Đắk Nông:
Thầy cô vượt bùn lầy vào rừng “gọi” học sinh trở lại trường
(Dân trí) - “Hai ngày nữa là bắt đầu năm học mới rồi, thế nhưng nhiều em vẫn theo chân bố mẹ lên nương lên rẫy hoặc vào rừng rồi ở lại trong đó. Để cho các em đi học đúng thời gian quy định, chúng tôi phải tìm vào tận rừng, tận rẫy, gọi các em quay về nhà”, cô Phan Thị Thương, Phó hiệu trưởng trường mầm non Hoa Ngọc Lan (xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông) tâm sự khi trên đường đến nhà học sinh sáng ngày 25/8.
Quảng Trực là một xã vùng sâu vùng xa của huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông. Đây cũng là địa phương có đường biên giới dài tiếp giáp với nước bạn Campuchia với phần đông là đồng bào dân tộc thiểu số M’Nông sinh sống.
Những ngày cuối tháng 8, những cơn mưa vẫn dai dẳng ở vùng đất biên giới. Con đường dẫn từ trung tâm Tuy Đức vào tới xã Quảng Trực chỉ dài khoảng 30km nhưng phải mất gần 2 tiếng đi xe vì đường lầy lội, trơn trượt. Đối với những người đồng bào bản địa, mùa mưa là thời điểm họ vào rẫy để tỉa lúa, tỉa ngô hoặc đi rừng kiếm lá bép, đọt mây, bắt cá suối. Những đứa trẻ cũng theo chân người lớn đi rẫy, đi rừng cả tuần mới về nhà, thậm chí nếu mưa không chịu dứt, có gia đình ở lại rừng cả nửa tháng mới trở về làng.
Lo những đứa trẻ theo chân bố mẹ đi rừng mà quên mất việc học nên giáo viên Trường mầm non Hoa Ngọc Lan phải cắt cử nhau đến từng nhà hoặc đi theo người dân vào rừng vận động học sinh về nhà chuẩn bị đi học. Ngày tạnh ráo thì không sao, nhưng vào ngày mưa, giáo viên phải lội bộ đi tìm học sinh vì xe máy cũng “chịu chết” do đường đi rất khó khăn.
Cô Phan Thị Thương, Phó hiệu trưởng Trưởng mầm non Hoa Ngọc Lan tâm sự, xã Quảng Trực có đông đồng bào dân tộc thiểu số, riêng Trường mầm non Hoa Ngọc Lan cũng có đến hơn 80% là học sinh người đồng bào. Hầu hết họ đều sống rải rác và làm nhà ngay trên đất sản xuất của gia đình, cách trường cả chục km. Năm học mới sắp đến, để vận động học sinh tới trường đúng thời gian quy định, các cô giáo phải mất cả ngày trời đi đường mới tìm được tới nhà học sinh.
Theo nữ hiệu phó, công tác “dân vận” không phải đơn giản vì nhiều phụ huynh không muốn đưa con đến trường: “Nhiều gia đình đi rừng hoặc đi làm nương rẫy sẽ đưa cả nhà đi theo, nhất là trẻ 3-5 tuổi. Nếu đi học thì phải có người lớn ở nhà đưa đón, tức là sẽ mất một công lao động, họ chấp nhận địu con trên lưng cả ngày, đưa cả đứa nhỏ đi làm chứ không đưa đến trường"
"Để được sự đồng ý của phụ huynh, giáo viên của trường, đặc biệt là các cô giáo người đồng bào bản địa phải kiên trì và khéo léo thuyết phục mới có hiệu quả”, cô Thương cho biết.
Tương tự, thầy Trần Nam Trung, Hiệu trưởng Trường THCS Bu Prăng cũng chia sẻ, do địa bàn xã rộng, dân cư sống rải rác và chỉ có một trường THCS duy nhất nên chuẩn bị bước vào năm học chính, nhà trường phải cắt cử giáo viên đến một vài thôn, bon để thông báo, vận động học sinh. “Chúng tôi sử dụng lực lượng tại chỗ, tức là những thầy cô giáo là người địa phương, người dân tộc bản địa vào tận nhà hoặc các lán trại ở nương rẫy để gặp gỡ phụ huynh, vận động họ đưa con về nhà chuẩn bị sách vở cho năm học mới”.
Cũng theo kinh nghiệm nhiều năm làm việc tại xã vùng biên đặc biệt khó khăn này, thầy Trung cho biết, ngay từ đầu tháng 8, giáo viên đã quay lại trường làm việc. Công việc bàn giấy thì ít, mà đi vận động, kêu gọi học sinh đến trường thì nhiều.
“Học trò vùng sâu còn rất nhiều khó khăn vất vả. Nhiều em vì điều kiện gia đình khó khăn đành phải nghỉ học, bỏ học… Nếu các thầy cô không quan tâm, vận động thì các em sẽ nghỉ học luôn, nhất là những học sinh đầu cấp, do tâm lý e ngại, rụt rè. Chính vì vậy, những ngày đầu năm học, giáo viên thường tranh thủ đến lớp sớm, nắm bắt sĩ số lớp, thấy em nào vắng là liên hệ với trưởng bon, phụ huynh hoặc tìm đến tận nhà đưa các em đến lớp”, thầy Trung cho hay.
Nhiều năm đứng lớp, rồi làm quản lý nên thầy Trung cũng có không ít kinh nghiệm khi trực tiếp đi gọi học sinh đến trường. Thầy hiệu trưởng chia sẻ: “Với bà con đồng bào, vấn đề kinh tế vẫn được đặt lên hàng đầu. Theo suy nghĩ của nhiều phụ huynh, một người đi học là mất một công lao động, mất tiền mua sắm, học phí… Nhưng khi được giải thích, đi học không mất tiền, mà còn được cấp gạo, cấp sách vở, cấp tiền thì phụ huynh cho con đi ngay. Tuy nhiên, với nhiều gia đình đặc biệt khó khăn, trẻ nghỉ học theo cha mẹ đi rẫy, đi làm thuê, nhiều khi giáo viên cũng “bó tay” không thuyết phục được”.
Cũng nhờ việc vào tận nhà, vận động từng phụ huynh học sinh mà các cô giáo biết và hiểu được hoàn cảnh của từng em, điều kiện kinh tế gia đình khó khăn, thiếu thốn ra sao.
Cô Hồ Thị Hải Phi, giáo viên Trường THCS Bu Prăng chia sẻ: “Học trò vùng sâu còn rất nhiều khó khăn vất vả. Nhiều em vì điều kiện gia đình khó khăn đành phải nghỉ học, bỏ học… Nếu các thầy cô không quan tâm, vận động thì các em sẽ nghỉ học luôn. Chính vì vậy, đi dạy nhưng lúc nào trong cặp cũng có một vài món quà nho nhỏ, trong lúc học thì tặng, động viên các em. Đối với học sinh vùng cao này, được thầy cô tặng cho cây bút, cái thước mới thì các em phấn khởi lắm”.
Dương Phong