án là hỗ trợ thanh thiếu niên có hoàn cảnh khó khăn thông qua việc hỗ trợ học chữ, học nghề và giới thiệu việc làm, giúp làm giấy tờ tùy thân, tổ chức các hoạt động vui chơi... |
Người cùng cảnh ngộ
Là con út trong một gia đình đông anh em với thu nhập bấp bênh từ tiền lương hưu giáo viên tiểu học của mẹ và tiền công của ba đi phụ hồ, Hậu phải gác lại ước mơ bước vào giảng đường ĐH sau khi tốt nghiệp phổ thông, đi làm công nhân đóng gói sản phẩm. Một năm sau Hậu gặp một thành viên của dự án Bình Minh và trở thành giáo dục viên từ đó. Công việc của Hậu là tiếp xúc, tìm hiểu, giúp đỡ và hỗ trợ về mặt học hành và cả tìm nơi học nghề cho các em có gia đình khó khăn hoặc trẻ lang thang...
Tăng Kim Dung, một học viên đang học làm tóc, bày tỏ: “Cũng muốn học nghề để đi làm nhưng không có tiền đóng học phí. May gặp anh Hậu hướng dẫn chọn nghề rồi dự án hỗ trợ tiền học”. Kim Dung đã học xong nghề tóc và chuẩn bị đi làm thêm để có vốn mở một tiệm làm tóc nhỏ cho riêng mình ở nhà.
Còn Thạch Tô Ny, 16 tuổi, bơ vơ vì hai người anh đi tù trong khi bố mẹ lên TP.HCM mưu sinh. Ny được Hậu giúp làm chứng minh nhân dân, hỗ trợ tìm công việc làm thạch cao phù hợp với tuổi để có thể trang trải cuộc sống. “Nhờ anh Hậu mà em có việc để làm, tối lại được đi học văn hóa để biết đọc, biết viết”, Ny nói.
Nhà gần cơ quan nhưng cơm bụi là bữa ăn thường ngày của Hậu. Nói về công việc của mình, Hậu bày tỏ: “Mình cũng như các bạn, may mắn hơn là còn có gia đình. Cùng cảnh ngộ mà, giúp nhau để các em có cơ hội như bao bạn đồng trang lứa khác”.