Kon Tum

Thầy giáo dạy Sử và những thành tựu sáng tạo khoa học

(Dân trí) - Là giáo viên dạy môn Khoa học xã hội, thầy Trần Đình Thuy (42 tuổi, giáo viên Trường THCS Trần Khánh Dư (xã Quang Vinh, TP Kon Tum) lại khá thành công với những sáng tạo Khoa học tự nhiên.

Chế tạo được các thiết bị máy móc, đặc biệt là chế tạo ra động cơ vĩnh cửu là niềm đam mê từ nhỏ của thầy giáo dạy Lịch sử Trần Đình Thuy. Chính vì vậy, thầy luôn tìm đọc tất cả những loại sách về khoa học kĩ thuật. Nhưng rồi, sau khi tốt nghiệp THPT, thầy Thuy phải bỏ lỡ niềm đam mê vì phải ở nhà chăm sóc bố bị bệnh nặng. Dang dở con đường học hành, gián đoạn các công trình nghiên cứu nhưng không vì thế mà thầy Thuy lại bỏ quên sự đam mê của mình. Ngay cả khi thực hiện nghĩa vụ quân sự, thầy cũng mang theo những đồ nghề làm thí nghiệm của mình. Sau 6 năm quân ngũ, thầy Thuy về làm cán bộ thuộc ban dân vận của tỉnh ủy Kon Tum.

Dù làm ở đâu, thầy vẫn luôn nuôi niềm đam mê chế tạo máy móc. Năm 2001, thể theo nguyện vọng của vợ mình, thầy đã chế tạo thành công bình nước nóng chạy bằng năng lượng mặt trời để gia đình sử dụng.

Công tác tại Ban dân vận được 6 năm, thầy Thuy quyết định nghỉ việc để bắt đầu thực hiện ước mơ bấy lâu của mình. Tuy nhiên vốn kiến thức trên ghế nhà trường đã mai một đi ít nhiều mà lúc ấy chỉ còn 3 tháng nữa là đến kỳ thi ĐH, CĐ.

Để lấy lại kiến thức của các môn khoa học tự nhiên sau hơn 12 năm không đụng đến trong vòng 3 tháng là điều không đơn giản, trong khi đó, các kiến thức các môn xã hội thì dễ học hơn. Nghĩ vậy, sau 3 tháng tự học, thầy Thuy đã quyết định thi vào Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai với 3 môn Văn, Sử, Địa và đi theo chuyên ngành Sử.

Năm 2005, thầy xin về dạy môn sử tại Trường THCS Trần Khánh Dư (xã Quang Vinh, TP Kon Tum). Từ đây, sau thời gian giảng dạy trên trường, phần lớn thời gian còn lại ở nhà, thầy Thuy đều chuyên tâm vào công việc tìm tòi, nghiên cứu chế tạo máy móc của mình.

Là giáo viên dạy Sử nhưng thầy Trần Đình Thuy luôn đam mê chế tạo máy
Là giáo viên dạy Sử nhưng thầy Trần Đình Thuy luôn đam mê chế tạo máy.

Đến nay, thầy Thuy đã có 3 sản phẩm được thử nghiệm thành công là tua-bin thủy lực; ấm nước mặt trời (đã được nộp đơn đăng ký sáng chế tại Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ) và sản phẩm bình nước nóng năng lượng mặt trời đã được giải Ba (không có giải Nhất và Nhì) tại cuộc thi Sáng tạo Kỹ thuật tỉnh Kon Tum.

Đặc biệt, bình nước nóng năng lượng mặt trời của thầy Thuy không chỉ là máy đặt cao hơn bồn chứa nước, phù hợp với những ngôi nhà có mái yếu, giảm chi phí cho người sử dụng do không phải làm giá đỡ bồn nước riêng biệt, có thể tiết kiệm được từ 500 ngàn - 1,5 triệu đồng, chỉ bằng 2/3 giá thành của các sản phẩm trên thị trường. Không chỉ vậy, nước trong bình có thể để qua đêm đến sáng vẫn còn nóng và vào mùa đông, bình vẫn thu được nhiệt để làm nóng nước bên trong.

Ngoài chế tạo thành công 3 sản phẩm trên, thầy Thuy còn chế tạo thành công nhiều ứng dụng nhỏ khác phục vụ cho đời sống sinh hoạt gia đình và bà con hàng xóm. Không chỉ vậy, hiện tại thầy cũng đã viết được hơn 10 phần lý thuyết cho các sản phẩm cơ, điện khác.

Để có được thành công trên, đối với thầy Thuy, công đầu tiên phải kể đến đó là người vợ hiền của thầy. Nhiều năm nay, vì niềm đam mê của chồng, một mình chị với đồng lương giáo viên ít ỏi đã tằn tiện thay chồng nuôi 2 con nhỏ (cháu lớn 12 tuổi, cháu nhỏ 3 tuổi). Nhắc về vợ mình, thầy Thuy không khỏi tự hào: “Một mình cô ấy làm nuôi gia đình và chưa hề than trách tôi. Còn tất cả tiền lương của tôi, tôi đều giành cho các thí nghiệm của mình”.

Đam mê nghiên cứu, chế tạo máy móc là vậy, nhưng khó khăn lớn nhất đối với thầy Thuy đó chính là tài chính. Khi đồng lương ít ỏi của thầy cũng chỉ đủ làm vài thí nghiệm nho nhỏ, thầy phải đi làm thêm bằng cách tiếp thị một số sản phẩm cho các công ty trên địa bàn tỉnh. “Mình có tiền ít thì mình làm nhỏ, một thí nghiệm nhiều tiền nhất của tôi là hơn 20 triệu đồng. Thật ra, vì cuộc sống thì tôi phải đi làm thêm thôi, chứ tôi chỉ muốn cả ngày ở nhà để đọc sách, nghiên cứu và chế tạo thôi chứ không muốn đi đâu cả” - thầy Thuy bộc bạch.

Đam mê hết mình với công cuộc chế tạo máy, tưởng rằng đôi lúc thầy Thuy sẽ bỏ bê công việc giảng dạy của mình, nhưng ngược lại, thầy luôn hoàn thành công việc của mình một cách tốt nhất.

Thầy Trần Hữu Lộc - hiệu trưởng Trường THCS Trần Khánh Dư cho biết: “Thầy Thuy luôn hoàn thành tốt công việc giảng dạy trên trường, chưa bao giờ thầy bỏ buổi dạy nào. Tháng 2 năm nay, thầy Thuy được công nhận là giáo viên dạy giỏi cấp thành phố nữa”.

Thiên Thư

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm