Thầy giáo Trần Phương: “Tôi không chơi trội”

(Dân trí) - Về sự việc 5 học sinh lớp 6 giải được đề thi tốt nghiệp THPT gây những bàn tán trong dư luận thời gian qua, anh Trần Phương - thầy giáo trực tiếp ôn luyện cho các học sinh trên, bày tỏ: “Tôi không có ý định làm rùm beng việc này lên để khiến các bậc phụ huynh đổ xô tìm đến lớp học của tôi”.

“Tôi cũng không cổ xuý cho việc học “vượt cấp” như vậy. Tất cả chỉ là một sự thử nghiệm về kỹ năng đọc nhanh cho học sinh mới nhằm khai phá tài năng và chính các em sẽ là những thành viên trong CLB Thần đồng Đất Việt dự kiến ra đời vào đầu năm 2008” - anh Phương nói.

Anh Phương cho biết, khi đọc bài “Danh hão giết chết tài năng?” đăng trên báo Khuyến học và Dân trí, anh đã thấy rất buồn. Trần Phương tâm sự: “Danh hão cho tôi hay cho những học trò của tôi thì đều không đúng. Tôi không chơi trội. Thực ra giữa danh hão và điểm biên của tôi chỉ là một ranh giới rất mỏng manh. Nếu tôi không biết điểm dừng thì đó thực sự là danh hão.

Mô hình học sinh lớp 6 học được chương trình lớp 12 của tôi sẽ chỉ thực hiện trong đúng một năm, sau đó, nó sẽ biến mất. Vì đó chỉ là cách để mọi người biết đến CLB Thần đồng Đất Việt sẽ ra đời trong thời gian tới”. 

Một sự thử nghiệm gây sốc cũng đồng thời là một hình thức marketing khá thông minh, một cách “dọn đường” cho CLB Thần đồng Đất Việt ra đời? 

Tôi nghĩ rằng bọn trẻ đó cũng không mất gì. Một tuần tôi chỉ dạy một buổi và thời gian đó thay vì chơi game, các em sẽ học như vậy. Điều tôi muốn chính là dạy cho bọn trẻ không còn thấy sợ về kiến thức theo cách làm cho các em thấy em yêu kiến thức một cách tự giác.

Tôi mở lớp học này nhằm kiểm tra trí tuệ của các em và kiểm tra kỹ năng đọc thông tin một cách nhanh nhất. Đây chính là bước thử nghiệm phương pháp cho sự ra đời của CLB Thần đồng Đất Việt. Tôi xin nhấn mạnh rằng lớp học này chỉ được mở một lần duy nhất và tôi không cổ xuý việc rút ngắn thời gian học Toán đối với học sinh nói chung. 

Tôi có kỳ vọng CLB Thần đồng Đất Việt sẽ là bước khởi động đển ra đời trường đào tạo học sinh tài năng của Việt Nam. Đây là một trường học nội trú được trang bị công nghệ giảng dạy ở đẳng cấp quốc tế. Các học sinh sẽ được tuyển chọn từ khắp mọi miền trên đất nước, không phân biệt giàu nghèo mà chỉ phân biệt chỉ số IQ. Các cháu nghèo sẽ được bảo trợ toàn bộ kinh phí ăn học tại trường. Sau này, khi các cháu thành danh thì có thể đóng góp lại kinh phí cho nhà trường. 

Dù chỉ thực hiện một năm nhưng điều này vẫn có thể khiến các em học sinh lớp 6 giải được toán lớp 12 này rơi vào ảo tưởng, vào sự ngộ nhận thần đồng và phải chăng sự thử nghiệm như một hình thức PR này sẽ làm hại các em? 

Về mặt nguyên tắc thì điều này là có thể. Dù vậy, tôi luôn cảnh báo, răn đe điều này cho các em bằng những cách như cho các em đọc những giáo trình cao xa của Mỹ (?!) để cho các em hiểu được sự siêu việt, rằng bể kiến thức là vô cùng mênh mông, không bao giờ được tự kiêu tự đại rằng những gì mình làm được đã là giỏi. 

Như anh đã kể thì anh từng trải qua một thời là học sinh chuyên “ăn ngủ” cùng toán, vậy chắc chắn anh phải rất thấm thía sự cơ cực của việc cố học, vậy mà...? 

Tôi trước học khối chuyên Toán ĐH Tổng hợp Hà Nội, sau đó tôi học khoa Toán ĐH Sư phạm I Hà Nội. Tôi muốn từ những kinh nghiệm của mình học hỏi từ hệ thông giáo dục chuyên để rút ra những kinh nghiệm và truyền lại cho các thế hệ sau, giúp các em tránh những sai lầm mà chúng tôi mắc phải. 

Thời chúng tôi học Toán, có những người do không được phát triển toàn diện nên với chân đế không vững đã bị gục ngã trên con đường chinh phục đỉnh cao Toán học. Tôi quan niệm, phương thức dạy học theo hệ chuyên cũ là phương thức theo kiểu con kiến bò ngang trên mặt phẳng. Với cách tiếp cận này, tầm nhìn bị hạn chế. 

Tôi cũng là một học sinh chuyên Toán hơi cá biệt. Một nửa tâm hồn tôi là Toán học, còn nửa kia là âm nhạc, là tâm hồn nghệ sĩ. Khi giảng dạy, tôi chú ý đến các khái niệm Toán học khô khan như: Điểm biên, điểm nút, điểm rơi, điểm xao xuyến, điểm hy vọng, điểm tắt nắng và điểm bừng sáng... Tôi luôn ý thức cho học sinh sung sướng trong từng câu nói, từng bài giảng và vì thế không bao giờ có khái niệm nhồi nhét trong phong cách giảng dạy Toán của tôi. 

Hy vọng của anh khi thực hiện “cú sốc” này là gì vậy? Danh vọng? Tiền bạc? Sự nổi tiếng? 

Ở Mỹ có một cuốn sách nổi tiếng bán rất chạy năm 2005 là “Chiến lược đại dương xanh”. Đối lập với đại dương xanh là đại dương đỏ - tức là thị trường quen biết với sự cạnh tranh khốc liệt. Tìm đến đại dương xanh là chính là mở ra một thị trường mới với những khám phá mới vẫn nằm trong khả năng nhận thức của con người nhưng chưa được đánh thức dậy. 

Tôi thấy tốt hơn là mình đi theo hướng của mình. CLB Thần đồng Đất Việt sẽ không phải là các Trung tâm luyện thi và mở ra cũng không phải để cạnh tranh với các Trung tâm luyện thi nổi tiếng hiện nay (?!). Cái đích của những thành viên khi tham gia CLB này chính là những suất học bổng ở các trường ĐH danh tiếng của nước ngoài.... Câu lạc bộ Thần đồng Đất Việt  có thể vươn xa thành Trường nội trú đào tạo các học sinh Việt Nam...  

Còn điều lo lắng nhất nhất hiện nay của anh sau khi thực hiện “cú sốc” trên? 

Các học trò của tôi sẽ không giải được bài thi ĐH trong kỳ thi ĐH sẽ diễn ra vào ngày 4/7 tới. 

Cảm ơn anh!

Ngày 8/6, GS.VS Vũ Tuyên Hoàng - Chủ tịch Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam - đã ký văn bản đồng ý cho Trung tâm hỗ trợ nghiên cứu và phát triển các sản phẩm trí tuệ Việt Nam (CENSIP) tổ chức 1 phòng thi cách ly độc lập tại Liên hiệp cho 5 học sinh lớp 6 tham dự thi thử theo đề thi tuyển sinh ĐH môn Toán năm 2007.

Cuộc thi sẽ được tổ chức ngay sau khi kết thúc cuộc thi tuyển sinh ĐH môn Toán năm 2007 do Bộ GD-ĐT tổ chức. CENSIP sẽ mời Cục Khảo thí & kiểm định chất lượng (Bộ GD-ĐT) đến dự và giám sát cuộc thi.

Mai Minh
(Thực hiện)