Thầy giáo dặn học sinh lớp 9: “Thi xong đừng gọi cho thầy!”
(Dân trí) - Sau buổi thi, phụ huynh đừng vội hỏi con "Có làm được bài không" mà thay vào đó hãy hỏi: "Con có mệt không? Con đói không? Con uống trà sữa không?" sẽ giúp các em thoải mái, bớt áp lực rất nhiều.
Thay cho những lời dặn các con phải ôn bài thế nào, xem bài ra làm sao, khi vào phòng thi phải ghi nhớ điều gì, thầy Võ Kim Bảo, giáo viên Trường THCS Nguyễn Du, Q.1, TPHCM gửi đến những điều "xin đừng" đến với học sinh lớp 9 và cả phụ huynh các em trước ngày hơn 80.000 thí sinh bước vào khi thi lớp 10 căng thẳng.
Thầy xin một ngày các em không internet
Thầy Võ Kim Bảo dặn dò các học trò của mình, làm xong bài thi môn đầu tiên, các em hãy lặng lẽ ra khỏi phòng thi, có thể không cần phải nói lời nào với ai, đi thẳng về.
Đừng vội trao đổi đáp án với bạn, đừng lên mạng xem đáp án, cũng đừng gọi ngay cho thầy cô để hỏi xem mình làm bài có đúng không. Xin đừng các em nhé! Nếu kết quả không được như ý, liệu các em có đủ tinh thần để thi các môn tiếp theo không?
Hãy nhớ lấy lời thầy! Cho thầy xin một ngày của các em không có internet nhé! Chỉ cần lướt Facebook 5 phút thôi các em sẽ lại thấy người ta chia sẻ đáp án, các em sẽ thấy bạn bè hớn hở khoe mình trúng tủ hoặc thấy bạn bè khóc lóc bù lu bù loa vì làm sai một câu nào đó... Thế rồi rồi môn tiếp theo làm sao thi? Chỉ 1 ngày thôi em nhé!
Đừng hỏi con "Làm được bài không? - Hãy hỏi con "Con có mệt không? Con đói không?"
Không chỉ gửi gắm đến học sinh, thầy Võ Kim Bảo còn gửi lời "xin đừng" đến phụ huynh đang căng thẳng cùng con trong kỳ thi này.
Thầy Bảo nói, con bước vào kỳ, phụ huynh lo lắng không kém là điều hoàn toàn dễ hiểu. Nhưng thầy mong quý phụ huynh đừng vội hỏi con: “Hôm nay con làm bài được không?”, hay đừng bảo con: “Con gọi cho thầy Bảo hỏi xem làm vậy được chưa?...”, mà hãy hỏi: “Con có mệt không? Con đói không? Uống trà sữa trân châu ít đường, ít đá nhiều cream chese không con?...”.
Ngày mai 2/6, hơn 80.000 học sinh lớp 9 ở TPHCM bước vào kỳ thi vào lớp 10 công lập
Thầy tin như vậy các em sẽ thoải mái hơn rất nhiều. Nếu làm bài được con sẽ tự khoe ngay, nếu con còn băn khoăn thì thôi, hãy hoãn những câu hỏi han đó để chiều, để mai, con sẽ cố làm thật tốt môn thi tiếp theo đã.
Với bản thân mình, thầy Bảo cho biết ngay sau khi thi xong thầy sẽ không giải đề và cũng sẽ không vui khi bạn nào gọi điện "hỏi han" thầy. Thầy sẽ kệ các em vì không muốn các em phải thêm áp lực.
Thầy Võ Kim Bảo là một giáo viên Văn trẻ tuổi, năng nổ, với rất nhiều ý tưởng, dạy học văn sáng tạo, đột phá. Thầy chia sẻ, bước vào kỳ thi này, học sinh rất căng thẳng, áp lực. Các em đến lớp học với tâm trạng lo lắng, nhắn tin than thở với thầy. Có trường hợp thầy biết, học sinh bị stress khóc trong giờ học, giáo viên chủ nhiệm phải trao đổi, khuyên nhủ...
Rồi bản thân thầy, mọi năm các em thi xong là điện thoại bị gọi đến "nóng máy" hỏi đáp án, hỏi này nọ, phụ huynh cũng gọi, thêm một cái khổ mà theo thầy là không cần thiết. Thầy Bảo khẳng định, ngoài áp lực của bản thân thì sự căng thẳng của học sinh còn đến từ sự "quan tâm" thái quá của những người xung quanh.
Chăm sóc sức khỏe học sinh mùa thi
Sở GD-ĐT TPHCM yêu cầu các đơn vị giáo dục tăng cường công tác y tế, an toàn thực phẩm, chăm sóc sức khỏe học sinh cho các kỳ thi.
Các đơn vị chuẩn bị đội ngũ, nhân viên y tế phụ trách các loại vật tư thiết yếu và cơ số thuốc phù hợp theo quy định để đáp ứng kịp thời các yêu cầu chữa trị chăm sóc y tế; có phương án hỗ trợ bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm và đề phòng ngăn ngừa các loại dịch bệnh; kịp thời xử lý các tình huống khi có dịch bệnh hoặc ngộ độc thực phẩm xảy ra ở các địa điểm tổ chức thi.
Ban chăm sóc sức khỏe trường học thực hiện các buổi truyền thông, xây dựng tài liệu tuyên truyền, hình thức chăm sóc, giáo dục bảo vệ sức khỏe đến các học sinh tham gia các kỳ thi sắp tới.
Giáo viên chủ nhiệm tuyên truyền đến cha mẹ học sinh về việc quản lý tốt giờ giấc sinh hoạt, chăm sóc, giữ gìn sức khỏe của học sinh tham gia các kỳ thi sắp tới tại buổi sinh hoạt lớp, họp cuối năm học.
Hơn 80.000 học sinh dự thi lớp 10
Theo báo cáo của Sở GD-ĐT TPHCM, tổng số thí sinh dự thi lớp 10 là 80.327, chỉ tiêu của tất cả các trường công lập là 67.299 học sinh.
Ông Nguyễn Thành Trung, Chánh Văn phòng Sở GD-ĐT TPHCM bày tỏ, đã là một kỳ thi, ít nhiều đối với học sinh, phụ huynh sẽ có áp lực nhất định. Trong khi đó, tâm lý và sức khỏe ảnh hưởng rất lớn tới việc làm bài thi. Có những em học tốt nhưng khi thi áp lực tâm lý quá hoặc sức khỏe không tốt mà làm bài không như ý. Thế nên điều cần nhất là học sinh giữ được một tâm trạng thoải mái.
Ông Nguyễn Thành Trung cũng nhấn mạnh, hiện nay xã hội rất mở, trong cả việc học lẫn ngành nghề. Phụ huynh và học sinh cần xác định tư tưởng các em có nhiều con đường đi chứ không chỉ duy nhất là vào THPT công lập.
Hoài Nam