Tiền Giang:

Thầy giáo hiến 1.200 m2 đất xây trường học

(Dân trí) - Thầy giáo Nguyễn Văn Thắng - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Mỹ Thành Nam 1 (huyện Cai Lậy, Tiền Giang) sẵn lòng hiến tặng hơn 1.200m2 đất để xây dựng trường học, ươm mầm tương lai cho hàng trăm học sinh nghèo ở địa phương.

Trăn trở từ phòng học tre lá

Trong khi đất đai giá cả ngày càng cao, có người phải tận dụng từng “tấc đất” để bán hay kinh doanh, tích tựu của cải. Riêng thầy thầy giáo Nguyễn Văn Thắng - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Mỹ Thành Nam 1, huyện Cai Lậy (Tiền Giang) tự nguyện hiến 1.200m2 đất để xây dựng điểm lẻ ấp 9A (thuộc trường Tiểu học Mỹ Thành Nam 1), tạo điều kiện thuận lợi cho hàng trăm em học sinh (HS) vùng sâu đến trường “bám chữ”, an tâm học hành trong ngôi trường mới khang trang.

Thầy Thắng chia sẻ: “Thấy điểm lẽ ấp 9A (cách điểm chính khoàng 6km) đã xuống cấp, mỗi khi trời mưa gió thầy trò phải nghỉ học để tránh mưa. Nhưng điều tôi lo nhất là những ngày giông bão, ẩn họa có thể xảy đến lúc nào chẳng hay, vì vậy tôi bàn với gia đình và đi đến quyết định hiến mảnh đất mà vợ chồng tôi vất vả mấy năm mới mua được để địa phương xây trường học cho các em HS tiện bề học tập!”.

Thầy giáo hiến 1.200 m2 đất xây trường học

Từ nỗi lo ẩn họa có thể xảy đến với các em khi ngồi học trong căn phòng tre lá, thầy Thắng quyết định hiến 1.200 m2 đất để xây trường kiên cố cho các em học tập.

Theo thầy Thắng cho biết, điểm lẻ ấp 9A thuộc Trường Tiểu học Mỹ Thành Nam 1 được thành lập năm 1986, do địa bàn rộng nên điểm lẻ phải “gánh” số HS địa bàn các ấp: 9A, 9B và HS ở ấp Mỹ Hội và Hội Cư của huyện Cái Bè. Ban đầu điểm trường được dựng bằng tre lá, sau đó được xây tường cấp 4. Sau thời gian hơn 20 năm sử dụng, ngôi trường đã xuống cấp trầm trọng, lớp học ẩm thấp, sụt lún, khi trời mưa, thầy trò phải nghỉ học.

Sau khi thống nhất trong gia đình, thầy Thắng trình bày với địa phương và ngành GD và nhận được được sự ủng hộ nhiệt tình. Tháng 9/2012, ngôi trường được khởi công, kinh phí được Tổng lãnh sự quán Nhật Bản tại TPHCM hỗ trợ cùng nguồn kinh phí của địa phương. Sau thời gian gần một năm xây dựng, điểm lẻ ấp 9A cũng hoàn thành đưa vào sử dụng đúng dịp tựu trường năm học học 2013 - 2014.

Theo ghi nhận của PV Dân trí, trường có quy mô 1 trệt, 1 lầu với 6 phòng học. Ngoài ra, trường còn có các hạng mục như: cổng trường, hàng rào, nhà vệ sinh, sân trường, hệ thống điện, nước sinh hoạt... tổng kinh phí xây dựng hơn 4 tỉ đồng.

Thầy Thắng nhớ lại: “Khi trường khởi công, nhiều phụ huynh đến chung vui và mỗi ngày đều ghé thăm xem tiến độ ra sao. Ai cũng nôn nao chờ trường hoàn thành để đưa con em đến học, có em HS nhà ở gần điểm chính nhưng vẫn xin vào học ở điểm phụ vì thích trường mới khang trang…”.

Không còn lo học sinh bỏ học giữa chừng

Trước đây, điểm lẻ ấp 9A chỉ có lớp 1 đến lớp 3, còn HS lớp 4, lớp 5 phải đi ra điểm chính để học. Những lần học trò bỏ học, đích thân thầy Thắng và giáo viên nhà trường đi vận động mới biết nhiều em gia đình nghèo khó, đi học xa quá nên đành bỏ học giữa chừng. Nhiều em phải lội bộ 5, 6 km đến trường rất vất vả, nhất là mùa mưa, mùa nước nổi.       

Thầy Thắng nhớ lại: “Qua những lần khảo sát trình độ dân trí, chúng tôi rất lo khi dân trong ấp 9A trình độ thấp hơn so với các ấp khác. Trẻ em học hết lớp 4, lớp 5 rồi nghỉ ở nhà làm ruộng làm vườn thì tương lai khó mà phát triển. Lúc đó mong muốn nhất của mình là làm sao con em ở địa phương được học hành, có trình độ... tuy nhiên HS các ấp vùng sâu phải đi bộ 5 - 6km mới đến điểm trường chính, cộng với cái nghèo thì có mấy em theo học đến hết lớp 5?”. Nghĩ đến điều này, thầy Thắng cùng gia đình quyết định hiến nhiều “tấc vàng” để xây trường, giúp hàng trăm trẻ ở địa phương thoát khỏi cảnh cuốc bộ 5 - 6 km đi “tìm chữ.

Trong niềm vui được học trong ngôi trường mới, em Phạm Mai Thanh Quyến - HS lớp 4 Trường Tiểu học Mỹ Thành Nam 1 chia sẻ: “Có trường mới tụi em mừng lắm! Từ nay tụi em không phải tìm nghỉ học vì cảnh trời mưa bão, chúng em có thể yên tâm học hành. Và cũng nhờ ngôi trường này, ba mẹ tụi em có thể ở nhà lao động, không phải đón đưa em đến trường hàng ngày như trước đây”.

Thầy giáo hiến 1.200 m2 đất xây trường học

Khi điểm trường mới hoàn thành, giúp hàng trăm em học sinh không phải vất vả đi bộ 5 -6km ra điểm chính học cái chữ.

Nhà em Phạm Phước Lộc, HS lớp 4/3 cách trường hơn 6km bởi thế khi ngôi trường hoàn thành, em và gia đình hăng hái đến trường phụ với các thầy cô dọn dẹp, chuẩn bị cho năm học mới, em Lộc chia sẻ: “Khi chưa có ngôi trường ngày, em phải đi bộ 5 - 6km mới đến điểm chính để học, giờ đây, trường gần nhà mất ít phút là đến trường, em vui lắm!”.

Đảm nhiệm chức vụ hiệu trưởng và Bí thư Chi bộ nên thầy Thắng bận rộn nhiều việc. Tuy nhiên, thầy vẫn dành nhiều thời gian cho học trò và đồng nghiệp, hàng ngày thầy vẫn lên lớp dạy lớp 1. Còn những ngày cuối tuần, thầy rất ít khi nghỉ ngơi mà dành phần lớn thời gian cho ruộng đồng hoặc đến thăm hỏi các học trò nghèo để tạo điều kiện cho các em tiếp tục học hành.

Hơn 28 năm gắn bó với sự nghiệp “trồng người” trên chính quê hương, thầy Nguyễn Văn Thắng chia sẻ: “Cái được lớn nhất khi có ngôi trường kiên cố này là giúp cho con em ở ấp 9A và khu vực lân cận không còn cảnh phải lội bộ hơn 6km đến trường và thầy cô giáo cũng không còn nặng nỗi lo HS bỏ học giữa chừng vì trường học quá xa. Ngoài ra, thầy cô chúng tôi cũng thấy an tâm khi đầu năm học vừa rồi các phụ huynh đều hứa hẹn sẽ cho con cái học đến cùng, dù cuộc sống của họ còn nhiều khó khăn!”.

Một vùng quê ngày nào sình lầy vất vả giờ đây là con đường bê tông liên ấp trải dài và việc một ngôi trường mới khang trang “mọc lên” giữa một vùng quê còn heo hút như xã Mỹ Thành Nam như là “đòn bẩy” cho phong trào khuyến học, khuyến tài của địa phương phát triển. Bởi thế, hơn ai hết, chính những phụ huynh và các em HS là người vui nhất và hạnh phúc nhất, họ không còn lo cảnh con em bỏ học giữa chừng vì đường xa cách trở.
 
Nguyễn Hành

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm