Hà Tĩnh:

Thầy giáo tiểu học sáng chế máy bắn bóng chuyền

(Dân trí) - Một chiếc máy với chi phí thấp, có thể bắn liên tục 16 quả bóng với lực và tốc độ khác nhau, giúp người sử dụng có thể luyện tập bóng chuyền ở các vị trí đa dạng như tấn công, luyện tập bắt bước một, có thể áp dụng cho không gian hạn chế, ít người - sản phẩm được hai thầy giáo ở một trường tiểu học vùng quê Can Lộc, Hà Tĩnh sáng chế đang nhận được nhiều sự khen ngợi.

Sản phẩm “máy bắn bóng chuyền” do hai thầy giáo Phan Tiến Hạnh và Đặng Văn Quang ở Trường Tiểu học Gia Hanh (huyện Can Lộc, Hà Tĩnh) sáng chế vừa được ghi danh "Sách vàng sáng tạo Việt Nam"

Dành dụm tiền lương, sử dụng phế phẩm để sáng chế

Chia sẻ về ý tưởng sáng chế ra chiếc máy độc đáo trên, thầy Đặng Văn Quang cho biết, từ thực tế phong trào thể dục thể thao ở địa phương, đặc biệt là môn bóng chuyền được nhiều người quan tâm và nhiều đối tượng tham gia, là môn thể dục trong nhà trường. Trong khi đó trên thị trường không có sản phẩm nào hỗ trợ người chơi có thể tập luyện bóng chuyền, từ đó thầy Quang đã luôn đặt mục tiêu phải làm bằng được một sản phẩm hữu ích phục vụ cho việc này.


Thầy Quang (bên trái) và thầy Hạnh bên chiếc máy do hai thầy sáng chế.

Thầy Quang (bên trái) và thầy Hạnh bên chiếc máy do hai thầy sáng chế.

“Sau nhiều đắn đo suy nghĩ, tôi đã mạnh dạn đề xuất lên ban giám hiệu nhà trường về việc triển khai sáng chế chiếc máy bắn bóng chuyền. Ngay sau khi nghe tôi trình bày, Hiệu trưởng Phan Tiến Hạnh đã rất nhiệt tình ủng hộ, không những vậy thầy Hiệu trưởng còn dành nhiều thời gian để cả hai người cùng nghiên cứu” - thầy Quang kể.

Từ khi bắt tay vào việc sáng chế chiếc máy, quá trình này hai thầy đã gặp rất nhiều khó khăn, tưởng chừng phải bỏ cuộc. Nhưng bằng nỗ lực và niềm tin nhất định sẽ thành công, thầy Hạnh và thầy Quang lại tiếp tục mày mò, nghiên cứu.

Nói về khó khăn trong việc sáng chế, thầy Hạnh cho hay: “Chúng tôi vốn là những giáo viên ở vùng sâu vùng xa, kinh nghiệm về kỹ thuật và cơ hội tiếp xúc với những máy móc, thiết bị hiện đại còn hạn chế. Nhiều khi có ý tưởng đó nhưng vật liệu không có sẵn, phải mất công tìm kiếm tốn kém thời gian. Bên cạnh đó việc sáng chế gặp khó khăn hơn khi chủ yếu làm bằng thủ công, chủ yếu phải gò hàn”.

Động cơ của máy được các thầy tận dụng từ mô tơ quạt điện hỏng.
Động cơ của máy được các thầy tận dụng từ mô tơ quạt điện hỏng.

Một khó khăn cũng được các thầy chia sẻ đó là nguồn kinh phí hạn hẹp nên chủ yếu là sử dụng các mô tơ quạt điện cũ, vật liệu phế phẩm... để chế tạo. Tuy nhiên, một số vật liệu không sẵn có các thầy phải dành dụm tiền lương hàng tháng để mua.

Từ trường làng đến “Sách vàng sáng tạo Việt Nam”

Sau gần 1 năm mày mò, “đập đi sửa lại” cộng thêm nhiều ngày “quên ăn quên ngủ” sản phẩm do 2 thầy dày công sáng chế cũng được ra đời. Lần thử nghiệm cuối cùng thành công khiến hai thầy vỡ òa trong niềm vui vì đã biến ước mơ về một dụng cụ hỗ trợ học sinh trong tập luyện bóng chuyền trở thành hiện thực.

Mô hình cấu tạo của chiếc máy.
Mô hình cấu tạo của chiếc máy.

Chiếc máy hỗ trợ việc tập luyện bóng chuyền với tính đa dạng, chi phí thấp, người dùng có thể điều chỉnh lực và tốc độ phát (chiếc máy có thể phát 16 quả bóng liên tục), số bóng/phút phù hợp với khả năng, có thể giúp người tập ở mọi vị trí như tấn công, luyện tập bắt bước một, có thể áp dụng cho không gian hạn chế, ít người. Ngoài ra, máy còn có thể hỗ trợ trong việc huấn luyện thủ môn trong môn bóng đá mini.

Chiếc máy có thể điều chỉnh được các chế độ khác nhau.
Chiếc máy có thể điều chỉnh được các chế độ khác nhau.

“Nhiều lần thử nghiệm thấy máy hoạt động không được, có khi hoạt động được thì lại không như mong muốn khiến chúng tôi rất thất vọng. Có những khi mệt quá, chúng tôi vứt đó đi ngủ nhưng khi chợp mắt chợt nảy ra ý tưởng hay lại bật dậy lấy sổ ghi chép và làm tiếp” - thầy Hạnh kể về những kỷ niệm đáng nhớ trong quá trình sáng chế chiếc máy.

Sản phẩm thành công đã đạt mục tiêu là thỏa mãn niềm say mê sáng tạo khoa học kỹ thuật và cũng để góp phần thúc đẩy phong trào rèn luyện thể dục thể thao, luyện tập bóng cho các em học sinh, giáo viên.

Tại cuộc thi Sáng tạo khoa học kỹ thuật cấp tỉnh, sản phẩm trên của thầy Hạnh và thầy Quang đã giành được giải Nhì và vừa qua đã vinh dự được ghi danh vào "Sách vàng sáng tạo Việt Nam". Đây là chương trình do Trung ương MTTQ Việt Nam, Bộ KH&CN, Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam tổ chức tại Hà Nội ngày 30/8.


Sản phẩm dày công mày mò nghiên cứu đã mang lại niềm vui không nhỏ đối với hai thầy giáo trường làng.

Sản phẩm dày công mày mò nghiên cứu đã mang lại niềm vui không nhỏ đối với hai thầy giáo trường làng.

“Đó là sự động viên lớn về tinh thần của chúng tôi trong quá trình nghiên cứu và sáng tạo chiếc máy. Trong thời gian tới chúng tôi sẽ nghiên cứu hoàn chỉnh ở một số thứ còn cảm thấy chưa ưng ý, tiếp tục cải tiến cho nó có nhiều tính năng ưu việt hơn. Nếu có thể chúng tôi mong rằng sản phẩm sẽ được ứng dụng rộng rãi, phát huy tác dụng mà nó đem lại” - thầy Quang nói.

Tiến Hiệp