Thấy gì từ trào lưu đề thi “ăn theo” sự kiện nóng?
(Dân trí) - Đề thi theo hướng mở đem lại hứng thú cho học sinh. Tuy nhiên, một số giáo viên đang chạy theo trào lưu, ra đề mở một cách tùy tiện, ngẫu hứng mà quên đi - hay không biết, mục đích của kiểm tra, đánh giá trong giáo dục là gì.
"Không nên gắn những chiếc mũ không vừa cỡ"
Năm 2013, câu 1 đề thi chọn học sinh giỏi văn bảng A (Hải Phòng) đưa câu nói của người mẫu Ngọc Trinh: “Yêu không có tiền thì cạp đất mà ăn à?" và phát biểu của “bà Tưng”: “Tôi ước mơ có nhiều đại gia, nhiều người giàu quan tâm đến mình, cho tôi thật nhiều tiền” để viết bài văn ngắn về chủ đề: Tiến bộ xã hội và ước mơ đại gia của cô gái trẻ.
Năm 2017, đề thi ngữ văn lớp 11 trường THPT Chuyên Vĩnh Phúc yêu cầu học sinh chỉ ra thông điệp đoạn trích bài hát “Lạc trôi” của ca sĩ Sơn Tùng.
Gần đây nhất, một loạt các đề thi môn Văn sử dụng hình ảnh của HLV Park Hang Seo cùng đội tuyển bóng đá quốc gia làm ngữ liệu đọc hiểu hoặc vấn đề nghị luận.
Đề thi học kì 1 môn Ngữ văn trường THPT chuyên Sơn La sử dụng một dòng trạng thái cá nhân viết về Park Hang Seo và BTS làm ngữ liệu đọc hiểu và sau đó yêu cầu viết đoạn văn bày tỏ suy nghĩ về thông điệp "Love Yourself" (Hãy biết yêu bản thân mình) của ban nhạc BTS.
Một đề thi khác của THPT Nguyễn Du (TPHCM) yêu cầu viết đoạn văn, trình bày suy nghĩ về "sự cống hiến hết mình của những cầu thủ vừa đăng quang ngôi vô địch AFF Cup 2018, lứa cầu thủ: yêu quê hương đất nước, tự hào tự tôn dân tộc, có ý thức bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của dân tộc, lao động, học tập để khẳng định bản lĩnh, tài năng cá nhân và phục vụ cống hiến cho đất nước, sẵn sàng có mặt khi Tổ quốc cần".
Theo TS Trịnh Thu Tuyết, nguyên giáo viên Ngữ văn, Trường THPT Chu Văn An (Hà Nội), yêu cầu về nhận thức, về định hướng đạo đức và thẩm mĩ cho học sinh đòi hỏi đề thi ngữ văn phải mang tính chuẩn mực, chuẩn mực từ văn phong, câu chữ, ngữ liệu tới xác định vấn đề nghị luận. Do đó, có thể nhận thấy rất rõ, các đề vừa trích dẫn trên đây, chưa đạt tính chuẩn mực.
Chẳng hạn đề của trường chuyên Sơn La sử dụng ngữ liệu đọc hiểu và nghị luận là một dòng trạng thái cá nhân mang phong cách ngôn ngữ sinh hoạt (dạng viết), với cách sử dụng đại từ nhân xưng ngẫu hứng ("bạn ấy/cậu...) cùng những suy nghĩ, xúc cảm chủ quan, cảm tính... về hai nhân vật, hai hiện tượng văn hoá với những biểu hiện khác nhau. Những đặc điểm ấy khiến văn bản thiếu tính thống nhất về thông điệp, chủ đề, làm giảm tính khoa học cho các câu hỏi đọc hiểu và nhất là câu nghị luận xã hội.
Hay như ở đề thi học kì 1 môn văn của trường Nguyễn Du (TPHCM) lại khiến người đọc đề, nhất là người phải thực hiện yêu cầu nghị luận của đề không khỏi bối rối vì tính chất khiến cưỡng tới mức khó chấp nhận.
Cô Tuyết cho rằng, không ai phủ nhận tài năng, tư cách của lứa cầu thủ vừa đăng quang ngôi vô địch AFF Cup 2018.
Tuy nhiên, giá trị của một sự việc, hiện tượng chỉ là tổng hòa ý nghĩa tự thân nó và khả năng suy tưởng, chiêm nghiệm về những vấn đề khác từ nó, ví dụ cách dùng người, cách ứng xử, cách tiến thoái..., thậm chí có thể như một thứ thuốc thử để nhận diện nhân cách và tài sản tinh thần của đám đông... Giáo viên này cho rằng, chỉ nên dừng lại ở đó, không nên quy đổi, áp đặt, gán cho nó những lớp áo mũ không vừa cỡ!
“Tất cả những cách áp đặt khiên cưỡng không những không giúp tôn vinh đối tượng mà chỉ khiến đối tượng có thể trở nên hài hước như người mặc nhầm trang phục.
Các thầy cô dạy "Hồn Trương Ba, da hàng thịt" đều hướng học sinh tới thông điệp: Hãy sống là chính mình. Các cầu thủ, với thành tích, sự nỗ lực phi thường, những biểu hiện đáng yêu trong gia đình, trên sân cỏ, tự họ đã xứng đáng là biểu tượng đẹp cho thể thao Việt Nam, con người Việt Nam.
Và dù mỗi người Việt Nam yêu nước đều có ý thức sâu sắc về chủ quyền lãnh thổ đất nước, nhưng để tôn vinh các cầu thủ sau một giải đấu thể thao, có nhất thiết phải đẩy lên thành "ý thức bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của dân tộc" hay không? Những tấm áo rộng nhiều khi chỉ cho thấy sự thiếu niềm tin vào tầm vóc thật của con người”, cô Tuyết nhấn mạnh.
“Lẽ nào chỉ lứa cầu thủ này mới là lứa cầu thủ yêu quê hương đất nước, tự hào tự tôn dân tộc, có ý thức bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của dân tộc” còn trước đây thì không?" - một chuyên gia đặt câu hỏi.
Trào lưu “ăn theo” ngớ ngẩn
Theo một chuyên gia đến từ Dự án hỗ trợ Giáo dục phổ thông, đề thi của Trường THPT Nguyễn Du (TPHCM) vừa được dẫn chứng trên đây, bỏ qua những lỗi sơ đẳng về câu văn, về viết hoa tùy tiện, thì nội dung của đề là sự gán ghép sự việc này với sự việc khác một cách ngớ ngẩn.
“Lẽ nào chỉ lứa cầu thủ này mới là “lứa cầu thủ yêu quê hương đất nước, tự hào tự tôn dân tộc, có ý thức bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của dân tộc” còn trước đây thì không”, chuyên gia này đặt câu hỏi.
Cũng theo chuyên gia này, một số giáo viên đang chạy theo trào lưu, ra đề mở một cách tùy tiện, ngẫu hứng theo chủ quan của mình mà quên đi, hay không biết mục đích của kiểm tra, đánh giá trong giáo dục là gì.
Đánh giá về điều này, TS Trịnh Thu Tuyết cho rằng, mấy năm gần đây, ngày càng thấy rõ mối liên hệ mật thiết giữa văn chương và cuộc sống, nhà trường và xã hội qua các đề thi mang hơi thở của cuộc sống.
Tuy nhiên, đề thi trong nhà trường dành cho đối tượng học trò, vì vậy bên cạnh yêu cầu cập nhật cuộc sống đương đại, vẫn đặc biệt cần tính chuẩn mực và sự cẩn trọng khi chọn ngữ liệu, xác định vấn đề nghị luận... để đề thi đảm bảo các yêu cầu về nhận thức, giáo dục tư tưởng và thẩm mĩ.
Với những đề trên, có thể thấy người ra đề đã lạm dụng tâm lí đám đông, bỏ qua những yêu cầu chuẩn mực của môi trường sư phạm về đạo đức, thẩm mĩ...
Đề bài dù có thể tạo hứng thú cho một bộ phận học trò nhưng lại không có giá trị định hướng cho xúc cảm thẩm mĩ, xúc cảm đạo đức tích cực vốn luôn là nhiệm vụ sư phạm của nhà trường.
Những ngữ liệu, học liệu đưa vào nhà trường, vào các đề thi, đặc biệt là các đề thi có tác động lớn tới tâm thế cộng đồng, do đó, luôn phải đảm bảo tính chuẩn mực, tính sư phạm, không giới hạn năng lực tư duy sáng tạo và quan điểm cá nhân nhưng cũng không được làm phương hại tới mục đích cao nhất của giáo dục là hướng tới các giá trị Chân - Thiện - Mỹ.
Vì thế, từ bản thân các phát ngôn, ca từ, hiện tượng xã hội... cho đến nguồn gốc xuất xứ của chúng luôn cần có sự lựa chọn thấu đáo, thận trọng trước khi trở thành ngữ liệu, học liệu trong nhà trường.
“Tôi cho rằng những việc ít nhiều gợi sự phản cảm như một cô gái này khoe thân, một cô gái khoe những quan niệm sống bất chấp đạo lí... hoàn toàn có thể xuất hiện trong bài làm của học trò khi các em luận bàn về một vấn đề xã hội mang tính khái quát, ví dụ: quan niệm về văn hóa, về giá trị bản thân, về ước mơ, hoài bão, về đồng tiền... Tuy nhiên, tuyệt đối không thể trở thành bản thân đối tượng luận bàn, nhất là trong những đề thi mang qui mô của một thành phố, một quốc gia." - TS Tuyết nêu quan điểm.
Lẽ ra đề chỉ nên nêu: “Viết đoạn văn (khoảng 200 từ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về sự cống hiến hết mình của những cầu thủ vừa đăng quang ngôi vô địch AFF Cup 2018” là đủ và đúng.
Trên trang cá nhân, PGS. TS Đỗ Ngọc Thống, Chủ biên Chương trình SGK Ngữ Văn - Chương trình Giáo dục phổ thông mới, cũng chia sẻ, ông rất buồn cười khi một số người ra đề “vững vàng” quá, lấn át khoa học, làm cho đề văn vừa dài dòng, vừa lẩm cẩm, vừa sai về nội dung bàn luận.
Theo ông Thống, nghị luận xã hội yêu cầu học sinh phải biết thể hiện tình cảm và suy nghĩ của mình trước một ý kiến, một vấn đề hay một sự kiện của đời sống. Đó là đổi mới đáng trân trọng của chương trình Ngữ văn hiện hành.
Yêu cầu học sinh phát biểu xung quanh sự kiện đội bóng đá Việt Nam vô địch AFF Cup 2018 không sai. Nhưng lẽ ra đề chỉ nên nêu: “Viết đoạn văn (khoảng 200 từ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về sự cống hiến hết mình của những cầu thủ vừa đăng quang ngôi vô địch AFF Cup 2018”, là đủ và đúng (hay thì chưa phải).
Nhưng có lẽ do sợ nêu như thế chưa thể hiện được lập trường, tư tưởng yêu nước, tự hào dân tộc… nên người ra đề cho thêm phần sau rất dài để làm rõ đặc điểm, phẩm chất của “lứa cầu thủ” này.
Song chính vì thế mà thành đề hỏng ở chỗ:
Thứ nhất, câu nghị luận xã hội chỉ 2/10 điểm, học sinh chỉ có khoảng 20 phút để viết, làm sao mà phát biểu tình cảm và suy nghĩ về nhiều vấn đề như thế.
Trong khi lẽ ra chỉ tập trung vào một ý, đó là “sự cống hiến hết mình của các cầu thủ”, thì học sinh sẽ phải bàn sang cả “tình yêu quê hương đất nước, tự hào tự tôn dân tộc, có ý thức bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của dân tộc, lao động và học tập để khẳng định bản lĩnh, tài năng cá nhân và phục vụ cống hiến cho đất nước, sẵn sàng có mặt khi Tổ quốc cần”.
Thứ hai, về nội dung nêu thêm vế sau như thế ai cũng sẽ hỏi: lẽ nào chỉ lứa cầu thủ này mới yêu nước và tự hào, tự tôn dân tộc như thế, còn tất cả các cầu thủ trước đây thì không ư?
Thứ ba, bóng đá chỉ là bóng đá thôi. Đành rằng các em vào trận với tất cả sự hăng say, quyết thắng bởi màu cờ sắc áo Việt Nam…Và đó cũng là biểu hiện của lòng yêu nước. Nhưng đừng vội khái quát, khoác lên cho trận đấu bóng nhiều mỹ từ bóng lộn, nhiều chữ nghĩa thiêng liêng như “ý thức bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của dân tộc”…
Mỹ Hà