Quảng Nam:

Thầy giáo vùng cao làm cầu nối giúp đỡ học sinh và người nghèo

Công Bính

(Dân trí) - 20 năm công tác ở vùng núi cao Nam Trà My (tỉnh Quảng Nam), thầy giáo Nguyễn Trần Vỹ đã in dấu chân của mình ở những thôn, nóc rất khó khăn, giúp đỡ nhiều hoàn cảnh, làm cầu nối xây nhiều điểm trường…

Tôi biết thầy giáo Nguyễn Trần Vỹ mấy năm trước trong một lần theo đoàn từ thiện ở TPHCM lên huyện Nam Trà My (Quảng Nam) giúp đỡ người dân bị ảnh hưởng của bão lũ. Năm đó, mưa lớn gây ra vụ sạt lở Khe Chữ (xã Trà Vân, huyện Nam Trà My) cuốn trôi nhiều nhà cửa, người dân bị thương vong.

Lúc đó, anh là một trong những người làm cầu nối để đoàn từ thiện đến được với từng hoàn cảnh cần hỗ trợ. Đồng bào cần kế sinh nhai thì đoàn từ thiện hỗ trợ bò giống, các em học sinh cần sách, vở, áo ấm thì được hỗ trợ áo ấm…

Thầy giáo vùng cao làm cầu nối giúp đỡ học sinh và người nghèo - 1

Thầy Vỹ chia sẻ khó khăn với người dân xã Trà Leng, nơi vừa xảy ra vụ sạt lở kinh hoàng ngày 28/10/2020.

Gần đây nhất, trưa 28/10 xảy ra sạt lở ở Trà Leng, chiều cùng ngày, Vỹ cùng với các giáo viên khác cắt rừng, vượt qua sạt lở để vào với học sinh và bà con nơi đây.

Từ trung tâm huyện Nam Trà My đến Trà Leng hơn 20 cây số giữa mưa gió, sạt lở, Vỹ là một trong số ít người đầu tiên vào hỗ trợ bà con và học sinh Trà Leng ngay sau vụ sạt lở.

Hình ảnh Trà Leng sau đó được Vỹ đưa lên mạng xã hội và được chia sẻ rất nhiều. Từ đó nhiều mạnh thường quân cả nước chung tay giúp đỡ bà con Trà Leng vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống…

Thầy giáo vùng cao làm cầu nối giúp đỡ học sinh và người nghèo - 2

Thầy Vỹ vận động nhà hảo tâm dựng lại nhà cho bà con dân tộc ở địa phương.

Công tác ở Nam Trà My đúng 20 năm, thầy giáo Vỹ không nhớ hết mình đã giúp kết nối với bao nhiêu trường hợp học sinh khó khăn, bao nhiêu hoàn cảnh khó khăn ở Nam Trà My để giúp họ vượt qua thử thách. Nhiều điểm trường và nhà của bà con được sửa chữa lại, Vỹ cũng không nhớ rõ…

Trước khi tách huyện, thầy Vỹ sinh ra và lớn lên ở Trà My nói chung. Sau này tách huyện Nam và Bắc Trà My, những năm 1990-1991, chàng thanh niên này lên Nam Trà My học trường Tiểu học Trà Mai, huyện Nam Trà My.

Thầy giáo vùng cao làm cầu nối giúp đỡ học sinh và người nghèo - 3

Thầy Vỹ (người ngồi, đội mũ tai bèo) cùng nhà hảo tâm đến điểm trường khảo sát, sửa sang lại cho các em học sinh

10 năm sau, năm 2010, Vỹ tốt nghiệp học trường Trung học Sư phạm Quảng Nam và về dạy đúng ngôi trường trước đó mình đã học là trường Tiểu học Trà Mai. "Hồi đó khó khăn lắm, mình đi học, đi dạy được bà con dân bản nuôi mình là chính, bà con hay cho gạo, cho rau nuôi sống mình", thầy Vỹ nhớ lại.

Tại trường Tiểu học Trà Mai, thầy Vỹ nhận dạy điểm trường xa nhất của xã, đi bộ 6 tiếng mới đến nơi vì lúc đó đường sá rất khó khăn.

"Thật ra lúc đó mình không thích làm nghề giáo. Đi học trường Trung học Sư phạm Quảng Nam chẳng qua lúc đó không đóng học phí. Lúc đó mình cũng đỗ Đại học Nông lâm Huế nhưng không có tiền đi học nên đành phải học Sư phạm, cũng vì nhà anh em đông, gia đình rất khó khăn", thầy Vỹ kể.

Thầy giáo vùng cao làm cầu nối giúp đỡ học sinh và người nghèo - 4

Trường tiểu học Kim Đồng đóng ở xã Trà Mai, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam. Sau gần 10 năm làm chuyên viên Phòng Giáo dục Nam Trà My, hiện thầy Vỹ trở lại mái trường xưa làm Chủ tịch Công đoàn và phụ trách y tế của trường.

Lúc đi học, Vỹ gặp được thầy giáo cũng có hoàn cảnh khó khăn khuyên nên theo nghề giáo. "Ra trường, đi dạy thì nhận ra mình không thích nghề giáo. Bản thân thích bay nhảy chứ không ưng ở một chỗ", thầy Vỹ thẳng thắn chia sẻ.

Đi dạy ở điểm trường xa nhất xã Trà Mai, thầy Vỹ có tâm lý nản vì quá xa, mà điểm trường thì xuống cấp, xập xệ.

Vỹ kể lúc đó mình rất nản nhưng anh em đông, phải đi làm để nuôi 6 đứa em ăn học. Sau thời gian, thầy Vỹ thấy học trò quá khổ nhưng các em sống vô tư, vui vẻ. Thầy Vỹ bảo đây chính là động lực để mình tiếp tục ở lại với học sinh, ở lại với bà con và cảm thấy gắn kết.

Thầy giáo vùng cao làm cầu nối giúp đỡ học sinh và người nghèo - 5

Tại Ngày hội Tình nguyện Quốc gia vào ngày 5/12 vừa qua, thầy Nguyễn Trần Vỹ (chính giữa) là một trong mười cá nhân được Trung tâm tình nguyện Quốc gia của Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh trao giải thưởng Tình nguyện Quốc gia năm 2010.

Năm 2011, khi thầy Vỹ đang dạy học ở trường Tiểu học Trà Mai thì được "biệt phái" về Phòng Giáo dục của huyện Nam Trà My làm chuyên viên. Lúc này, thầy Vỹ biết được có nhiều đoàn từ thiện từ các nơi hay lên huyện để giúp đỡ học sinh, bà con, nhất là những lúc sau bão, lũ.

Ở xa đến, các đoàn từ thiện lúng túng trong việc xác định địa chỉ cần giúp đỡ. Nhận thấy bất cập trong việc này, thầy Vỹ cùng anh em thân thương ở huyện xắn tay vào hỗ trợ các đoàn từ thiện. Để hoạt động "chính quy", thầy Vỹ cùng anh em của mình lập ra câu lạc bộ (CLB) Kết nối yêu thương Nam Trà My do thầy là Chủ nhiệm.

Sau khi thành lập CLB, anh em đi khảo sát những địa chỉ cần giúp đỡ, hỗ trợ ở huyện. Từ đó khi có đoàn từ thiện hay mạnh thường quân nào giúp đỡ, CLB đã có ngay địa chỉ và sự hỗ trợ của mạnh thường quân đến đúng địa chỉ. Quan trọng nhất là không được để tình trạng chỗ có chỗ không, chỗ ăn không hết chỗ thì không có gì, tạo bất công trong bà con.

Giúp đỡ cho bà con và học sinh cái ăn thì không bền vững, CLB của thầy Vỹ tìm kiếm những điểm trường xập xệ, nhà của bà con xuống cấp để hỗ trợ làm lại.

Từ đó, thầy Vỹ kết nối với các nhà hảo tâm, mạnh thường quân trong cả nước đến giúp đỡ sửa sang lại điểm trường. Thầy Vỹ giờ cũng không nhớ hết các điểm trường, nhà của bà con bị hư hỏng đã được mình kết nối, kêu gọi hỗ trợ.

Thầy Vỹ chỉ nhớ khoảng được hơn 50 điểm trường, khoảng 100 phòng học, 4-5 khu nội trú cho học sinh và mấy chục nhà bà con. Bên cạnh đó là học bổng cho học sinh thì đếm không xuể.

Trong 20 năm qua, kỷ niệm mà thầy Vỹ nhớ nhất là tại điểm trường Răng Chuỗi (thôn 2, xã Trà Tập). Điểm trường này không phải là việc vận động kinh phí để làm trường mà vận động bà con vận chuyển vật liệu.

Vì đi bộ 4-5 tiếng mới đến nơi nên việc vận động bà con cõng vật liệu rất gian nan. Tuy nhiên, bà con cũng giúp đỡ vô tư. "Có kỉ niệm mình rơi nước mắt là lúc đó, có một người mẹ đi từ sáng sớm xuống núi cõng gạch men lên, khi đến nơi đã về chiều, người mẹ này kéo áo cho con bú ngay tại chỗ mà gùi gạch vẫn còn trên lưng. Nhìn thấy hình ảnh, mình đã khóc", thầy Vỹ xúc động.

Giờ đây, thầy Vỹ quan niệm, quà giúp đỡ bà con cũng nhiều nhưng đó là cái nhất thời, còn cái tồn tại với thời gian là những ngôi trường an toàn cho các em học, là những ngôi nhà cho bà con khó khăn, cơ sở vật chất cho thầy cô giáo… Đây mới là câu chuyện bền vững.

Thầy Vỹ cũng chia sẻ, tuy nhà ở giáo viên và học sinh cũng như các điểm trường bây giờ dù không khang trang nhưng đã đủ ấm, sạch sẽ. Hiện còn ít điểm trường, nhà ở cho học sinh, giáo viên còn xập xệ nên hướng sắp tới sẽ chuyển hướng sang làm đường bê tông.

Đối với huyện Nam Trà My, những con đường đến trường của thầy cô giáo thật sự vất vả, còn rất nhiều điểm trường thầy trò phải đi bộ vài tiếng mới đến nơi, do vậy thời gian tới nếu có sự hỗ trợ của mạnh thường quân thì sẽ tập trung làm những con đường cho học sinh và giáo viên đi lại thuận tiện.

"Đường không cần hoành tráng, chỉ làm vừa đủ cho giáo viên đi xe máy đến tận trường là được. Đường tới thì trường sẽ tới. Nếu có đường, nhà nước và mạnh thường quân sẽ ủng hộ để làm cho điểm trường an toàn", thầy Vỹ chia sẻ.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm